Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNước Pháp và vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và...

Nước Pháp và vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản tạm thời chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Năm 1951 Hiệp ước San Francisco buộc Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong suốt thời gian này Trung Quốc không thể hiện sự quan tâm nào đối với các đảo, quần đảo ở Biển Đông. Còn người Pháp nhân danh An Nam vẫn tiếp tục hiện diện và kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1947, Chính phủ Pháp lập ra chính quyền thân Pháp được gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu (quốc trưởng). Ngày 4 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Awriol công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vạn lãnh thổ của Việt Nam. Nhiều quốc gia trong đó có Anh, Mỹ đã chính thức công nhận Quốc gia Việt Nam. Ngày 4 tháng 9 năm 1949 Tổng thống Pháp lại ký đạo luật 49-733 kết thúc quá trình trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam, vĩnh viễn chấm dứt quy chế “Lãnh thổ hải ngoại của Pháp” đối với toàn bộ vùng đất Nam Kỳ. Quần đảo Trường Sa từ năm 1933 đã là đơn vị hành chính chính thức của tỉnh Bà Rịa, trong địa hạt Nam Kỳ, nên về nguyên tắc, nó được trao trả cho Quốc gia Việt Nam theo quy định của đạo luật này.

Ngày 14 tháng 10 năm 1950, Chính phủ Pháp cũng chính thức chuyển giao lại cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung phần Việt Nam Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành quản lý này.

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, đơn vị đồn trú của Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi đảo Phú Lâm, nhưng không có lực lượng của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay thế. Cho đến năm 1954 chỉ có quân đội Pháp là lực lượng duy nhất đại diện cho quân đội Liên hiệp Pháp độc chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Tại diễn đàn Hội nghị San Francisco ngày 7 tháng 9, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu với tư cách là thành viên chính thức của Hội nghị đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi cũng sẽ long trọng trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận … chúng tôi khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Tuyên bố hết sức rõ ràng và mạnh mẽ đó về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa đã không có bất cứ một phái đoàn nào phản đối.

Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Theo khoản a, Điều 4 của Hiệp định vĩ tuyến 170 là giới tuyến quân sự tạm thời kéo dài cắt ngang lãnh hải. Như vậy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 170 thuộc về Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa.

Theo nguyên tắc này, sau ngày Việt nam thống nhất năm 1975 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tiếp tục thuộc chủ quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

H.B

RELATED ARTICLES

Tin mới