Suốt mấy ngày nay cái tin Ukraina chuẩn bị sử dụng “bom bẩn” loang nhanh như sét đánh. Tin này phát ra từ phía Nga. Đương nhiên Ukraina, Mỹ và phương Tây phản đối ồi ồi, cho rằng Moscow đang tạo cớ để dấn thêm một nấc thang mới.
“Bom bẩn” là loại bom phát tán phóng xạ. Một quả bom thường được hiểu là thiết bị nổ thông thường nhưng nén đầy các vật liệu phóng xạ. Mục đích của vũ khí như thế là gây ô nhiễm một khu vực lớn, khiến cho nơi đó không thể sinh sống được nữa, có thể trong một thời gian rất dài.
Để chế tạo một quả “bom bẩn” có khả năng phát ra liều lượng bức xạ chết người, cần có một lượng lớn vật liệu bằng chì hoặc thép bao bọc bên ngoài để không giết chết những người chế tạo ra nó trong quá trình sản xuất.
Tin tức từ phía Nga được Ukraina gọi là “thông tin bẩn” vu cáo nước này. Còn Mỹ và phương Tây rất lo ngại khi coi đó là cái cớ để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tạo đột phá cho giai đoạn mới cuộc chiến tại Ukraina.
Theo nhận định từ các chuyên gia, Ukraina khó có khả năng sử dụng “bom bẩn” có thể phát ra liều lượng bức xạ đủ cao “gây ra những ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khỏe hoặc tử vong ở một số lượng lớn người” để tấn công quân đội Nga. Việc sử dụng vật liệu và chế tạo loại bom có sức công phá mạnh này sẽ khiến quả bom cồng kềnh, khó di chuyển hoặc triển khai. Do đó, nếu chế tạo và sử dụng “bom bẩn” sẽ nhanh chóng bị phát hiện.
Thông tin từ Moscow thì hoàn toàn khác. Hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hốt hoảng gọi điện cho người đồng cấp ở các nước Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ: Ukraina đang chuẩn bị tấn công bằng “bom bẩn” (!).
Tuần qua, báo chí Nga đã đưa rất nhiều thông tin và những lời cảnh báo tương tự. Rằng, Nga có nhiều thông tin tình báo về ý định của Ukraina và năng lực của Ukraina trong chế tạo vũ khí phóng xạ. Trong các cuộc điện thoại với các nước NATO, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cũng tiếp tục cáo buộc Ukraina.
Trước sự kiện này, Mỹ và phương Tây lập tức đáp trả. Họ nói, chúng tôi không vì bênh vực Ukraina mà chỉ nói sự thật, rằng Nga đã đưa ra những thông tin và nhận định không có cơ sở khoa học. Trong một thông cáo, Mỹ, Anh, Pháp xác nhận bộ trưởng quốc phòng các nước này đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và bác bỏ cáo buộc do phía Nga đưa ra về bom bẩn. Chẳng qua đó chỉ là cái cớ leo thang căng thẳng ở Ukraina.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói thẳng với người đồng cấp Nga rằng, Ukraina tuyệt nhiên không chuẩn bị bom bẩn. Bày ra trò này có phải Nga đang tạo cớ để biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina?
Dịp này các trợ lý của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nghiên cứu kỹ về bài học khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba năm 1962 giữa Mỹ và Liên Xô. Họ có dịp nhìn lại lịch sử nguy cơ “bom bẩn”. Đó là vào tháng 11/1995, các phiến quân Chechnya liên lạc với một đài truyền hình Nga và nói rằng họ đang chuẩn bị vũ khí phóng xạ.
Sau đó đã phát hiện một quả bom chôn ở công viên Ismailovsky ở thủ đô Moscow. Quả bom làm từ thuốc nổ cực mạnh và chất phóng xạ Cesium-137. Nguồn gốc vật liệu phóng xạ sau đó đã không bao giờ được xác định.
Tiếp đến vào năm 2002, một phần tử của tổ chức khủng bố Hồi giáo al-Qaeda, Jose Padilla, đã bị bắt tại Mỹ vì tội âm mưu chế tạo và kích nổ một vũ khí phóng xạ.
Năm 1994, ba năm sau khi tách khỏi Liên Xô, Ukraina đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân của mình. Kiev cũng đã tiếp nhận các bảo đảm hạt nhân trong khuôn khổ Bản ghi nhớ Budapest với các bên ký kết bao gồm Ukraina, Nga, Mỹ và Anh.
Về phía Nga, sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, đã triển khai một số hệ thống có năng lực hạt nhân trên bán đảo này. Hiện tại, vùng Kherson, nằm ở Nam Ukraina do Nga kiểm soát, người dân đã rục rịch đi sơ tán. Đây là điều phương Tây lo ngại có thể sẽ có đột biến nào đó xảy ra trong vùng này. Và khi ấy sẽ kéo theo khả năng vũ khí hạt nhân chiến thuật được kích hoạt.
Phương Tây đã nghĩ đến kịch bản Nga khai hỏa vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên Lầu Năm Góc cho rằng, không thấy dấu hiệu Nga di chuyển số vũ khí chiến thuật của mình (khoảng 2.000 đơn vị). Trong ngày 24/10, tướng Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã trao đổi với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov về các vấn đề liên quan.
Vậy là theo dõi từ hai phía chiến trường vẫn chưa hề thấy dấu hiệu “bom bẩn”. Các quan chức Ukraina đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Moscow. Ngoại trưởng Ukraina đã công khai việc mời các thanh sát viên của Liên hợp quốc đến thăm Ukraina để cho thấy họ “không có gì phải che giấu”. Còn Moscow thì vẫn quả quyết họ không dễ bị lừa.
Thời nay “thông tin bẩn” trở nên có giá trị trong các âm mưu tạo cớ xâm lược, xung động vũ trang, thôn tính lẫn nhau. Những giá trị ấy trở nên phi giá trị vì nó gây tội ác, kéo dài thêm những đau thương cho người dân vô tội. Nó chỉ giá trị với những tên lái súng khát máu mà thôi!
H.Đ