Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 tình hình bán đảo Triều Tiên lại nóng như lò thép nung chảy. Triều Tiên và Hàn Quốc liên tục đáp trả nhau, kết tội nặng nề. Bên nào cũng khăng khăng cho rằng bên kia mới là “kẻ thách thức”, tạo cớ gây chiến tranh.
Phía Hàn Quốc khẳng định: Triều Tiên là kẻ tráo trở, không những từ chối đàm phán tìm giải pháp hòa bình mà ngày càng hung hăng hơn. Cụ thể, Hàn Quốc tố cáo Triều Tiên đã phóng tới 17 quả tên lửa các loại vào hôm 2/11. Một quả trong số đó rơi vượt ranh giới biển giữa hai nước lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên tạm ngưng.
Vì sự ngang ngược này mà lực lượng không quân Hàn Quốc đã buộc phải bắn trả. Tin thêm từ Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc cũng cho hay, Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Wonsan, một cảng ở bờ biển phía Đông của Triều Tiên, hướng về vùng biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vào đầu giờ sáng ngày 2/11.
Đáng lo ngại khi một quả tên lửa bay vượt qua ranh giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Nó đã rơi xuống vị trí cách Sokcho, một thành phố ven biển của xứ Kim chi, khoảng 56 km.
Tuy không nói lí do nhưng động thái của Triều Tiên nhiều khả năng là nhằm cảnh cáo và phản đối cuộc tập trận không quân quy mô lớn kéo dài trong 5 ngày giữa Hàn Quốc và Mỹ (bắt đầu ngày 31/10). Cuộc tập trận không quân chung có tới hơn 200 máy bay chiến đấu tham gia và được gọi là “Bão Cảnh giác” (Vigilant Storm).
Sau khi bị Seoul tố cáo, Bình Nhưỡng lập tức phản pháo. Rằng, Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải “trả cái giá khủng khiếp” nếu tấn công Triều Tiên. Không phải úp mở gì cả, các cuộc tập trận không quân đang diễn ra của Mỹ và Hàn Quốc là nhằm chuẩn bị cho một cuộc “xâm lược”.
Bình Nhưỡng tuyên bố cứng rắn: Nếu Mỹ và Hàn Quốc cố gắng sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại Triều Tiên, các phương tiện đặc biệt của các lực lượng vũ trang chúng tôi sẽ thực hiện sứ mệnh chiến lược, không thể trì hoãn.
Cách đây hai tháng, hồi tháng 8, bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã chỉ trích đề xuất hỗ trợ kinh tế của Hàn Quốc để đổi lấy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là hết sức phi lý. Bà Kim tuyên bố cứng rắn: “ Nếu họ suy nghĩ rằng lấy hợp tác kinh tế để đánh đổi danh dự và năng lực hạt nhân của Triều Tiên thì sẽ là điều không tưởng”.
Bà nhắc lại một lần nữa, nước này không nghĩ đến chuyện ngồi cùng bàn đàm phán với Tổng thống Hàn Quốc, cho dù ông Yoon Suk Yeol đã nêu ra những kế hoạch lớn về hợp tác chung giữa hai bên trong tương lai. Kế hoạch của ông Yoon là “Viện trợ táo bạo”, bao gồm trợ giúp về lương thực, năng lượng và cơ sở hạ tầng, đổi lại việc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon Suk Yeol đã thể hiện quan điểm rất cứng rắn với Triều Tiên. Điều này quay ngược 180 độ với cách ứng xử của cựu Tổng thống Moon Jae-in. Vậy nhưng trong cuộc họp báo đánh dấu 100 ngày tại nhiệm, ông Yoon Suk Yeol rất khôn khéo khi nói rằng, các cuộc đàm phán với Triều Tiên không nên là “màn phô diễn chính trị”, cần có đóng góp cho hòa bình trên bán đảo.
Theo các nhà phân tích, bình luận quốc tế, tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức rất cao. Nếu không tìm cách hạ nhiệt sẽ dân tới xung đột vũ trang, tình hình sẽ diễn biến xấu,thậm chí sẽ xảy ra một cuôc chiến không khác gì cuộc chiến Nga-Ukraina.
Hàn Quốc đã gửi thông điệp cảnh báo chính thức tới Triều Tiên. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, ông Yoon đã ra lệnh cho quân đội bảo đảm Triều Tiên “trả giá rõ ràng cho sự khiêu khích của họ”. Ngược lại Triều Tiên cũng tuyên bố, quân đội sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Cách đây vài năm quan hệ giữa Triều Tiên – Hàn Quốc đã ấm lên. Những chiếc loa truyền thanh ra rả chĩa sang nhau ở biên giới đã được tháo xuống. Người dân hai miền đã qua lại thăm nhau. Những đám mây hòa bình đã trở thành xứ giả hai miền.
Thế rồi tại các cuộc đàm phán sau đó đã không có thỏa thuận nào được kí kết vì không bên nào chịu xuống thang. Các cuộc cãi vã ngày càng dầy hơn và căng thẳng hơn.
Ai thách thức ai? Ai là kẻ giương đông kích tây, tạo ra các cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”? Trả lời không đơn giản, cả nhân loại, nhất là các cường quốc cùng phải suy nghĩ, để tìm ra cách dập lửa. Bởi ngọn lửa này sẽ không dừng lại trên bán đảo Triều Tiên, thiêu rụi ý chí độc lập của một dân tộc mà nó sẽ lan rộng, đe dọa an nguy trong khu vực và thế giới.
H.Đ