Hôm 18/10, New York Times đã đăng một bài báo với tựa đề “Cảm ơn ông, Tập Cận Bình”.
Tác giả bài báo Bret Stephens nói với ông Tập Cận Bình rằng: “Vào đầu nhiệm kỳ thứ ba đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông, xin hãy đón nhận lòng biết ơn và lời chức mừng của đất nước chúng tôi. Mặc dù bây giờ có thể không rõ ràng, nhưng chúng tôi tin rằng sự cai trị của ông vào một ngày nào đó sẽ được coi là một trong những niềm vui bất ngờ lớn nhất của lịch sử Hoa Kỳ và các quốc gia tự do khác.”
Tác giả cho rằng trước đây phương Tây đã hy vọng Trung Quốc sẽ dần lấy lại vị thế trong quá khứ, khi từng là một nền văn minh thống trị và nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng niềm hy vọng đó không chỉ biến thành nỗi thất vọng mà còn bị nghiền nát.
“Giờ đây nếu có một điểm chung giữa ông Trump và ông Biden – hoặc giữa ông Cotton và bà Pelosi, thì điểm đó chính là ông cần phải dừng lại.”
Ông Stephens giải thích: “Cuộc chiến chống tham nhũng của ông đã biến thành một cuộc thanh trừng trên quy mô lớn. Sự đàn áp ở Tân Cương của các ông có thể so sánh với Trại cải tạo lao động của Liên Xô (Gulag). ‘Cải cách’ kinh tế của các ông tương đương với việc đưa các doanh nghiệp nhà nước thường kém hiệu quả trở thành vị trí chủ đạo”.
“Chính sách bí mật dò xét, tấn công mạng và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã khiến các thương hiệu Trung Quốc như Huawei không thể tiếp cận được với hầu hết các nước phương Tây,” tác giả viết.
Tác giả cũng nói với ông Tập rằng chính sách zero covid của ông ấy đã có lúc biến các thành phố lớn của Trung Quốc thành những nhà tù khổng lồ, những nơi không phải để sống. Sự bắt nạt ngoại giao của chính quyền Trung Quốc đã thành công trong việc khuyến khích Nhật Bản chỉnh đốn lại trang bị quân sự và khuyến khích ông Biden cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ chiến đấu vì Đài Loan. Tất cả những điều này có thể khiến Trung Quốc trở nên đáng sợ, nhưng không thể khiến ông Tập trở nên mạnh mẽ. Các nhà độc tài luôn muốn được người khác phục tùng, nhưng thật khó để khơi dậy lòng trung thành từ dân chúng.
Tác giả đã giải thích lý do ông ấy muốn gửi lời cảm ơn tới ông Tập Cận Bình: “Trong cuộc cạnh tranh lâu dài giữa thế giới tự do và thế giới phi tự do, ông đã vô tình bảo vệ cho phe tự do, vì vậy chúng tôi muốn nói lời cảm ơn. Chúng tôi biết hợp chủng quốc Hoa Kỳ của chúng tôi là có sai sót; chúng tôi biết rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi là có thiếu sót; chúng tôi biết rằng xã hội của chúng tôi có những rạn nứt. Nhưng khi nhìn vào ông một cách cẩn thận, chúng tôi thà rằng lựa chọn tất cả những điều thiếu sót này hơn là lựa chọn phương hướng mù mịt của ông.”
Dùng lại các thủ đoạn thời Mao Trạo Đông, ‘tập đoàn Tập’ phải nghênh chiến với Hoa Kỳ
Trang The Storm Media của Đài Loan đã đăng một bài báo với tựa đề “Hệ thống quốc gia của tập đoàn Tập, liệu nó có thể đánh bại cuộc chiến chip của Hoa Kỳ?”. Tác giả Lâm Đình Ngọc đặt ra vấn đề: Dưới thời chiến tranh lạnh công nghệ Trung-Mỹ, ông Tập Cận Bình đã dẫn dắt đội ngũ lãnh đạo bắt đầu một hành trình mới sau Đại hội 20.
Sự phát triển của khoa học và công nghệ chuyển hướng sang chiến lược “quốc tiến dân lùi” (nghĩa là hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời chèn ép các doanh nghiệp tư nhân), tập hợp những nhân tài sáng giá nhất của Trung Quốc bắt tay vào nghiên cứu và phát triển chip. Liệu “Hệ thống quốc gia của tập đoàn Tập” có thể chống lại việc Hoa Kỳ ngăn chặn TQ tiếp cận nguồn chip hay không?”.
Bài báo trích dẫn lời của học giả theo chủ nghĩa tự do Ân Hải Quang: “Muốn xây dựng một đất nước lý tưởng dựa trên sự ảo tưởng và hư cấu của một người là một trong những nguyên nhân gây ra những thảm cảnh ngày nay. Xã hội nhân loại phức tạp như vậy, đâu phải chỉ một khối óc là có thể bao quát hết được? Thật vô lý làm sao khi buộc cả đất nước phải tuân theo mệnh lệnh của một người hoang tưởng!” Trích dẫn này nhằm chỉ trích “sự hoang tưởng của cá nhân Mao Trạch Đông”. Điều bất ngờ là hơn 50 năm sau, chính quyền ông Tập Cận Bình cũng đã không ngần ngại nêu ra khái niệm và quyết tâm hướng tới cái gọi là “sự thịnh vượng chung”, vốn chèn ép các tập đoàn và doanh nhân lớn để bắt họ chia sẻ bớt tài sản, dưới danh nghĩa là cho người dân nghèo, để ai cũng có sự thịnh vượng.
Tác giả chỉ ra rằng để đối phó với cuộc chiến ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận chip của Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình đã sử dụng lại thủ đoạn cũ của Mao Trạch Đông. Việc thực hiện nền kinh tế kế hoạch ở Trung Quốc thời Mao dựa trên nhu cầu “tự lực cánh sinh”.
Ông Tập Cận Bình đang cố gắng sử dụng “hệ thống quốc gia” mới để huy động các nguồn lực quốc gia nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thà rằng cắt đứt chuỗi cung ứng để đạt được khả năng tự cung tự cấp nguồn chip. “Liệu sự hoang tưởng của ông Tập Cận Bình có thể tạo nên một xã hội không tưởng mà sẽ đơm hoa kết trái giấc mơ Trung Hoa hay không?”, bài báo đưa ra nghi vấn.
Chính quyền Trung Quốc áp đặt ‘luật quốc gia’ đối với người Hồng Kông ở Manchester
Tờ UP Media của Đài Loan đã đăng một bài báo với tựa đề “Chiến lang ngoại giao chỉ thấy Luật quốc gia, mà không nhìn thấy ngoại giao”. Tác giả của bài báo Trương Quỳnh Âm chỉ ra rằng cùng thời điểm với Đại hội 20, hoạt động biểu tình của một nhóm người biểu tình với danh nghĩa “Bảo vệ Mặt trận Nhân dân Hồng Kông” ở Manchester đã bị quấy phá bởi một số quan chức từ lãnh sự quán TQ; hơn nữa một số người biểu tình đã bị lôi vào lãnh sự quán và bị đánh đập. Người phụ trách của tổng lãnh sự quán TQ ở Manchester là Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan).
Các nhà chức trách TQ đã thể hiện phong cách bạo lực và độc tài ở các quốc gia dân chủ. Kể từ khi sự việc xảy ra vào ngày 16/10, nó đã tiếp tục thu hút sự chú ý của Quốc hội Anh, xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế. Mọi tầng lớp xã hội đều lên án hành vi bạo lực của các quan chức TQ là vi phạm nghiêm trọng tự do ngôn luận và tự do thân thể của công dân Anh. Các nhà chức trách Anh cũng tin rằng hành vi của lãnh sự quán TQ là “không thể chấp nhận được”, và thậm chí là một hành động đáng xấu hổ đối với thế giới.
Tác giả cho rằng dựa theo logic “chiến lang” (hay chiến binh sói) của Bộ Ngoại giao TQ, những người biểu tình trong vụ việc là người Hong Kong, cũng chính là “người Trung Quốc”. Vậy nên việc dạy dỗ người dân của mình chỉ là việc thi hành “luật quốc gia” và không có gì sai, không liên quan gì đến ngoại giao. Cộng thêm với chính sách ngoại giao chiến binh sói mà bộ ngoại giao TQ đã chủ trương từ lâu, miễn là bạn đóng vai một chiến binh sói để hộ tống ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ, thì có thể một bước lên mây, thăng tiến trong sự nghiệp.
T.P