Hội nghị thượng đỉnh không chính thức này (tổ chức tại California vào ngày 15, 16.2) sẽ là dịp Mỹ-ASEAN cùng bàn chuyện cùng chống Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ trong tranh chấp biển Đông.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ gặp ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN
Người phát ngôn Nhà Trắng ngày 9.2 cho biết đây là dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama phát thông điệp cứng rắn, cấm Trung Quốc bắt nạt các nước nhỏ trong tranh chấp biển Đông, và sự tranh chấp này phải được giải quyết một cách hòa bình.
Phó cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Ben Rhodes nói ông Obama sẽ tái xác lập quan điểm tranh chấp này phải được xử lý bằng đàm phán và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông nói một phần thông điệp của ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ cùng 10 nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là “cần tránh việc nước lớn tìm cách giải quyết tranh chấp bằng cách bắt nạt nước nhỏ hơn”, tôn trọng quyền tự do hàng hải và tránh “những hành động quân sự không cần thiết và không báo trước trên biển Đông”.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở vùng Rancho Mirage, nơi ông Obama từng tiếp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hồi năm 2013.
Ông Obama tiếp ông Tập ở Sunnylands năm 2013 |
Ngày 10.2, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết việc TQ bắt nạt các nước trong khu vực biển Đông sẽ là đề tài chính của hội nghị thượng đỉnh này. Ông nói các nước đòi chủ quyền ở khu vực này đang dự tính “họp bên lề” để bàn luận về quan điểm-hành động hung hăng của TQ.
Ông Rosario nói: “Tôi nghĩ về chuyện biển Đông, rõ ràng chúng tôi muốn sự tuân thủ luật pháp, chúng tôi muốn bàn về quyền tự do hàng hải. Chúng tôi muốn đánh giá việc TQ xây đảo nhân tạo trái phép”.
Ông Del Rosario còn nói ASEAN sẽ bàn luận về kế hoạch lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông của Bắc Kinh nhằm củng cố việc TQ ngang ngược đòi chủ quyền 90% biển Đông.
Dù TQ không được mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh này, các trợ lý của ông Obama nói rõ việc TQ hành động hung hăng ở biển Đông, gồm xây trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sẽ là một trong những vấn đề quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh.
Hồi cuối tháng 1, hải quân Mỹ đã đưa một khu trục hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, để thể hiện quyền tự do hàng hải. Hoạt động này khiến Bắc Kinh tức giận, và đó là lần thứ hai Mỹ có hành động quân sự tại vùng tranh chấp. Hồi tháng 10.2015, Mỹ cử tàu khu trục hạm vào vùng 12 hải lý quanh bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. TQ đã xây một đường băng quân sự, tiến hành các chuyến bay thử nghiệm hạ cánh xuống bãi này.
Mỹ nghi ngờ việc TQ xây các đảo nhân tạo là để phục vụ mục đích quân sự. Phó cố vấn NSC Rhodes nói ông Obama sẽ bàn luận đặc biệt với lãnh đạo ASEAN mối quan ngại của ông về các hoạt động của TQ.
Cố vấn về châu Á của ông Obama, Dan Kritenbrink nói: “Tổng thống sẽ kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền ngưng cải tạo đất, xây dựng cơ sở hạ tầng mới và không tiến hành quân sự hóa các chốt tiền tiêu trên biển Đông”.
Ngoại trưởng Philipines nói nước ông muốn lập quan hệ xây dựng với TQ, thế lực quân sự mạnh nhất khu vực, nhưng Philippines sẽ không chấp nhận để mất chủ quyền hàng hải. Ông Del Rosario nói: “Chương trình hội nghị thượng đỉnh kêu gọi an ninh hàng hải, hội nhập kinh tế cùng những mối quan ngại liên quốc gia”. Ông cũng nói tất cả các nước sẽ tìm những “cách có thể thúc đẩy các mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn”.
Reuters ghi nhận Philippines rất tích cực phản đối TQ đòi độc chiếm biển Đông, đã kiện TQ ra Tòa án trọng tài LHQ.
Ông Del Rosario nói: “Chúng tôi hy vọng tòa sẽ có phán quyết trước tháng 5 tới. Chúng tôi không biết có cơ hội thắng kiện hay không, nhưng xem ra chắc thắng được. Chúng tôi hy vọng TQ sẽ tuân thủ phán quyết, và phán quyết thế nào chăng nữa, chúng tôi cũng sẽ tuân thủ”.
TQ không chấp nhận tham dự vụ kiện này, luôn đòi giải quyết song phương. Nhưng Tòa án trọng tài LHQ vẫn xem xét.
Báo The Wall Street Journal (WSJ) nhận định hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là một trong những động thái Mỹ tăng cường quan hệ ở ngay cửa ngõ vào TQ.
Việc ông Obama gặp lãnh đạo 10 nước ASEAN là nhằm điều phối các quyền lợi Mỹ, từ an ninh đến thương mại, với một khu vực ngày càng quan trọng đối với cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh không chỉ bàn riêng việc TQ ngang ngược hành xử tại biển Đông, mà còn để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh với Đông Nam Á, một khu vực mà ông Obama tập trung chú ý trong chủ trương “tái xoay trục về châu Á” của ông.
Hội nghị này vào lúc Mỹ-Trung đều muốn gây ảnh hưởng với khối ASEAN, sẽ là dịp ông Obama nhấn mạnh sự quan tâm châu Á của Mỹ, dù các quan chức Mỹ nói không kỳ vọng sẽ đạt được những thỏa thuận lớn.
Ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói: “Đây là cơ hội để các lãnh đạo đóng kín cửa, đối thoại sâu. Sự kiện này sẽ là một cột mốc trong sự dấn thân chiến lược với châu Á của chúng tôi, và là bằng chứng tích cực về chủ trương tái xoay trục đã đạt tầm cao mới”.
Hội nghị này sẽ dựa trên các nỗ lực trước đây của Mỹ để lập quan hệ chặt chẽ hơn với khối ASEAN. Năm 2015, ông Obama tiếp nhiều lãnh đạo các nước châu Á ở Mỹ, đã đến Philippines và Malaysia dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực.
Cùng năm 2016 này, Mỹ sẽ chi hàng trăm triệu USD cho Chương trình an ninh hàng hải Đông Nam Á, để các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia nâng cấp khả năng của tàu chiến và tàu tuần duyên.
Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nói: “Với các nước ASEAN, đó là tín hiệu rõ ràng rằng lãnh đạo các nước châu Á ngày càng dựa vào Mỹ vì e ngại sự trỗi dậy của TQ gây nguy hiểm cho an ninh và kinh tế khu vực”.
Một số nhà phân tích nói hội nghị thượng đỉnh có thể giúp sự ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước và do Mỹ dẫn đầu.
Hiệp định thương mại và đầu tư này nhằm tạo ra luật lệ mới cho hoạt động làm ăn toàn cầu, củng cố luật quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường. Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN, và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của khối này.
Việt Nam, Malaysia, Brunei và Singapore đã là thành viên TPP; Thái Lan, Philiippines và Indonesia đã bày tỏ sự quan tâm tham gia. TQ không phải là thành viên TPP.
Ông John Ciorciari, giáo sư trợ giảng ở Trường chính sách công Gerald R.Ford thuộc Đại học Michigan (Mỹ) nói: “Hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một phiên họp tuyển dụng ngoại giao, vì chính phủ Obama muốn ASEAN ủng hộ các điểm chính trong chủ trương tái xoay trục của Mỹ, gồm TPP và quyền tự do hàng hải trên biển Đông”. Ông nói các quan chức Mỹ bác thông tin hội nghị này nhằm chống TQ, nhưng TQ sẽ nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ “quá đáng”.