Đó là nhận định của Tiểu ban theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng (Tiểu ban 5) thuộc Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban, ngày 9/9.
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2022, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp.
Trình bày ý kiến của Tiểu ban về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Tiểu ban 5 cơ bản tán thành đánh giá nêu trên, nhưng tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán.
Báo cáo dẫn một số vụ điển hình như vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại TP.HCM, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế…; Vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng. Vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương…
Đáng chú ý là những tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Tiểu ban 5 cũng nhấn mạnh, một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi.
“Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan… ; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp”, ông Cường nêu nhận đinh của Tiểu ban.
Về nguyên nhân của những hạn chế, Tiểu ban 5 nhấn mạnh, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng còn chậm được thể chế hóa; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế- xã hội và phòng chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời, nhiều quy định thiếu chế tài cụ thể.
Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.
Nguyên nhân tiếp theo được ông Cường nêu là việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang, cục bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Tiểu ban 5 đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Tiểu ban 5 cũng đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế…; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung.
Các cơ quan trên còn được đề nghị tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
T.P