Bộ Ngoại giao Kazakhstan xác nhận hôm thứ Hai (5/9) rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Kazakhstan vào ngày 14/9. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ bùng phát đại dịch COVID-19. Phân tích cho thấy chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Kazakhstan trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 có nhiều mục đích, liên quan đến Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.
Ông Aibek Smadiyarov, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Kazakhstan, cho biết ông Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và ký một số văn kiện song phương.
Bắc Kinh chưa thông báo về động thái của ông Tập hay xác nhận chuyến thăm của ông tới Kazakhstan.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình đến thăm Myanmar vào tháng 1/2020, ông Tập chưa từng ra nước ngoài trong hai năm rưỡi và chỉ đến thăm Hong Kong vào ngày 30/6 để đánh dấu kỷ niệm 25 năm Anh trả Hong Kong cho Trung Quốc.
Trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị, chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì từng ra nước ngoài. Tuy nhiên, Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật quan trọng thứ 3 trong ĐCSTQ, sẽ bắt đầu chuyến công du 11 ngày vào thứ Tư tuần này (07/9) đến Nga. Đây được coi là những dấu hiệu cho thấy các quan chức cấp cao của Trung Quốc đang nối lại các chuyến công du quốc tế.
Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo G20 duy nhất đã không ra nước ngoài trong suốt đại dịch COVID-19.
Ông Tập ra nước ngoài vào thời điểm này là ‘bất thường’
Tờ Bloomberg đưa tin, việc ông Tập ra nước ngoài vào thời điểm này là không bình thường. Trước thềm đại hội đảng diễn ra vào ngày 16/10 tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo đảng hiếm khi ra nước ngoài vì hoạt động chính trị trong nước khá căng thẳng trong những ngày này. Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ phá vỡ tiền lệ cho nhiệm kỳ thứ ba tại cuộc họp.
Ông Temur Umarov, một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace – CEIP), nói với tờ SCMP rằng việc lựa chọn khu vực cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau 2 năm qua nhấn mạnh nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh vì năm sau là kỷ niệm 10 năm ra mắt Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ông Umarov cho biết Bắc Kinh đã rất ngạc nhiên khi quân đội Nga được điều động để dập tắt các cuộc biểu tình ở Kazakhstan vào tháng Giêng. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, tổng cộng hơn 200 người đã thiệt mạng.
Ông Umarov nói: “Chúng ta nên nhớ rằng vào thời điểm đó Bắc Kinh trông rất yếu ớt ở Trung Á, trong khi Nga rất tích cực”.
Nằm giữa Nga và Trung Quốc và giáp với ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Kazakhstan là nền kinh tế lớn nhất ở Trung Á, rất giàu mỏ hydrocacbon và kim loại. Là một nước xuất khẩu dầu, khí đốt và than, Kazakhstan cũng rất quan trọng về mặt kinh tế đối với Trung Quốc.
Nga và Kazakhstan có chung đường biên giới dài gần 8.000 km. Hai nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ. Vì Kazakhstan luôn là đồng minh với Nga cùng với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đất nước này là một phần ảnh hưởng của Nga, nên hệ thống chính trị và kinh tế của nước này gần như là một bản sao của Nga.
Kazakhstan cũng rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là về các vấn đề năng lượng, trong đó các công ty Mỹ như Exxon Mobil và Chevron đầu tư hàng chục tỷ USD vào miền tây Kazakhstan.
Chuyến thăm của ông Tập tới Kazakhstan có nhiều mục đích
Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) tin rằng chuyến thăm của ông Tập tới Kazakhstan có nhiều mục đích, điều này thực sự phản ánh phản ứng kinh tế và chính trị thụ động của ĐCSTQ trước sức ép từ Hoa Kỳ và phương Tây. Tham gia Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCО) và kêu gọi các nước SCO đối đầu với Hoa Kỳ rõ ràng là một trong những mục tiêu của ĐCSTQ.
Một mục đích khác có thể liên quan đến chính Kazakhstan. Hiện tại, quyền lực của Nga ở Trung Á đang suy giảm, Tổng thống Kazakhstan Tokayev có mối quan hệ tế nhị với Putin, đồng thời Kazakhstan cũng có quan hệ với Mỹ. Sau khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ukraine, ông Tokayev đã công khai từ chối công nhận hai “nhà nước” thân Nga đã tuyên bố độc lập ở miền Đông Ukraine, cho thấy chính sách của Kazakhstan ở Trung Á đã có sự chuyển hướng tinh tế đối với phương Tây.
Chuyến đi của ông Tập có mục đích mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Trung Á và trấn áp ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Nga. Đồng thời, Kazakhstan có đường ống vận chuyển dầu và khí đốt sang Trung Quốc. Đảm bảo rằng các nguyên liệu chiến lược của ĐCSTQ và cấu trúc khu vực không thay đổi ở Trung Á đã trở thành mục đích chính trong chuyến thăm của ông Tập.
Ông Lý Lâm Nhất nhận định, vấn đề là Hoa Kỳ cũng muốn mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á. Do đó, mối quan hệ trong tương lai giữa ĐCSTQ và các nước Trung Á sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc tranh giành Trung-Mỹ.
Theo đài BBC, các nhà quan sát của Nga cho rằng, Moscow cũng lo lắng về sức mạnh và ảnh hưởng của mình ở Trung Á, nơi được coi là sân sau của sáng kiến ”Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Trong nhiều năm, Nga cũng đã cố gắng kiểm soát việc mua dầu và khí đốt của Trung Quốc từ Trung Á để tăng sức mạnh của mình đối với giá năng lượng toàn cầu. Một số phương tiện truyền thông Nga cũng liên tục cáo buộc Trung Quốc dùng tiền để hối lộ các chức sắc của Kazakhstan.
Ông Tập sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO hoặc gặp ông Putin
Tờ Wall Street Journal hôm 19/8 tiết lộ, theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan vào giữa tháng 9, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo các nước. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 15/9 đến ngày 16/9.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một khối an ninh khu vực được thành lập bởi Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á vào năm 2001, đã bổ sung thêm Ấn Độ và Pakistan vào năm 2017, và các nhà quan sát bao gồm Iran và Afghanistan, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ được liệt kê là một đối tác đối thoại.
Những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan vào đầu tháng 8, điều này đã tác động đến ông Tập Cận Bình. Vì vậy chuyến đi lần này của ông đã được thêm vào so với sắp xếp ban đầu. Họ cho biết ông Tập đã bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến đi sau khi những lời cảnh báo giận dữ và đe dọa từ ĐCSTQ không thể ngăn cản bà Pelosi.
Họ nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng căng thẳng leo thang với Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan có thể dẫn đến những rủi ro ngẫu nhiên. Theo báo cáo trước đó, bốn ngày trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, ông Tập Cận Bình bày tỏ “không có ý định gây chiến với Hoa Kỳ” trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden.
Các quan chức Trung Quốc cho hay, chuyến thăm tới Samarkand của Uzbekistan sẽ nhấn mạnh mục tiêu của ông Tập là thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh không phải của Mỹ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông Tập sẽ thăm Bali vào tháng 11 để dự hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng điều này chưa được Bắc Kinh xác nhận.
T.P