Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLiên minh Nga-Thổ  

Liên minh Nga-Thổ  

Theo nhà phân tích Shubhangi Sharma, việc Ankara nhiều lần chống lại các áp lực từ phương Tây một cách không thể đoán trước đã cho thấy sự đánh đổi có cân nhắc từ phía TT Putin.

Ảnh minh họa

Theo nhà phân tích Shubhangi Sharma trên Kênh tinh tức News18, tình hình thế giới hiện nay và hệ lụy từ các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây đối với Nga đã bắn ra “hàng loạt đạn lạc” mà các quốc gia trên thế giới đang tích cực tìm cách né tránh.

Việc thiết lập trạng thái cân bằng giữa phương Tây (do Mỹ dẫn đầu) và Nga gần như là không thể, nhưng thực tế này cũng không ngăn cản được một số quốc gia đang cố gắng đạt tới điều đó.

Ấn Độ là một trong những cường quốc như vậy, họ đang chứng minh rằng mình có thể duy trì mối quan hệ với Nga mà không trúng phải một viên đạn lạc nào từ phương Tây. Ngoài New Delhi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang “chơi” một cách trung lập theo cách của riêng mình.

Khác với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ gần gũi hơn với phương Tây ở chỗ họ là một thành viên của NATO và đang phải đáp ứng những nghĩa vụ thậm chí còn to tát hơn để sánh bước với các cường quốc hàng đầu trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, cho tới nay, việc Ankara nhiều lần chống lại các áp lực từ phương Tây một cách không thể đoán trước đã cho thấy những sự đánh đổi có cân nhắc từ phía Tổng thống Nga Putin.

Trong diễn biến gần đây nhất, Ankara đã cáo buộc phương Tây đang tìm kiếm một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine để làm suy yếu nước Nga.

Trải dài cả châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm trong vùng tập trung dày đặc các cuộc giao tranh địa-chính trị trên khắp khu vực. Ankara cũng đang kiểm soát 2 eo biển quan trọng là Bosporus và Dardanelles, đóng vai trò là cửa ngõ khu vực giữa Biển Đen và Địa Trung Hải.

Trong lịch sử, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cạnh tranh giành quyền thống trị ở Biển Đen, nhiều cuộc chiến tranh đã diễn ra giữa hai phía vì vùng biển này. Tuy nhiên, trong những diễn biến mới nhất hiện nay, người ta thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ được sự bình tĩnh lạ thường, giữ vững mối quan hệ với cả hai phía và thậm chí cố gắng làm trung gian hòa giải giữa các quốc gia tham chiến.

Họ đã bỏ phiếu chống lại Nga tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) bởi không có gì để mất ở đó, nhưng đã không tuân theo lời kêu gọi của các đồng minh NATO trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Ankara đang đối phó với Nga theo một cách tương đối độc lập bất chấp sự thất vọng của các nhà bình luận phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm khác với những nhà bình luận này. Họ cho rằng mình không được hưởng lợi nhiều từ phương Tây như họ mong muốn. Các cuộc tranh giành định kỳ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp – một thành viên khác của NATO – về vùng biển Đông Địa Trung Hải đã chia rẽ liên minh này, trong đó hầu hết các thành viên đứng về phía Hy Lạp.

Tư tưởng hiếu chiến của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã làm mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu trở nên tồi tệ. Mặc dù đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ vì mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tuân theo mà không đổi lại được thứ gì đáng kể.

Trên thực tế, nếu Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được một số thành công nhất định trong việc làm trung gian giữa Nga và Ukraine, thì nước này sẽ chứng tỏ được vai trò “đòn bẩy” của mình trong khu vực.

Nga-Thổ: Mối quan hệ phức tạp
Nga không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 sang các nước đối địch với Moscow, và đưa ra các tuyên bố không ủng hộ Nga trong vấn đề Crimea, nhưng Nga đã không “hạ gục” Thổ Nhĩ Kỳ theo cách mà người ta mong đợi. Thay vào đó, hai quốc gia này đã thể hiện mức độ hiểu biết đáng ngạc nhiên về vị thế của nhau.

Nga đã không phản đối mạnh mẽ [ít nhất là trên bình diện công khai] khi Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tuân thủ công ước Montreux để ngăn các tàu chiến Nga đi vào Biển Đen thông qua các eo biển của họ.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục là khách hàng lớn thứ hai, sau Đức, mua khí đốt của Nga ở châu Âu. Nước này đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, mở cửa cho các nhà tài phiệt Nga đậu siêu du thuyền của họ trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ và gửi tiền vào các ngân hàng của nước này.

Gần đây nhất, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã nói trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức CNN Türk rằng có những quốc gia NATO muốn một cuộc chiến kéo dài để khiến Nga trở nên suy yếu hơn.

Sự thỏa hiệp của TT Putin
Điều này càng đáng ngạc nhiên hơn vì các mục tiêu địa-chính trị của Moscow và Ankara vốn dĩ rất mâu thuẫn với nhau. Từ khi người Thổ Nhĩ Kỳ [Đế chế Ottoman] chiếm Constantinople (Istanbul ngày nay), nơi đặt nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, nhiều cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã nhuốm màu sắc tôn giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được các cường quốc phương Tây coi là chìa khóa để phong tỏa Nga. Trải qua nhiều thế kỷ cạnh tranh ở Biển Đen, cả hai quốc gia ngày nay trở thành những thế lực đối địch ở Libya, Syria và thậm chí Azerbaijan [trong cuộc chiến tranh nổ ra với Armenia ở Nagorno-Karabakh].

Bất chấp những lời kêu gọi của Armenia, Nga – nước đã liên minh trong nhiều thế kỷ với người thiểu số Armenia để chống lại sự áp bức của Thổ Nhĩ Kỳ – đã có sự kiềm chế đáng kể, biểu hiện rất rõ trong thái độ của nhà lãnh đạo Nga Putin.

Nhưng hóa ra, ông đang đầu tư cho một kế hoạch lớn hơn khi lựa chọn không làm leo thang tình hình với đất nước Azerbaijan thuộc Liên Xô cũ trước đây, và cũng là đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Giờ đây, Ankara đang đền đáp sự ưu ái đó bằng thái độ “trung lập” của mình, trong khi Azerbaijan đang hợp tác với Nga để xuất khẩu năng lượng sang châu Âu.

Nói cách khác, Baku đang tránh xa đường đi của Moscow bằng cách không ăn sâu vào thị phần kinh doanh năng lượng ở châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Putin đã có sự chuẩn bị tốt trước các lệnh cấm vận của châu Âu đối với khí đốt của Nga.

Mặc dù vẫn có tất cả các lý do để duy trì mối quan hệ thù địch truyền thống, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã quyết định tập trung vào các vấn đề chống lại phương Tây, tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa hai phía khi Thổ Nhĩ Kỳ cho phép ngày càng nhiều công dân Nga, cũng như tiền tệ của Nga du nhập vào nước này, đồng thời tăng cường nhập khẩu từ Nga.

Việc này vẫn là một cái gai trong mắt với NATO, đặc biệt là Mỹ nhưng đáng buồn cho họ, con tàu “Nga-Thổ” vốn dĩ đã ra khơi từ rất lâu rồi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới