Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ nhận định TQ sẽ sớm tấn công Đài Loan

Mỹ nhận định TQ sẽ sớm tấn công Đài Loan

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có khả năng đẩy nhanh tốc độ tiếp quản Đài Loan bằng vũ lực. Do đó, Mỹ đang xem xét kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí và huấn luyện quân sự cho Đài Loan trong tương lai. Đây được cho là động thái mới nhất trong thương chiến Mỹ – Trung.

Hải quân Đài Loan phóng tên lửa Standard do Mỹ sản xuất từ ​​một tàu khu trục nhỏ trong cuộc tập trận Hán Quang (Han Kuang) hàng năm, gần cảng hải quân Suao ở quận Yilan, Đài Loan, ngày 26/07/2022.

Mỹ xem xét hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan
Chính phủ Mỹ đang xem xét kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan, giới vận động hành lang cho biết hôm thứ Tư (19/10). Đây được coi là một sáng kiến nhằm tăng tốc chuyển giao vũ khí để tăng cường khả năng răn đe của Đài Bắc đối với Bắc Kinh, biến hòn đảo trở thành “con nhím” khó bị Trung Quốc tấn công.

Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản lần đầu tiên đưa tin về kế hoạch này, trích dẫn 3 nguồn tin ẩn danh cho biết, “Việc hợp tác sản xuất chỉ là một mảnh ghép, không phải là nhân tố thay đổi cục diện trên Eo biển Đài Loan”.

Tờ Nikkei Asia hôm 20/10 cho biết thêm, các khả năng hợp tác bao gồm: Mỹ cung cấp công nghệ và sản xuất vũ khí tại Đài Loan, hoặc sản xuất vũ khí tại Mỹ và sử dụng các bộ phận của Đài Loan.

“Sẽ mất một khoảng thời gian để điều này thực sự diễn ra”, một nguồn tin khác nhận định và cho biết thêm rằng, quá trình đàm phán có thể tiếp tục trong năm 2023.

Ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan, cho biết, những khó khăn về việc hợp tác sản xuất vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan xảy ra ngay từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch.

Bên cạnh đó, ông Hammond-Chambers cũng nhấn mạnh rằng, các tập đoàn quân sự muốn hợp tác sản xuất với Đài Loan sẽ cần phải có giấy phép hợp tác sản xuất từ Bộ Quốc phòng Mỹ và chính quyền liên bang. Quá trình này có thể rất phức tạp, bởi nhiều nhà lập pháp không thích ý tưởng cung cấp công nghệ quốc phòng quan trọng cho một đối tác nước ngoài.

Chuyên gia quân sự Đài Loan Kỳ Lạc Nghĩa (Chi Le-yi), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 21/10 rằng, thương vụ hợp tác này là do sự đe dọa của ĐCSTQ và bài học được rút ra từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Để ngăn chặn sự xâm lược của ĐCSTQ, Mỹ phải tăng cường mối quan hệ quân sự với Đài Loan càng sớm càng tốt, bao gồm cả sản xuất vũ khí và trang thiết bị.

Ông nói: “Tôi cho rằng, Mỹ và Đài Loan không chỉ hợp tác về sản xuất vũ khí và thiết bị mà còn có thể tiến hành các hoạt động huấn luyện chung trong tương lai”.

Mỹ – Đài hợp tác sản xuất vũ khí vì thương vụ bán vũ khí bị trì hoãn
Tờ Nikkei Asia đưa tin, một trong những mục đích của thương vụ hợp tác này là nhằm đẩy nhanh tốc độ Mỹ chuyển giao vũ khí cho Đài Loan.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu Mỹ xúc tiến việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông.

Kể từ năm 2017, chính phủ Mỹ đã phê duyệt hơn 20 tỷ USD trong các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự lên hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình, theo tờ Reuters.

Tuy nhiên, quá trình giao hàng đã bị đình trệ bởi vấn đề thiếu nguồn cung và nhu cầu của một số loại khí tài gia tăng do cuộc xung đột Ukraine.

Vào tháng 5, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, hòn đảo có kế hoạch tiếp nhận tên lửa phòng không di động Stinger của Mỹ vào năm 2026, nhưng việc giao hàng có thể bị chậm lại.

Đài Á châu Tự do (RFA) cho hay, do nguồn cung tại chiến trường Ukraine ngày càng eo hẹp nên Mỹ đã dừng kế hoạch mua Hệ thống Lựu pháo Tự hành hạng trung M109A6 của Đài Loan. Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) mà Đài Loan mua từ Mỹ có thể phải đến năm 2027 mới được bàn giao. Tương tự, hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon thì phải đến năm 2028.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông David Sacks, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho hay, việc Mỹ và Đài Loan cùng hợp tác sản xuất vũ khí không chỉ có thể xúc tiến chuyển giao vũ khí cho Đài Loan, mà còn khuyến khích hòn đảo này tăng chi tiêu phòng vệ.

Động thái của Mỹ nhằm kiềm chế ĐCSTQ
Về vấn đề này, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm 19/10 cho hay: “Mỹ đang xem xét tất cả các lựa chọn” để đảm bảo việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan một cách nhanh chóng.

Ông Patel cho biết: “Việc Mỹ nhanh chóng cung cấp vũ khí phòng thủ và duy trì cho Đài Loan thông qua Bán quân sự cho nước ngoài và Bán thương mại trực tiếp là điều cần thiết cho an ninh của hòn đảo. Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các ngành công nghiệp để hỗ trợ mục tiêu đó”.

Đề cập đến việc tiết lộ thông tin về thương vụ hợp tác sản xuất vũ khí Mỹ – Đài Loan, ông Kỳ Lạc Nghĩa cho rằng, ý định chính của Mỹ là nhằm kiềm chế âm mưu tấn công Đài Loan bằng vũ lực của ĐCSTQ.

Ông nói, “Nguyên nhân cốt lõi đến từ việc Mỹ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa đến trật tự an ninh trong khu vực. Vì vậy Mỹ tìm mọi cách để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc”.

Giới chức Mỹ thường xuyên tuyên bố rằng ĐCSTQ có thể đẩy nhanh tốc độ xâm lược Đài Loan
Tin tức về kế hoạch này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại một diễn đàn tại Đại học Stanford hôm thứ Hai (17/10). Ông nói rằng, “Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất Đài Loan theo một mốc thời gian gấp gáp hơn nhiều”, mặc dù ông không nói rõ ngày tháng.

Hôm 19/10 tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) – một trong những tổ chức tư vấn chính sách có sức ảnh hưởng nhất của Washington về các vấn đề toàn cầu, Tham mưu trưởng Hải Quân Mỹ, Đô đốc Michael Gilday, nhận định rằng, không loại trừ khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan vào năm 2023.

Ông Kỳ Lạc Nghĩa cho hay, tuyên bố này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Do đó, việc Mỹ tăng cường hợp tác với Đài Loan về trang bị vũ khí là điều tất yếu.

Ngoài ra, ông Trần Minh Thông (Chen Ming-tong), Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Lập pháp Viện hôm 20/10 rằng, tình hình năm 2023 có nhiều khả năng xảy ra chiến tranh, và lực lượng an ninh quốc gia Đài Loan đã có sự chuẩn bị nhất định.

Ông cho rằng, chính quyền Bắc Kinh khó có cơ hội chiến thắng nếu tấn công Đài Loan bằng vũ lực. Bởi vì động thái này sẽ kéo theo các lệnh trừng phạt của quốc tế về kinh tế, cô lập ngoại giao, hủy hoại cái gọi là “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” và khiến ĐCSTQ trở thành tội đồ của đất nước.

Ông Giang Khải Thần (Chiang Chi-chen), một nhà lập pháp thuộc Quốc Dân đảng, hỏi rằng liệu ĐCSTQ có ý định tấn công Đài Loan để chuyển dịch áp lực nội bộ. Ông Trần Minh Thông trả lời rằng,”Nhiều quốc gia độc tài cũng làm điều tương tự”.

Phát biểu tại Lập pháp Viện vào cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) cho hay, căn cứ vào tình hình điều động quân sự, nguồn tin tình báo và các khía cạnh khác của ĐCSTQ, Đài Loan chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan trước và trong Đại hội 20. Ông Khâu Quốc Chính cho rằng, ĐCSTQ đang tập trung vào việc duy trì sự ổn định trong giai đoạn quan trọng này.

Cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ
Đề cập đến tin tức về thương vụ hợp tác sản xuất vũ khí Mỹ – Đài Loan, ông Tạ Kim Hà (Hsieh Chin-ho), Chủ tịch hội đồng quản trị Caixin Media Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, thái độ của ĐCSTQ đối với Đài Loan sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Washington.

Sau khi ông Tập Cận Bình xác nhận nhiệm kỳ thứ ba, liệu chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ có thay đổi? Liệu sức ép đối với Đài Loan có thay đổi? Tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Trung trong tương lai, ông Tạ Kim Hà nhận định.

Ông nói, “Nếu ĐCSTQ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Đài Loan, thì sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan cũng sẽ tăng lên. Đây là động thái mới trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay”.

“Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ở trong một cuộc cạnh tranh, và cuộc cạnh tranh này ngày càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy diễn biến tiếp theo sẽ ngày càng trở nên căng thẳng hơn”, ông Tạ Kim Hà nhận định.

Về tuyên bố gần đây của một quan chức Mỹ rằng ĐCSTQ có thể đẩy nhanh cuộc xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, ông nói: “Thực ra, điều đó chẳng giúp ích được gì nhiều cho Trung Quốc. Họ sẽ phải trả giá đắt”.

Ông Tạ Kim Hà nói thêm rằng, hệ thống chuyên quyền toàn trị coi Đài Loan là cái gai bên cạnh việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử. Động thái này chỉ nhằm kích động cái gọi là chủ nghĩa dân tộc vì lợi ích của chính quyền cai trị của họ mà thôi.

Ông nói, “Đài Loan chỉ rộng 36.500 km vuông, là một nơi nhỏ bé. Nếu ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo vĩ đại của Trung Quốc, nếu ông ấy nói rằng ông không thể để mất một tấc đất, tôi thiết nghĩ ông nên tuyên chiến với Nga và lấy lại vùng đất Ngoại Mông, đây mới gọi là vinh quang cho người Trung Quốc phải không? Nhưng ông Tập không làm điều đó. Nga chiếm phần lãnh thổ rất lớn của Trung Quốc nhưng tại sao ông Tập lại không nói gì?”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới