Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCái bẫy cơ chế-quyền lực đối với ông Tập

Cái bẫy cơ chế-quyền lực đối với ông Tập

Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bế mạc được một tuần. Ông Tập Cận Bình đã yên tâm trụ lại ở cái ghế cao nhất của Đảng và Nhà nước. Nhưng trước mắt ông là một núi công việc, là rất nhiều khó khăn thách thức. Có nhà bình luận quốc tế nhận định, ông Tập cảm thấy cô đơn ngay giữa Trung Nam Hải.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tuyên bố đi theo chủ nghĩa Mác (không có dấu gạch nối Lênin). Tuy nhiên, từ ông Tập Cận Bình đến các đại biểu dự Đại hội 20, tự đáy lòng, chỉ tôn thờ một thứ chủ nghĩa Mác được Trung Quốc hóa. Chính điều đó mới có thể giúp cho Đảng kiên trì “tín ngưỡng và lòng tin” vào công cuộc “phục hưng vĩ đại” của Trung Hoa.

Chính điều đó thể hiện rõ Tư tưởng Tập Cận Bình, tiếp tục giương cao Chủ nghĩa Đại Hán trong thời kỳ toàn cầu hóa. Điều này thì Trung Quốc giống Việt Nam ở chỗ, “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác”.

Một điều đáng chú ý là, Tập Cận Bình đặc biệt lưu ý tiêu chí trung thành khi lựa chọn nhân sự tham gia Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị. Ở khóa 20 đã thể hiện sự thay đổi rất lớn thế hệ lãnh đạo mới. Lần này Đoàn phái đã bị gạt ra thẳng cánh.

Công cuộc mở cửa, cải cách đã tạo tiền đề cho những giải pháp thúc đẩy kinh tế thị trường, dẫn đến sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc từ một quốc gia nghèo bị cô lập vươn lên thách thức trật tự toàn cầu của Mỹ và phương Tây.

Đại hội 20 đã phát triển hai khái niệm: “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) và “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI), coi đây là khung khổ chung cho toàn bộ quản trị kinh tế – xã hội Trung Quốc trong thời kỳ mới.

Nếu như trước Đại hội, Tập Cận Bình còn phải lo đối phó với các hoạt động chống đối khi ngấm ngầm, lúc công khai của Đoàn phái, Bang pháiThế tử đảng thì từ đây, ông chỉ còn lo đối phó với nguy cơ hỗn loạn trong Đảng và trong nước.

Không phải không có lý trước nhận định của giới học giả Trung Quốc: Tập Cận Bình với vai trò “hạt nhân” của “hạt nhân” dễ rơi vào cái bẫy của chính ông thiết kế, cái bẫy cơ chế-quyền lực.

Về quan hệ với các nước láng giềng, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh việc chống lại sự can thiệp từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây, nhất là quan hệ với Mỹ. Khó khăn nhất là quan điểm, thái độ về vấn đề Đài Loan, cuộc chiến Nga- Ukraina, thương mại, và nhiều vấn đề khác.

Ông Tập khẳng định, sự phát triển của sự nghiệp tiến bộ nhân loại là quá trình dài và quanh co. Tránh nhắc đến cụm từ xã hội chủ nghĩa, ông nói: Cần kiên định hành động vì hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại, đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả nguồn lực của mình, và không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến, hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của đất nước.

Về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, cũng như Việt Nam với các nước khác, về cơ bản sẽ chẳng có chuyển biến gì đáng kể. Trong lịch sử mấy nghìn năm, Việt Nam vốn có mối quan hệ thăng trầm với Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam khôn khéo đi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có tin rằng, Việt Nam đang vận động phía Mỹ thu xếp chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden cũng ngay trong tháng 11 này. Ở đây đường lối “ngoại giao cây tre” thêm một lần được minh chứng sinh động.

Xin lưu ý, khi Việt Nam nhấn mạnh Trung Quốc là ưu tiên ngoại giao hàng đầu, cũng không nên hiểu rằng, Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu duy nhất. Bởi “hàng” có nghĩa là số nhiều.

Dù sao chuyến thăm Mỹ đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam tới Trung Quốc sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng mở ra những triển vọng tốt hơn. Nhất là việc kìm chân những hành động gia tăng quân sự, gay căng thẳng trên Biển Đông. Trong lúc này càng phải tỉnh táo nhận rõ âm mưu, tham vọng nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vì Biển Đông không chỉ có lợi ích của Việt Nam mà Biển Đông có lợi ích của toàn cầu. Cho nên trách nhiệm giữ được tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của riêng Việt Nam mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế.

Hi vọng, sau Đại hội 20, công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc trong tiến trình mới sẽ tạo tra nhiều cơ hội phát triển mới, tạo ra nhiều lợi ích hơn, cung cấp nhiều kinh nghiệm quý trong đấu tranh chống tham nhũng, chống bè phái trong đảng cho các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới