Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiÌ ạch quy hoạch, địa phương ngóng Luật Đất đai sửa đổi

Ì ạch quy hoạch, địa phương ngóng Luật Đất đai sửa đổi

Nhiều địa phương ở phía Nam chậm hoàn thành các đồ án quy hoạch, nguyên nhân được chỉ ra là bất cập trong chính sách, pháp luật. Các chuyên gia cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ nét hơn vấn đề này.

Nhiều đề án quy hoạch kỳ vọng sớm hoàn thành khi Luật Đất đai (sửa đổi) được quy định cụ thể, chi tiết.

Khổ vì chồng chéo quy định

Báo cáo mới đây đoàn công tác số 3 thuộc đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, việc lập tờ trình đề nghị Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TP. HCM và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương thời kỳ 2021-2030 đều rất chậm.

TP. HCM chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, Bình Dương chưa chọn được tư vấn lập quy hoạch, Đồng Nai đang triển khai lập quy hoạch. TP. HCM còn nhiều nội dung chưa hoàn thành trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đang rà soát để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Thủ Đức, quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000.

“TP. HCM cũng chưa báo cáo cụ thể việc phối hợp thẩm định quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030; Đồng Nai và Bình Dương báo cáo chung chung, chưa đưa ra kết quả đạt được, bất cập, nguyên nhân. Nhiều quy hoạch khác của 3 địa phương còn chậm, cần làm rõ nguyên nhân”, một thành viên của đoàn giám sát cho biết.

Lý giải vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố chậm hoàn thành các quy hoạch do nhiều vướng mắc, chồng chéo của quy định pháp luật. Các đồ án quy hoạch phát triển nông thôn trên địa bàn phần lớn phê duyệt trước khi có Luật Quy hoạch và trải qua nhiều giai đoạn pháp lý khác nhau. Việc quản lý tại một số khu vực còn chồng chéo. Đồ án quy hoạch nông thôn mới không đồng nhất với đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch của TP. HCM theo Luật Quy hoạch hiện chậm so với các địa phương khác, chủ yếu do trình tự thủ tục hồ sơ, định mức kinh phí, yêu cầu nội dung cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

Hiện nay TP. HCM đang lập đồng thời 4 quy hoạch gồm: quy hoạch thành phố 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Thời kỳ và tầm nhìn lập các quy hoạch trên là khác nhau nên thành phố có khó khăn đối với yêu cầu đồng bộ, tương thích về nội dung và thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch nêu trên trong quá trình lập.

Ngóng Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ

UBND TP. HCM đã có báo cáo gửi tới đoàn giám sát của Quốc hội, kiến nghị cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật công tác quy hoạch đặc biệt là các quy định rõ nét trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Còn tỉnh Đồng Nai kiến nghị các cơ quan trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, các quy chuẩn quy hoạch mới. Đại diện tỉnh Bình Dương cho rằng, khi thực hiện song song quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì rất khó khăn để tạo tính đồng bộ, đề nghị sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch và quy chuẩn mới trong Luật Đất đai sửa đổi để các địa phương chủ động trong quá trình thực hiện.

Theo ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch có sử dụng đất; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở 3 cấp gồm: quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; đồng thời, đổi mới nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo 3 khu vực gồm: khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển theo nhu cầu cấp quốc gia.

Tuy nhiên, góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi) do các chuyên gia pháp chế của VCCI gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng có một số quy định chưa thực sự thống nhất với pháp luật về quy hoạch. Ví dụ Điều 45 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (trong đó có quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia), còn khoản 1 Điều 16, Điều 19 Luật Quy hoạch 2017 quy định về quy trình lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và việc lấy ý kiến quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

Giữa dự thảo và pháp luật về quy hoạch đang chưa thực sự thống nhất về các quy định về việc tổ chức lấy ý kiến quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Một vấn đề nữa là không rõ việc trình tự thủ tục lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia có áp dụng theo pháp luật quy hoạch không hay là dự thảo này sẽ quy định riêng? VCCI đề nghị rà soát lại quy định tại dự thảo và pháp luật về quy hoạch liên quan đến lập, thẩm định, nội dung của quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

PGS.TS Trần Văn Tuấn, Trưởng bộ môn Quản lý đất đai, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần bổ sung quy định nguyên tắc về tính liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất, liên kết giữa các vùng kinh tế xã hội với nhau, liên kết trong nội vùng kinh tế – xã hội, giữa các tỉnh trong vùng kinh tế – xã hội.

“Thực tế là các tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh, nhưng tôi nghĩ rằng để liên kết được với nhau, để đưa ra được những chỉ tiêu đảm bảo tính liên vùng và đảm bảo hài hòa, tức là chúng ta tiết kiệm được đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải làm rõ được nguyên tắc liên kết vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng kinh tế – xã hội”, PGS.TS Trần Văn Tuấn cho hay.

Đồng ý với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, một quy định rất hay của Luật Đất Đai 2013 đảm bảo được tính liên kết vùng miền và đặc thù của các địa phương. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nguyên tắc này đã bị bỏ ra. Điều này dẫn đến cuộc đua quy hoạch theo phong trào, tràn lan từ sân bay cho đến trường đại học… Nếu không có liên kết vùng miền quy hoạch xong sẽ dẫn đến tình trạng bỏ hoang và lãng phí.

“Các địa phương phải xác định được đặc thù của mình là gì để quy hoạch sử dụng đất phù hợp mới phát triển. Dự thảo có đưa ra định hướng quy hoạch đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch nhưng theo tôi cần phải thêm tính khoa học nữa. Bởi quy hoạch cần phải có luận cứ chứ không phải theo cảm tính dẫn đến nhiều mà không thực hiện được và không hiệu quả”, ông Châu nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới