Tuesday, April 30, 2024
Trang chủBiển nóngTQ ngoan cố 'khuấy sóng' Biển Đông

TQ ngoan cố ‘khuấy sóng’ Biển Đông

Sau khi bị chỉ trích dữ dội về hành vi điều phi cơ dân sự bay thử nghiệm tại đường băng trên bãi Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Trung Quốc đã tiếp tục có những động thái táo tợn gây căng thẳng, cố tình “khuấy sóng” Biển Đông – khu vực vốn tồn tại nhiều tranh chấp chủ quyền phức tạp và dai dẳng.

Trung Quốc ngang ngược mời tư nhân đầu tư ở Hoàng Sa, Trường Sa

Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ mời tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo mà Bắc Kinh đang kiểm soát (trái phép) trên Biển Đông và trong năm nay sẽ bắt đầu các chuyến bay thường xuyên đến đảo Phú Lâm.

Cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc dẫn lời Phó Thị trưởng cái gọi là “thành phố Tam Sa” (đơn vị hành chính phi pháp do Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý trái phép các đảo ở Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) Phùng Văn Hải ngang nhiên cho biết, cơ quan quản lý phi pháp này sẽ chào đón đầu tư tư nhân và “sẽ bắt đầu chương trình công tư hợp doanh”.

Tay quan chức họ Phùng trắng trợn tuyên bố: “(Cái gọi là) “thành phố Tam Sa” cũng sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch và xây dựng một trung tâm cứu hộ y tế hàng hải. Cáp quang ngầm cũng sẽ được đặt và đưa vào sử dụng trong năm nay. Mạng Wifi sẽ phủ sóng tất cả các đảo và rạn san hô có người ở”.

Người này cũng cho biết thêm rằng, sân bay trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng thủ đoạn và vũ lực trái phép đánh chiếm và kiểm soát từ năm 1974) sẽ khởi động các chuyến bay thường xuyên.

Reuters đã bình luận động thái này của Trung Quốc dự kiến sẽ thổi bùng sự giận dữ trong các nước láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và khiến cộng đồng quốc tế càng quan ngại sâu sắc.

Trung Quốc bất chấp dư luận đưa dân thường ra bãi Đá Chữ Thập

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2016, Trung Quốc đã 2 lần điều máy bay dân sự bay thử nghiệm đường băng mà Bắc Kinh mới hoàn thành xây dựng phi pháp trên bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cụ thể vào ngày 2 và ngày 6/1/2016.

Không chỉ có Việt Nam, Philippines, Malaysia  –  3 nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông lên tiếng phản đối hành vi phi pháp, gây căng thẳng này của Trung Quốc, mà các nước khác ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Anh cũng đều đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái leo thang này của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bất chấp dư luận, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngoan cố điều phi cơ chở dân thường ra bãi Đá Chữ Thập.

Truyền thông nước này ngày 15/1/2016 đã đăng tải những hình ảnh một nhóm người được 2 máy bay dân sự chở tới sân bay trên bãi Đá Chữ Thập với lời rêu rao rằng, đây là những hành khách dân sự đầu tiên được phép bay tới bãi Đá Chữ Thập. Nhóm khách này là người nhà của các binh sĩ Trung Quốc đồn trú trái phép tại đây.

Không thể “một tay che cả bầu trời”

Những động thái kể trên cho thấy Trung Quốc đang ráo riết tìm cách hợp thức hóa và hợp pháp hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đẩy nhanh quá trình “quân sự hóa” các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa, thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc không thể chứng minh tính hợp pháp của bản đồ “đường 9 đoạn” – cơ sở mà Bắc Kinh vin vào để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông thì không một nước nào trên thế giới có thể công nhận tính hợp pháp của một đơn vị hành chính được Trung Quốc lập nên để kiểm soát phần lãnh thổ của nước khác một cách trái khoáy, phi pháp như Bắc Kinh đã và đang làm.

Trung Quốc cũng không thể “một tay che cả bầu trời” khi cứ nói ra rả bao biện rằng những công trình họ xây dựng (trái phép) ở Biển Đông là cho mục đích dân sự khi mà Bắc Kinh thường xuyên bị tố cáo về hành vi đe dọa an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, qua những lần uy hiếp, đe dọa máy bay của Philippines, Mỹ, Australia gần đây.

Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc đồng thời khẳng định mọi hành động của cái gọi là “thành phố Tam Sa” đều không có giá trị pháp lý cũng như không thể thay đổi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đối với việc Trung Quốc đáp máy bay xuống bãi Đá Chữ Thập, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 7/1/2016 cũng mạnh mẽ phản đối “hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới