Thảm hoạ nhân đạo vì chính sách ‘zero Covid’ đang diễn ra khắp Trung Quốc, số người chết vì đói, vì tự tử và vì không được chữa bệnh kịp thời đã trở thành những dòng tin nóng lan toả khắp đại lục, bất chấp sự kiểm soát ngày một gắt gao của chính quyền Bắc Kinh. 22 người Tân Cương đã chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế chỉ trong một ngày. Các cuộc biểu tình diễn ra, hàng trăm người bị bắt bớ…
Hàng chục người chết đói chỉ trong một ngày
Ít nhất 22 người chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế chỉ trong một ngày ở thành phố Nghi Ninh, phía bắc Tân Cương do bị phong toả dài vì chính sách ‘zero – Covid’.
Mặc dù Trung Quốc nỗ lực tuyên truyền trong khi kéo dài chiến dịch ‘zero-Covid’ vô thời hạn, nhưng dịch bệnh vẫn lây lan khiến dư luận bất bình. Theo tin từ Vision Times, dẫn nguồn từ Đài Châu Á tự do, ít nhất 22 người chết vì đói hoặc thiếu sự chăm sóc y tế tại thành phố Nghi Ninh ở phía bắc Tân Cương. Lý do thành phố bị phong toả kéo dài.
Theo Đài Á Châu Tự Do, có khoảng 500.000 người sống ở thành phố Nghi Ninh, Tân Cương. Hầu hết cư dân là người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác. Kể từ khi thành phố đóng cửa vào đầu tháng 8, đã có báo cáo về người dân địa phương chết vì đói hoặc thiếu thuốc.
Tuần trước, để tiếp tục cuộc sống bình thường, người dân thành phố Nghi Ninh đã miễn cưỡng xuống đường biểu tình ôn hòa, phản đối việc chính phủ coi thường thực tế là người dân chết đói do phong toả. Theo báo cáo, hơn 600 người, hầu hết là thanh niên, đã bị chính quyền bắt giữ.
Sau khi những video biểu tình này được tải lên các nền tảng xã hội đại lục, chúng nhanh chóng bị chính quyền kiểm duyệt và xóa bỏ. Mặc dù không thể xác nhận những cáo buộc trong những đoạn video này có phải là sự thật hay không, nhưng Đài Á Châu Tự do đã xác nhận với các quan chức và cảnh sát thành phố Nghi Ninh rằng ít nhất 22 người đã chết vào ngày 15/9.
“20 người chết đói, đừng gọi lại”, một quan chức từ bộ phận dịch vụ khẩn cấp của Nghi Ninh trả lời và từ chối cung cấp thêm thông tin.
Một nhân viên bảo vệ tại một ngôi làng địa phương nói với Đài Á Châu Tự Do rằng hai cư dân ở đó gần đây đã chết do thiếu lương thực.
Một quan chức cảnh sát Nghi Ninh bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội rằng 100 người chết trong một ngày, nói rằng số người chết là “khoảng 21, 22 người”.
Dòng tweet trên Twitter của Erkin Sidick cùng hình ảnh viết rằng: “Đứa trẻ này vừa mới qua đời trên tay của bố mẹ trên đường tới bệnh viện. Đây là kết quả của chính sách phong toả kéo dài mà không có lương thực, thuốc men của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên đất Tân Cương”.
Cấm đăng yêu cầu trợ giúp trên mạng xã hội
Theo một đoạn video do Douyin chia sẻ, một trong những người thiệt mạng hôm 15/9 là Halmutar Ömerjan, chủ tịch một ngôi làng ở Nghi Ninh. Người vợ góa của ông đã nói, “Họ đã giết chồng tôi … Không ai trả lời cuộc gọi của tôi”.
Người góa phụ cũng cho biết trong đoạn video rằng sau khi bị cách ly 7 ngày, Halmutar Ömerjan đã được chuyển đến một nơi không ai có thể sống một mình. Ông bị suy dinh dưỡng và không được chăm sóc trước khi trở về nhà.
Người dân ở khu vực này bị chính quyền phong toả, họ cũng bị cấm đăng yêu cầu trợ giúp lên mạng xã hội.
Trên thực tế, do Tân Cương bị đóng cửa và kiểm soát trong thời gian dài, các vấn đề như thiếu nguyên liệu và hạn chế tiếp cận thuốc men đã xảy ra. Thiếu lương thực và thuốc men lớn đến mức, đã xuất hiện hàng chục, thậm chí thông tin lan truyền trên mạng là hàng trăm người chết đói. Trước đó, nhiều người đã gửi đơn kêu cứu về các nền tảng xã hội.
Abduweli Ayup, một học giả người Duy Ngô Nhĩ đã theo dõi tình hình ở Tân Cương từ nước ngoài trong một thời gian dài, bắt đầu chia sẻ video về những người Duy Ngô Nhĩ địa phương kêu gọi sự giúp đỡ thông qua Twitter vào đầu tháng 9. Những đoạn video đau khổ này cho thấy chính quyền địa phương nghiêm cấm người dân ra ngoài. Cửa của một số ngôi nhà thậm chí còn bị chính quyền cho đóng cứng lại. Một số video cũng cho thấy mọi người phải ném dây thừng từ cửa sổ xuống tầng một để lấy đồ.
Nạn đói và tự tử hàng loạt khi phong toả kéo dài
Không chỉ Tân Cương mới xuất hiện các nạn nhân của chế độ Bắc Kinh khi chế độ này thực thi chính sách ‘zero-Covid’. Bắc Kinh chưa bao giờ quan tâm tới nhân sinh và mạng sống của người Trung Quốc.
Bất chấp việc đã buộc người dân phải tiêm chủng hàng loạt, bất chấp bằng chứng tỷ lệ tử vong do Covid-19 rất thấp và bất chấp cả thế giới mở cửa trở lại, Bắc Kinh kiên quyết thực thi chính sách “zero-Covid” gây tranh cãi.
Việc đóng cửa khắc nghiệt cả một thành phố trong nhiều tháng đã tạo ra nạn đói, tự tử hàng loạt và những cái chết do không được chăm sóc y tế kịp thời. Các tổn thất này lớn hơn nhiều so với tổn thất do đại dịch gây ra.
Các hình ảnh người Thượng Hải kêu thống thiết trong đêm trong các toà chung cư, nhảy lầu tự tử hàng loạt đã trở nên phổ biến trên mạng trong nhiều tháng nay.
Cả thế giới đều không thể hiểu vì sao Bắc Kinh phải đi một mình một con đường kỳ lạ đến thế?
Các nhà quan sát bên ngoài Trung Quốc tin rằng “zero-Covid” là cái cớ hoàn hảo để ông Tập xử lý các bất đồng trong nội bộ. Ông Tập hy vọng chính sách zero-COVID sẽ thành công trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn về tính chính danh trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10/2022 tới đây, ngay cả khi nó phải trả giá cao về mặt kinh tế và xã hội.
Mặt khác, việc triển khai Zero-COVID không phải là sự ép buộc trực tiếp từ trên xuống mà ngược lại, biểu thị các sắc thái chính trị từ dưới lên gắn liền với nỗi sợ bị trừng phạt.
Sự khủng bố của thời đại Mao vẫn còn trong tâm trí người dân, các quan chức chính quyền địa phương, cán bộ và công dân thực hiện chiến lược zero-COVID sợ bị trừng phạt nếu họ có bất kỳ dấu hiệu nào không đồng tình với nó.
Tương tự như Đại nhảy vọt, Bắc Kinh thường chỉ nhận được những báo cáo mà họ muốn xem vì các quan chức địa phương có thể báo cáo những phản ứng có lợi cho cấp trên của họ, điều này càng khiến các lãnh đạo cấp cao hơn nữa tránh bị trừng phạt và ghi được điểm cao hơn để thăng chức.
Một quan chức y tế Trung Quốc lưu ý rằng “COVID-19 đã trở thành một căn bệnh bị chính trị hóa cao ở Trung Quốc và bất kỳ tiếng nói nào ủng hộ việc đi chệch khỏi con đường Zero-COVID hiện tại sẽ bị trừng phạt”. Nỗi sợ bị trừng phạt giờ đã trở thành chính thức và sâu sắc sau lời cảnh báo của Chủ tịch Tập đối với bất kỳ ai hoặc “bất kỳ lời nói và hành động nào làm sai lệch, nghi ngờ hoặc phủ nhận các chính sách phòng chống dịch của [đất nước].
Ông Tập, giống như những người tiền nhiệm đã ra lệnh đàn áp Thiên An Môn và Đại nhảy vọt, ít quan tâm đến những đau khổ nghiêm trọng của người dân, miễn là chế độ của ông có thể tránh được sự chú ý tiêu cực đủ để tồn tại. Điều mà ông Tập lo sợ nhất là phản ứng chính trị phổ biến đối với sự quản lý yếu kém chuyên quyền của ông. Đây là lý do tại sao Bắc Kinh rất nhạy cảm với những lời chỉ trích về chính sách của họ.
T.P