Học thuyết hải quân mới của Nga đã nâng cao tầm quan trọng của Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Ngày 31/07/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ký phiên bản cập nhật của Học thuyết Hải quân Liên bang Nga. Đây là tài liệu hoạch định chiến lược ở cấp cao nhất, trình bày chi tiết cách tiếp cận chính thức của Moscow đối với lĩnh vực hải quân. Phiên bản mới có sự thay đổi đáng kể so với phiên bản trước đó, được công bố từ năm 2015.
Học thuyết lần này nhấn mạnh sự đối đầu toàn cầu với phương Tây, vai trò nổi trội của lăng kính an ninh trong việc xác định các mục tiêu quốc gia, và việc tái định hướng chính sách đối ngoại của Nga hướng về các nước phương Nam (Global South) sau cuộc xâm lược Ukraine. Điện Kremlin dự định tăng cường khả năng tác chiến của hải quân trên toàn thế giới, và tuyên bố đã sẵn sàng hơn trong việc sử dụng các phương tiện quân sự để thúc đẩy lợi ích của mình trên các vùng biển quốc tế, bao gồm cả ý định tăng cường hiện diện hải quân trên các vùng biển này. Để làm được như vậy, học thuyết mới kêu gọi tái cấu trúc toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu, phát triển khả năng sản xuất và công nghệ, cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự.
Trong lĩnh vực năng lượng, học thuyết mở đường cho sự phục hồi các hoạt động thăm dò đáy biển và khai thác nhiên liệu hóa thạch. Văn bản năm 2015 nói rằng Nga sẽ thiết lập một “khu dự trữ chiến lược” gồm các khu vực đã được thăm dò địa chất để dành cho khai thác trong tương lai. Việc thiếu một đoạn văn tương tự trong văn bản năm 2022 ngụ ý rằng Nga sẽ khai thác tối đa hydrocarbon trong những năm tới, nhiều khả năng là do lo ngại chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu sẽ làm giảm khả năng xuất khẩu trong tương lai.
Tương tự như học thuyết năm 2015, học thuyết mới chia thế giới thành sáu “hướng” địa lý, dù thứ tự của chúng đã thay đổi. Các hướng Bắc Cực và Thái Bình Dương, trước đây được đề cập ở vị trí thứ hai và thứ ba, đã được nâng cấp lên hai vị trí đầu tiên, trong khi hướng Đại Tây Dương bị hạ cấp xuống hàng thứ ba. Một trong những mục tiêu chính của Nga đối với ba hướng này là “đảm bảo sự ổn định chiến lược” (một cách khác để nói về răn đe hạt nhân lẫn nhau), được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ quyết đoán và khẩn cấp hơn so với năm 2015.
Học thuyết giải thích rằng Bắc Cực đã trở thành một khu vực xảy ra cạnh tranh kinh tế và quân sự toàn cầu, và mục tiêu chính là duy trì vị trí hàng đầu của Nga trong khu vực này, đồng thời “khai thác sâu rộng” trữ lượng khoáng sản của khu vực. Nga dự định sử dụng “Tuyến Đường Biển Phương Bắc” (Northern Sea Route, NSR) như vùng nội thủy của mình. Theo đó, tuyến NSR nhiều tài nguyên, ban đầu được người Nga quảng bá như một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez, đã được chuyển hướng về phía đông kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu, để thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa của Nga sang châu Á.
Có vẻ như Nga cũng đang tìm cách để tránh bị hiểu lầm là đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc sau cuộc xâm lược thảm khốc vào Ukraine. Trong khi phiên bản năm 2015 của Học thuyết Hải quân tuyên bố rằng “phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là một thành phần quan trọng của chính sách hải quân quốc gia theo hướng Thái Bình Dương,” thì Trung Quốc hoàn toàn vắng mặt trong tài liệu năm 2022. Thay vào đó, có những “thành phần quan trọng” mới: giảm thiểu các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga, đảm bảo sự ổn định chiến lược trong khu vực, và phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương. Văn bản cũng thể hiện rõ rằng Bắc Cực và Thái Bình Dương đều được coi là những khu vực đối đầu chiến lược giữa Nga với Mỹ và các đồng minh.
Việc hạ cấp hướng Đại Tây Dương (bao gồm Biển Baltic, Biển Đen, Địa Trung Hải, và Biển Đỏ) xuống hàng thứ ba cho thấy Điện Kremlin đã mất hy vọng về bất kỳ sự hợp tác tích cực nào với phương Tây. Theo đó, mục tiêu chính của Nga trong hướng Đại Tây Dương là “đảm bảo sự ổn định chiến lược”.
Tương tự như văn bản năm 2015, Biển Caspi được liệt kê ở vị trí thứ tư, Ấn Độ Dương đứng thứ năm, và Nam Cực đứng thứ sáu.
Vai trò của Địa Trung Hải (như đã đề cập ở trên, một tiểu vùng của khu vực Đại Tây Dương) đã được cập nhật chi tiết hơn so với phiên bản năm 2015. Nga đã xác định rằng họ muốn tăng cường quan hệ đối tác với Syria; đảm bảo sự hiện diện quân sự của mình ở Địa Trung Hải trên cơ sở tiền đồn quân sự của Nga ở Tartus (Syria); tìm cách thiết lập thêm các tiền đồn hậu cần kỹ thuật trong khu vực; hoạt động tích cực để đảm bảo ổn định quân sự-chính trị ở Trung Đông; và tìm cách hợp tác sâu rộng hơn với các nước Trung Đông.
Thông tin chi tiết hơn về Trung Đông cũng xuất hiện trong bối cảnh Ấn Độ Dương ngày càng mở rộng: Người Nga quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với Iran, Ả Rập Saudi, và Iraq; đồng thời tìm cách phát triển các mối quan hệ đa dạng, bao gồm hợp tác an ninh và hải quân, với tất cả các quốc gia thuộc lưu vực Ấn Độ Dương.
Một mục tiêu khác là duy trì sự hiện diện quân sự-hải quân ở Vịnh Ba Tư, “dựa trên các tiền đồn hậu cần kỹ thuật ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương, và việc sử dụng cơ sở hạ tầng của các quốc gia trong khu vực cho mục đích tiến hành hoạt động quân sự của hải quân Nga.” Đây là một tuyên bố có phần kỳ lạ vì các tàu Nga hiếm khi viếng thăm Vịnh Ba Tư, và Nga thiếu các căn cứ thường trực tại khu vực này. Trong ba năm qua, Nga đã thất bại trong việc ép buộc chính phủ Sudan thực hiện thỏa thuận cho thuê dài hạn một phần cảng Sudan, vốn đã được ký dưới thời nhà độc tài Omar al-Bashir.
Một thay đổi lớn trong học thuyết là lời khẳng định rằng Nga là một “cường quốc hải quân” và có lợi ích ở tất cả các vùng biển và đại dương. Việc duy trì và phát triển vị thế này được đặt lên hàng đầu trong chương “Các Mục tiêu Chiến lược của Chính sách Hải quân Quốc gia.” Một thay đổi quan trọng khác nằm ở việc phân loại tất cả các vùng biển trên thế giới theo tầm quan trọng của chúng và theo mức độ sẵn sàng sử dụng vũ lực của Nga. Hệ thống bao gồm ba cấp bậc:
“Các khu vực có tầm quan trọng sống còn,” trong đó Nga có thể sử dụng tất cả các phương tiện để bảo vệ lợi ích của mình, bao gồm cả lực lượng vũ trang. Nhóm này bao gồm lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga, phần Biển Caspi thuộc Nga, Biển Okhotsk (gần Nhật Bản), và phần lớn của Bắc Băng Dương.
“Các khu vực quan trọng,” trong đó việc sử dụng vũ lực được xem là phương sách cuối cùng sau khi các lựa chọn khác đã không còn. Nhóm này bao gồm phía đông Địa Trung Hải, Biển Đen và Biển Azov, Biển Baltic, các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, và Kuril, và thậm chí cả các tuyến vận tải đường biển quốc tế ngoài khơi châu Á và châu Phi.
“Các khu vực khác”: phần còn lại của các vùng biển quốc tế, nơi lợi ích của Nga sẽ được đảm bảo bằng các phương pháp phi vũ trang.
Ngoài ra, học thuyết mới cũng thiết lập quyền tối cao của luật pháp Nga trên luật pháp quốc tế. So với trước đây, nó nhấn mạnh hơn đến việc sản xuất và xuất khẩu các nguồn năng lượng từ các mỏ dự trữ ngoài khơi và bảo vệ các đường ống dẫn khí đốt dưới nước; tăng cường khả năng huy động mọi nhánh của hải quân, kể cả dân sự, trong trường hợp khẩn cấp; kêu gọi củng cố đội tàu hải quân và thương mại của Nga, cũng như phát triển năng lực công nghệ và công nghiệp cần thiết, bao gồm cả trong lĩnh vực đóng tàu sân bay; và kêu gọi tăng tốc hoạt động ngoại giao của Nga về các vấn đề liên quan đến biển – trong các tổ chức quốc tế giải quyết các vấn đề này, cũng như sự hiện diện của các tàu chiến và tàu nghiên cứu của Nga “trên các đại dương của thế giới”.
TỪ HỌC THUYẾT ĐẾN THỰC TẾ
Kể từ khi lên nắm quyền, Putin đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc khôi phục tiềm lực quân sự (bao gồm cả hải quân) của Nga, vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng do sự tan rã của Liên Xô. Đồng thời, các công ty thương mại của Nga đã tăng cường hoạt động của các dàn khoan ngoài khơi, đặt đường ống dẫn khí đốt dưới nước, và các hoạt động phát triển tại Bắc Cực.
Bất chấp những chuẩn bị đầy tham vọng và đầu tư tài chính đáng kể, vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế sự phát triển của Nga như một “cường quốc hải quân.” Các ngành công nghiệp của Nga, cả quân sự và dân sự, đều thiếu kiến thức công nghệ, cơ sở hạ tầng sản xuất, và nhân lực cao cấp trong nhiều lĩnh vực.
Chẳng hạn, kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga chỉ có một hàng không mẫu hạm lỗi thời và nước này còn gặp khó khăn trong việc bảo trì nó. Sau vụ đánh chìm tàu tuần dương Moskva trong chiến tranh Ukraine, hiện họ chỉ còn bốn tàu tuần dương và khoảng mười tàu khu trục. Tất cả các tàu này đều đã hạ thủy hoặc bắt đầu được đóng từ thời Liên Xô. Trong lĩnh vực dân sự, người Nga không có năng lực để đặt đường ống dẫn khí đốt dưới nước, hoặc tiến hành khoan nước sâu, và xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng; họ vẫn đang phụ thuộc vào các công ty phương Tây vốn đã ngừng hoạt động ở Nga sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ.
Các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là nền tảng chính cho sức mạnh của Hải quân Nga, cho phép nước này trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các cường quốc khác. Trong những năm tới, Nga hứa hẹn sẽ có một dàn tàu ngầm đặc biệt mang theo ngư lôi siêu thanh và trang bị đầu đạn hạt nhân (Poseidon). Trong lĩnh vực quân sự thông thường, người Nga đang sản xuất các tàu hộ tống, tàu tuần tra, và tàu ngầm diesel được trang bị tên lửa hành trình hiện đại và chính xác (tên lửa Kaliber có tầm bắn lên tới 2.500 km, đã được sử dụng một cách phổ biến để chống lại Ukraine, và sắp tới là Zircon, một loại tên lửa có tầm bắn khoảng 1.500-1.000 km). Nga cũng là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, cần thiết cho sự phát triển ở Bắc Cực.
Tất cả các dự án của Nga đều đang gặp phải nhiều vấn đề: quá nhiều dòng thiết kế (khiến việc bảo trì trở nên khó khăn); chất lượng kém và hay có sơ suất (thường xuyên dẫn đến tai nạn nghiêm trọng); và sự trì hoãn trong lịch trình phát triển và sản xuất. Chế độ trừng phạt của phương Tây, vốn đã gây khó khăn cho các ngành công nghiệp của Nga ngay từ trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, được cho là sẽ đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển của sức mạnh hải quân Nga, vốn được thể hiện trong học thuyết mới.
Vì Hải quân Nga chủ yếu bao gồm các tàu nhỏ, hoạt động gần bờ, hầu hết hoạt động của lực lượng này tập trung ở các vùng nước gần biên giới của Nga (Biển Bắc, Biển Đen, Biển Baltic, Biển Caspi, Biển Okhotsk và Biển Nhật Bản). Phần phía đông của Địa Trung Hải là một khu vực bất thường và độc đáo, nơi Hải quân Nga đã cố gắng thiết lập sự hiện diện lâu dài trong thời kỳ hậu Xô-viết, dựa vào hai căn cứ của Nga ở Syria, Hmeymim và Tartus, mà Moscow đã thuê hàng chục năm qua. Tầm quan trọng quân sự của đông Địa Trung Hải hiện đã rõ ràng – Nga đang tập trung phần lớn lực lượng tàu chiến của mình ở đó và ở Biển Đen, nhằm ngăn NATO can dự sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine.
KẾT LUẬN
Học thuyết Hải quân 2022 là tài liệu an ninh quốc gia đầu tiên mà Nga công bố kể từ đầu cuộc chiến ở Ukraine đến nay, đồng thời phản ánh tư duy chiến lược của Điện Kremlin ở thời điểm hiện tại. Văn bản tập trung vào cuộc đối đầu tổng thể của Nga với Mỹ và NATO, nhấn mạnh vị trí trọng tâm của sử dụng vũ lực trong việc bảo vệ các lợi ích toàn cầu của Nga và tìm kiếm các giải pháp thay thế phương Tây về kinh tế và chiến lược ở các nước đang phát triển. Văn bản này cũng củng cố xu hướng của Nga: biến vùng biển quốc tế thành không gian cho cạnh tranh và đối đầu chiến lược giữa các cường quốc. Việc quân sự hóa không gian biển được thể hiện trong tài liệu “Các nguyên tắc cơ bản về chính sách nhà nước của Liên bang Nga trong lĩnh vực quân sự-hải quân đến năm 2030” (xuất bản năm 2017), xuất phát từ học thuyết năm 2015, trong đó nêu chi tiết về các khía cạnh quân sự của nước này.
Cách trình bày của học thuyết năm 2022 khiến nhiều học giả có xu hướng tập trung vào việc thiếu kết nối giữa Putin và các đô đốc của ông, cũng như thực tế nghiệt ngã của Hải quân Nga. Thật vậy, Nga có lẽ sẽ rất khó để đạt được tất cả các tham vọng của mình, đặc biệt là đối với các vùng biển xa bờ. Tuy nhiên, những thay đổi từ năm 2015 đến năm 2022 phản ánh sự tái định hướng chính sách đối ngoại của Nga, hướng đến các nước phương Nam sau cuộc chiến ở Ukraine, và nhận thức rằng Bắc Cực sẽ là “con bò sữa” mới cho nền kinh tế Nga.
T.P