Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam đầu tư bao nhiêu dự án tại Campuchia?

Việt Nam đầu tư bao nhiêu dự án tại Campuchia?

Hiện, Việt Nam đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Theo cổng Thông tin Chính phủ, ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin đang ở thăm chính thức Việt Nam.

Tại cuộc gặp gỡ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin bày tỏ hài lòng về sự phát triển ổn định của quan hệ Việt Nam – Campuchia.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên; các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp duy trì đà hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong hai năm qua, hợp tác kinh tế song phương đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt gần 10 tỷ USD, 7 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Trong số đó, Metfone của Tập đoàn Viettel đã trở thành công ty viễn thông công nghệ số lớn nhất Campuchia, với 9 triệu khách hàng (chiếm 60% dân số) 50% thị phần; phủ sóng tới 95% lãnh thổ nước này.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thành lập ngân hàng 100% vốn tại Campuchia trên cơ sở chuyển đổi chi nhánh MB tại Campuchia. MB được coi là ngân hàng tiên phong cho dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Campuchia.

Nhằm giữ đà và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, góp phần thúc đẩy phục hồi và hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của mỗi nước, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối hai nền kinh tế, nhất là giao thông vận tải, viễn thông, tài chính – ngân hàng, làm cơ sở và tạo động lực mới cho hợp tác trên các lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư, năng lượng, du lịch, giáo dục đào tạo và hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới; hoàn thành “Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Campuchia đến năm 2030”, ký kết Hiệp định Thương mại biên giới, triển khai hiệu quả Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị Quốc hội, Chính phủ Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho người gốc Việt tại Campuchia sinh sống, làm ăn ổn định, hoà nhập tốt vào xã hội sở tại và làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước; đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Campuchia.

Thủ tướng cũng cảm ơn các cơ quan chức năng Campuchia thời gian qua đã phối hợp hiệu quả với phía Việt Nam trong việc giải cứu thành công nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, cưỡng bức lao động tại các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp của người nước ngoài tại Campuchia; đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải cứu, hỗ trợ nạn nhân và giải quyết dứt điểm vấn đề này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới