Bắc Kinh thực sự vẫn còn thời gian?
Khi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, một quan điểm mới, đáng sợ đã xuất hiện ở một số nhà phân tích và hoạch định chính sách Mỹ. Quan điểm này cho rằng cánh cửa cơ hội để Trung Quốc “thống nhất” với Đài Loan – một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại cốt lõi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – đang khép lại, gia tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ khi vẫn còn cơ hội.
Quan điểm này dựa trên niềm tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đi gần đến hồi kết. Sự suy giảm nhân khẩu học chưa từng có, gánh nặng nợ nần, sự đổi mới không đồng đều, và các vấn đề kinh tế nghiêm trọng khác đã và sẽ còn làm chậm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, khiến nước này không còn sức mạnh quân sự hoặc ảnh hưởng chính trị để thách thức Mỹ. Quan điểm này cũng cho rằng Bắc Kinh đã nhận thức được trở ngại, do đó có khả năng sẽ sớm hành động trước khi quá muộn. Như các học giả Hal Brands và Michael Beckley đã lập luận trên Foreign Affairs, “Trung Quốc đang đi theo một con đường vòng cung vốn thường kết thúc trong bi kịch: sự trỗi dậy với tốc độ chóng mặt được theo sau bởi bóng ma của một sự sụp đổ thảm khốc.” Theo quan điểm của họ, nếu Trung Quốc muốn vẽ lại bản đồ thế giới, họ sẽ làm điều đó ngay bây giờ hoặc không bao giờ.
Nhưng phân tích như vậy là sai lầm. Đúng là sự đi lên của nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại và cuối cùng sẽ bị đảo ngược, cản trở các khát vọng chính trị và quân sự của Bắc Kinh. Nhưng một “sự sụp đổ thảm khốc” không nằm trong các kịch bản. Bất kỳ sự suy giảm từ đỉnh cao nào của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ diễn ra từ từ – và có thể được xoa dịu phần nào bằng cách chi tiêu mạnh tay hơn cho nghiên cứu và phát triển nhằm mục đích bù đắp một phần các thảm họa liên quan đến nợ và nhân khẩu học của đất nước. Trên thực tế, quỹ đạo thu nhập và chi tiêu quốc phòng hiện tại cho thấy Trung Quốc sẽ có nhiều nguồn lực hơn để cạnh tranh quân sự với Mỹ trong 10 năm tới, so với trong 20 năm vừa qua. Kết quả là, Bắc Kinh sẽ có nhiều khả năng – chứ không phải ít khả năng – phô trương sức mạnh, trong khi Mỹ gặp khó khăn trong việc chống lại các thách thức quân sự của Trung Quốc ở châu Á. Thay vì một cửa sổ hẹp để đạt được tham vọng địa chính trị của mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có nhiều không gian hơn để chờ đợi thời cơ.
NHÂN KHẨU HỌC, KHÔNG PHẢI SỐ MỆNH
Nhân khẩu học suy giảm chắc chắn sẽ dẫn đến kinh tế suy giảm ở Trung Quốc. Nhưng quá trình này có thể diễn ra từ từ, không đột ngột, và thời hạn vẫn là chưa chắc chắn. Lực lượng lao động Trung Quốc có thể đang thu hẹp và sẽ tiếp tục thu hẹp không hồi kết, bởi vì dân số nước này sắp bắt đầu thu hẹp, nếu không nói là nó đã thu hẹp. Năm 2021, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục. Độ tuổi trung vị ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ khoảng nửa tuổi, và đến năm 2042, chênh lệch sẽ là gần bảy tuổi, hoặc ngang bằng với Nhật Bản ngày nay. Dân số Trung Quốc sẽ giảm nhanh hơn vào cuối thế kỷ này, giảm hơn 200 triệu người vào năm 2060, theo một dự báo của Liên Hiệp Quốc. Khi sự suy giảm này diễn ra, về cơ bản, tăng trưởng kinh tế thực sự là điều không thể.
Nhưng ngay cả trong bối cảnh thu hẹp nhân khẩu học này, trong trường hợp tệ nhất, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, giống như trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, nhưng với sự giàu có và khả năng công nghệ gần hơn với Mỹ. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Trong phần còn lại của thập niên này và những năm sau đó, một dân số đạt đỉnh không nhất thiết sẽ dẫn đến sự suy giảm kinh tế nhanh chóng. Sự suy giảm lực lượng lao động của Trung Quốc có lẽ đã diễn ra được 10 năm, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn vượt xa Mỹ. Chẳng một ai tin rằng khả năng kinh tế của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2012 hay thậm chí là năm 2018. Dù suy giảm lực lượng lao động cuối cùng sẽ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc, vẫn chưa rõ khi nào điều đó sẽ xảy ra. Tuổi trung vị của Trung Quốc vào năm 2032 được dự đoán bằng với Mỹ vào năm 2052. Nếu nhân khẩu học là do số phận định đoạt, thì khi đó nước Mỹ cũng sẽ suy yếu. Nhưng trên thực tế, sức khỏe kinh tế của Mỹ, giống như của Trung Quốc, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Một trong những yếu tố đó là nợ. Nợ đã đè nặng lên sự tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng nó là một căn bệnh mãn tính chứ không phải cấp tính. Tổng tín dụng của Trung Quốc dành cho lĩnh vực phi tài chính đã tăng đáng kể trong thập niên vừa qua, vốn bắt đầu chủ yếu để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tính đến cuối năm 2019, dư nợ đã ở mức 263% GDP, cao hơn một chút so với con số 255% của Mỹ. Trung Quốc đã thận trọng hơn trong đại dịch COVID-19, nhưng gánh nặng nợ của nước này có thể tăng lên hơn nữa khi dân số già đi và người ta phải quan tâm đến một lượng lớn người về hưu. Tuy nhiên, gánh nặng nợ của Trung Quốc sẽ hạn chế tăng trưởng một cách ổn định, chứ không gây ra sụt giảm mạnh mẽ. Theo đó, Trung Quốc vẫn có nhiều tiền để chi cho quân sự và các khoản đầu tư liên quan. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã chi 6,2 nghìn tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng, đất đai, và máy móc trong năm 2019 – nhiều hơn 1,6 nghìn tỷ đô la so với mức chi của Mỹ. Tuy rằng vốn của Mỹ có hiệu suất cao hơn vốn của Trung Quốc, nhưng không nghi ngờ gì, ngay cả khi gánh nặng nợ nần chồng chất, Trung Quốc vẫn có những nguồn lực đáng kể để tùy ý sử dụng trong tương lai.
Một yếu tố khác sẽ định hình quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc là sự đổi mới. Như thường lệ, nhu cầu kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hạn chế tốc độ đổi mới. Về điểm này, chế độ của Tập đã không làm việc hiệu quả. Họ đã tấn công các công ty công nghệ tư nhân và nhìn chung không khuyến khích cạnh tranh. Tuy nhiên, Bắc Kinh có đủ khả năng để chi tiêu mạnh tay vào các công nghệ mới sẽ mang lại cho nước này một sự thúc đẩy kinh tế vừa phải và lâu dài. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc đã chi khoảng 515 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vào năm 2019, trong khi người Mỹ chi 633 tỷ đô la. Chi tiêu cho R&D của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong phần còn lại của thập niên, ngay cả khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục cưỡng chế chuyển giao công nghệ, hoặc công khai ăn cắp công nghệ, từ các công ty tư nhân kinh doanh ở Trung Quốc. Với hệ thống kinh tế hiện tại, Trung Quốc không thể là một nước đi đầu về đổi mới, nhưng họ đã bắt kịp phần còn lại của thế giới trong các lĩnh vực quan trọng như viễn thông 5G và lưu trữ năng lượng. Duy trì sự ngang bằng về công nghệ với Mỹ trong ít nhất là một số lĩnh vực quan trọng trong 20 năm tới sẽ dễ dàng hơn so với việc thu hẹp khoảng cách công nghệ trước đây.
CHI ÍT HƠN NHƯNG NHẬN VỀ NHIỀU HƠN
Tương tự, các xu hướng quân sự cũng đang nghiêng về phía Trung Quốc, chí ít là trong thập niên tới. Điều đó một phần là vì cần có thời gian để nền kinh tế kiệt quệ có thể ảnh hưởng đến quốc phòng, phần còn lại là bởi Trung Quốc đã chứng tỏ họ có thể cạnh tranh với ít nguồn lực hơn. Chi tiêu quân sự tính theo tỷ lệ phần trăm GDP của Trung Quốc đã giảm dần kể từ năm 2010, và nước này chưa bao giờ chi quá 1,9% GDP cho quốc phòng. (Năm 2020, Mỹ đã chi 3,7% GDP cho quốc phòng.) Trong 30 năm qua, chi tiêu quân sự của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của Mỹ. Phần lớn là do tập trung đầu tư cho các năng lực phi đối xứng và chỉ giới hạn tham vọng quân sự ở châu Á, Trung Quốc hiện đã xây dựng một quân đội có thể đánh bại Mỹ trong một cuộc xung đột tranh giành Đài Loan.
Và tương lai sẽ còn tươi sáng hơn cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Dù vẫn chưa hoàn thành một số mục tiêu hiện đại hóa, PLA đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chuyên nghiệp hóa lực lượng hạ sĩ quan, và tuyển dụng các nhân viên dân sự có năng lực để đảm nhiệm các vai trò hỗ trợ quan trọng. Họ cũng đang tuyển dụng ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, nâng cao khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến chung phức tạp trong môi trường thông tin công nghệ cao.
Trong 10 năm tới, khả năng thể hiện sức mạnh trên toàn châu Á của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng. Đến năm 2030, nước này sẽ có 4 tàu sân bay, một mạng thông tin và cơ sở hạ tầng không gian giúp tăng cường khả năng kết nối, theo đó cũng tăng cường khả năng sát thương của lực lượng quân đội, của vũ khí trên mặt đất và trong không gian, vốn có khả năng đe dọa các chùm vệ tinh quân sự và dân sự của Mỹ, và của một lực lượng không quân có thể thách thức ưu thế trên không của Mỹ ở châu Á. Nước này sẽ có nhiều tàu hải quân hơn Mỹ, đồng thời có một kho vũ khí hạt nhân lớn hơn, có khả năng tồn tại lâu hơn, và có khả năng đe dọa các mục tiêu trên toàn cầu tốt hơn nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực siêu thanh. Bất kỳ tàn tích nào về ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á, chẳng hạn như đội tàu ngầm hùng mạnh của Washington, cũng đang dần biến mất. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển cái gọi là khả năng tác chiến chống tàu ngầm, bao gồm máy bay trực thăng tiên tiến và hệ thống sonar trên tàu mặt nước sẽ sẵn sàng hoạt động trong 10 năm tới.
Tất nhiên, quân đội Mỹ sẽ không đứng yên trong lúc PLA tiến lên phía trước. Mỹ đang xây dựng các cơ sở hạ tầng và khả năng linh hoạt trong không gian. Nước này đang có kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau khi Washington không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước Cắt giảm Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF). Họ cũng có kế hoạch bổ sung các tàu không người lái và có người lái vào hạm đội hải quân Mỹ để chống lại Trung Quốc. Nổi bật trong những nỗ lực này là Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), một kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong năm đầu tiên, PDI đã chi khoảng 6 tỷ đô la cho các hệ thống chỉ huy và kiểm soát tích hợp mới, máy bay không người lái, tác chiến điện tử, máy bay chiến đấu F-35, đội tàu chống lại các đợt xâm lược và khiêu khích cấp thấp của Trung Quốc, cũng như các hệ thống và thiết bị hỗ trợ cho Thủy quân Lục chiến Mỹ và các lực lượng mặt đất khác.
Nhưng ngay cả với những khoản đầu tư này, các lực lượng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn có những lỗ hổng mà Trung Quốc có thể khai thác để có lợi thế bất đối xứng. Ví dụ, Mỹ sẽ không thể bảo vệ các căn cứ tiền phương của mình trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc, hoặc bảo vệ các tài sản không gian của họ khỏi các chiến dịch không gian của Trung Quốc. Các kế hoạch mua sắm hiện tại cho thấy, trong 10 năm tới, lực lượng Mỹ được triển khai đến khu vực sẽ không nhiều hơn đáng kể so với hiện tại. Hải quân Mỹ đang hiện đại hóa, nhưng phải đến năm 2045, họ mới có thể cho hoạt động một đội tàu 450 đến 500 tàu – một quy mô mà Trung Quốc sẽ có chỉ trong 10 năm nữa.
Tất cả những điều này cho thấy rằng: Trung Quốc vẫn chưa đạt được vị trí có lợi thế quân sự tối đa so với Mỹ. Đáng chú ý, dù các học giả phương Tây như Brands và Beckley khẳng định nền kinh tế tương đối trì trệ sẽ ảnh hưởng đến các tính toán chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khuyến khích họ hành động ngay bây giờ nếu không sẽ mất đi cơ hội, nhưng không có bằng chứng nào cho kiểu tư duy này xuất hiện trong chính trị hoặc quân sự của Trung Quốc, dựa trên các phân tích văn bản do các công cụ phân tích và xử lý ngôn ngữ tự nhiên thực hiện. Thật vậy, hầu hết các chiến lược gia Trung Quốc đều lạc quan về tương lai của nước mình. Như cựu chuyên gia ngoại giao Trung Quốc Chân Bỉnh Hy (Zhen Bingxi) đã viết trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc “đang trên đường trở thành siêu cường toàn cầu”, ngay cả khi nước này tiếp tục tụt hậu so với Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định. Một số nhà bình luận trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã mạnh mẽ phản bác luận điệu của Mỹ về một “Trung Quốc đạt đỉnh,” nói rằng nước này “từ lâu đã thách thức những dự đoán bi quan của giới truyền thông và học giả Mỹ,” như một nhà báo nói trên một phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh ở Hong Kong.
Một số người có thể bác bỏ những bình luận này, xem chúng là những nỗ lực có thể đoán trước nhằm bác bỏ câu chuyện về sự suy tàn của Trung Quốc. Tuy nhiên, hoàn toàn không có văn bản chính thức nào từ quân đội Trung Quốc nói rằng họ cần phải chiếm Đài Loan ngay bây giờ vì cánh cửa cơ hội đang đóng lại, dù các nhà bình luận an ninh Trung Quốc thường xuyên tranh luận về các chủ đề nhạy cảm khác như hiệu quả của các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống nhất trong hòa bình với Đài Loan. Những bài viết như vậy cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng tin rằng họ có thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực và rằng thống nhất hòa bình là phương án không hiệu quả. Hơn nữa, lập luận của Tập Cận Bình chỉ ra rằng ông có thể muốn đạt được sự thống nhất để làm di sản cho mình. Do đó, một khi ông tin tưởng rằng PLA đã sẵn sàng, Tập có thể nhanh chóng xâm chiếm Đài Loan – không phải vì ông sẽ không còn cơ hội nào khác, mà vì tương lai vốn dĩ luôn bất định.
Nếu đây là suy nghĩ của Tập thì ông ấy đã đúng. Ngay cả khi tăng trưởng trì trệ trong thập niên tới, Trung Quốc vẫn có thể là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bất kỳ biện pháp thắt lưng buộc bụng nào được đưa ra khi đó sẽ mất nhiều năm để có thể ảnh hưởng đến quân đội. Và có một điều chắc chắn là vào năm 2035, khả năng quân sự của Trung Quốc sẽ cao hơn hiện nay.
TRUNG QUỐC TỰ TIN, TRUNG QUỐC CÓ NĂNG LỰC
Một Trung Quốc lo lắng khi ở đỉnh cao quyền lực và một Trung Quốc tự tin vẫn còn đang phát triển sức mạnh quân sự có thể sẽ hành động theo những cách tương tự nhau. Cả hai sẽ hung hăng hơn, đặc biệt nếu liên quan đến các vấn đề lãnh thổ như Đài Loan. Nhưng những động cơ gây hấn khác nhau này cho thấy Mỹ cần có những phản ứng chiến lược khác nhau: một Trung Quốc đang ở đỉnh cao sẽ là điều nguy hiểm nhất trong thập niên tới, trong khi một Trung Quốc vẫn đang lên sẽ là mối đe dọa về lâu dài. Mỹ nên cảnh giác với các giải pháp ngắn hạn có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong dài hạn, đồng thời phải chuẩn bị cho một cuộc chiến vào năm 2027 và 2037.
Tuy nhiên, vẫn có hy vọng. Một cường quốc đã đạt đỉnh có thể chiến đấu đến chết, vì nó chỉ có một cơ hội duy nhất để lập lại trật tự quốc tế. Nhưng một cường quốc biết rằng mình còn nhiều cơ hội để nắm quyền có thể sẵn sàng lùi bước trước một cuộc đối đầu quân sự không diễn ra như kế hoạch. Chẳng hạn, nếu Tập tiến đến Đài Loan và gặp phải sự phản kháng, ông vẫn có thể tuyên bố chiến thắng, có thể là sau khi chiếm được một hòn đảo ngoài khơi, hoặc chỉ đơn thuần sau khi tuyên bố rằng ông đã dạy cho “những kẻ ly khai” ở Đài Loan và “bọn đế quốc” ở Mỹ một bài học. Một cường quốc tự tin cũng ít có khả năng bị kích động để gây chiến hơn. Dù đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn gần Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm hòn đảo vào đầu tháng 8, Trung Quốc đã không có hành động nào có tính gây hấn hơn – chẳng hạn như chặn máy bay của Pelosi – vốn là hành động có thể châm ngòi xung đột. Điều đó có thể là vì cuộc chiến tốt nhất cho một Trung Quốc tự tin là cuộc chiến mà trong đó PLA nhanh chóng xâm chiếm Đài Loan và không hề cảnh báo Mỹ.
Trong những năm tới, Mỹ có nhiều khả năng phải đối mặt với một Trung Quốc tự tin, có năng lực, hơn là một Trung Quốc cảm thấy thiếu an toàn, liều lĩnh. Washington sẽ không giành được chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này với lý do Bắc Kinh rời khỏi cuộc chơi, như Moscow đã làm vào cuối Chiến tranh Lạnh. Do đó, để đảm bảo lợi ích của mình ở châu Á, Mỹ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc, cho dù là ngày mai, hay là sau hai thập niên nữa.
T.P