Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) ngày 5/9 cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các tổ chức tài chính 2 điểm phần trăm, từ 8% hiện nay xuống 6%, trước áp lực giảm giá của đồng nhân dân tệ.
Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9. Quyết định này được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng Trung ương, gọi tắt là PBC) đưa ra trong bối cảnh đồng nhân dân tệ liên tục suy yếu thời gian gần đây. Đồng tiền này đã có lúc giảm mạnh xuống dưới mức 6,95 nhân dân tệ đổi 1 USD vào chiều ngày 5/9.
Đây là lần thứ hai trong năm nay và cũng là trong lịch sử ngân hàng này hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối. Trước đó, PBC đã hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các tổ chức tài chính 1 điểm phần trăm, từ 9% xuống 8% kể từ ngày 15/5/2022, nhằm “nâng cao khả năng sử dụng vốn ngoại hối của các tổ chức tài chính”. Cả hai lần điều chỉnh đều diễn ra vào thời điểm đồng nhân dân tệ giảm giá liên tục.
Kể từ ngày 15/8, tỷ giá nhân dân tệ đã trải qua đợt giảm giá mạnh thứ hai trong năm và cuộc thảo luận về khả năng đồng nhân dân tệ “phá ngưỡng 7” đã quay trở lại.
Ông Lưu Quốc Cường, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, đồng nhân dân tệ đã mất giá 8% từ đầu năm đến nay, nhưng sự mất giá này vẫn là nhẹ so với các đồng tiền chính khác trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng tới 14,6%. Ông khẳng định, thị trường ngoại hối của Trung Quốc hiện vẫn đang hoạt động bình thường, dòng vốn xuyên biên giới vẫn di chuyển một cách có trật tự, dù chịu tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ Mỹ, nhưng vẫn có thể kiểm soát được.
Được biết, từ năm 2007, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của Trung Quốc thường duy trì ở mức 5%. Năm 2021, trước áp lực tăng giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nâng tỷ lệ dự trữ ngoại hối hai lần vào tháng 5 và tháng 12 cùng năm, từ 5% lên 9%. Đây là lần thứ 7 trong lịch sử nước này điều chỉnh tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc và lần thứ hai điều chỉnh giảm.
T.P