Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông tuần thứ 4

Bản tin Biển Đông tuần thứ 4

Nhìn lại những sự kiện diễn ra đầu năm 2016, tình hình trên Biển Đông vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn tiếp tục trở nên căng thẳng và diễn biến phức tạp hơn nhiều so với năm ngoái cả về quy mô, mức độ và phạm vi, với những hành động ngày càng quyết liệt hơn của các bên liên quan, phần lớn xuất phát từ sự gây hấn và khiêu khích từ phía Trung Quốc.

Trước nguy cơ ổn định khu vực bị đe dọa, phản ứng của các bên tranh chấp cũng như các quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực sẽ đặc biệt đóng vai trò quyết định đối với tương lai của tranh chấp, dù vị thế, lợi ích và tính toán chiến lược của mỗi nước có thể là rất khác nhau.

1) Lập trường đối nghịch giữa Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông

Đầu tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khởi động chuyến công du chớp nhoáng qua một số nước châu Á, cụ thể là ông đã tới Lào ngày 24/1/2016, tới Campuchia ngày 26/1, và ngay sau đó là Trung Quốc vào ngày 27/1, theo RFI ngày 25/1Reuters ngày 26/1. Chuyến thăm của Ngoại trưởng đặc biệt thu hút sự chú ý bởi nó chỉ diễn ra vài tuần trước lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama làm chủ nhà đón 10 nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, California trong hai ngày 15 và 16/2. Theo các nhà quan sát, trong khi Bắc Kinh tiếp tục chính sách ỷ mạnh hiếp yếu, áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý và sai trái tại Biển Đông, bất chấp luật lệ quốc tế, gây căng thẳng trên biển, đe dọa ổn định trong khu vực, Hoa Kỳ lại khuyến khích Đông Nam Á có lập trường thống nhất theo khối nhằm chống lại các hành vi gây bất ổn định của Trung Quốc tại Biển Đông, và cần phải tỏ rõ quan điểm này nhân Hội nghị Thượng đỉnh California. Chuyến ghé thăm Lào và Campuchia của Ngoại trưởng Kerry nhằm mục tiêu khuyến khích hai nước này tích cực hơn trong việc cùng với toàn khối ASEAN xử lý tốt vấn đề Biển Đông. Cùng ngày, Hãng tin AFP cho hay chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ đang nỗ lực tranh thủ làm sâu sắc thêm quan hệ với Đông Nam Á, khu vực Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn, nhất là các nước nhỏ. Chính quyền Obama đang đặt quan hệ với các khu vực châu Á làm ưu tiên ngoại giao của mình, coi đây là điểm tựa để đối trọng với siêu cường khu vực Trung Quốc. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, khác với những nước châu Á đang bị cuốn vào căng thẳng xung đột với Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, mục tiêu của Hoa Kỳ trước hết vẫn là bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực này.

Về chuyến thăm Lào vừa qua của Ngoại trưởng Kerry, hai bài báo trên Thời báo New York ngày 25/1 – “Kerry cho biết Lào muốn tránh không để Biển Đông bị quân sự hóa”và “Lào đảm bảo với Mỹ sẽ giúp đối trọng với những động thái cứng rắn của Trung Quốc”đã trích lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerrysau cuộc họp với Thủ tướng Lào, Thongsing Thammavong, khẳng định rằng Lào mong muốn các quyền hàng hải được tôn trọng và tránh việc xây dựng quân sự ở khu vực Biển Đông; đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết để đối mặt với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Có thể nói ông Kerry đã gặt hái được thành công ở Lào, vì Lào hiện là Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN. Ông cho rằng điều quan trọng là sau chuyến thăm này Lào có thể thấy mình đóng một vai trò quan trọng trong ASEAN, cũng như ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các hệ thống dựa trên luật lệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đáp lại một số nghi hoặc về những gì ông Kerry đưa ra, Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS ở Washington, đã giải thích rằng vị tổng bí thư được xem là thân Trung Quốc trước đây đã được Đảng Cộng sản đương quyền tại Lào thay thế bằng một người dường như có cách nhìn nhận cân bằng hơn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, một láng giềng lớn và thân thiết khác của Lào cùng thuộc khối ASEAN, do đó tuyên bố của giới lãnh đạo Lào hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên. Không những thế, ông Kerry sẽ “khích lệ” Lào bằng việc trao đổi về đề xuất tăng cường viện trợ của Mỹ, bao gồm kinh phí để xử lý bom mìn chưa nổ của Mỹ còn sót lại từ thời chiến tranh Việt Nam.

Sự quan tâm đặc biệt Hoa Kỳ hiện nay dành cho Lào có thể xuất phát từ mối lo ngại của chính quyền Obama rằng Viên Chăn sẽ hành xử như Campuchia năm 2012 bởiLào hay Campuchia cũng đều chịu sự chi phối lớn từ phía đối tác Trung Quốc, cả về kinh tế và chính trị, như AP nhận xét. Thời điểm đó Campuchia đã bị cáo buộc là cản trở sự đồng thuận của ASEAN để hậu thuẫn cho những động thái cứng rắn của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.Vậy nên, để tránh khả năng như vậy có thể xảy ra, điều Mỹ quan tâm hiện nay là Lào,trong vấn đề Biển Đông, nhất là trong vài năm gần đây và năm 2015 này, cần phải thể hiện được sự quan tâm sâu sắc hơn đến việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ với Mỹ.

Thế nhưng, đi ngược lại với kỳ vọng của chính quyền Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đã gặp thất bại trong việc thuyết phục Campuchia thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Phát biểu sau cuộc tiếp xúc với ông Kerry, ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong đã dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực của Hoa Kỳ khi cương quyết khẳng định lập trường của Phnom Penh về Biển Đông là không thay đổi, rằng các nước có tranh chấp nên tự giải quyết với nhau; sự tham gia của ASEAN là hoàn toàn không cần thiết. Phát biểu thiếu thiện chí này rõ ràng đã được áp đặt nguyên xi từ quan điểm của Bắc Kinh, cố tình gạt bỏ vai trò ASEAN ra khỏi tiến trình giải quyết tranh chấp, ép buộc các nước giải quyết vấn đề theo cơ chế song phương. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên vị ngoại trưởng Campuchia ve vuốt Trung Quốc. Lập trường của Campuchia như vậy là hoàn toàn đối nghịch với quan điểm của Lào.

Về phản ứng của Trung Quốc trước những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kéo các nước ASEAN thành khối đoàn kết để đối phó với những hành động quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, trả lời phóng viên trong cuộc họp báo thường nhật của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/1 về việc một quan chức Mỹ cho hay ASEAN muốn đoàn kết lại để bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải, tránh để xảy ra quân sự hóa và xung đột, Người Phát ngôn Hoa Xuân Oánh đã ngang nhiên cho rằng Mỹ chẳng phải là đại diện cho ASEAN và “dạy bảo” Mỹ phải “nỗ lực đóng góp cho hòa bình và ổn định tại châu Á – Thái Bình Dương” thay vì tìm cách gây rối và gây chia rẽ bất hòa. Và trong cuộc họp báo ngày hôm sau, bà Hoa Xuân Oánh cũng đã công khai ủng hộ lập trường của Campuchia, đồng thời thêu dệt nên luận điệu nhằm đánh lạc hướng dư luận, rằng vì tranh chấp do yêu sách chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải ở khu vực chỉ là vấn đề giữa các quốc gia ven biển ở Biển Đông, và do đó cách duy nhất để giải quyết chỉ có thể là qua cơ chế song phương, điều đó cũng phản ánh được sự đồng thuận của đa số các quốc gia ASEAN!

Tuy nhiên Washington dường như sẽ không coi sự quyết đoán của Trung Quốc có thể gây bất lợi cho mình. Trước đó, trênReuters ngày 23/1 có trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ ngày 22/1 liên quan đến vấn đề an ninh toàn cầu, nhấn mạnh Trung Quốc đang có những bước đi tự cô lập trên Biển Đông và đẩy các nước khác tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ.

Theo kế hoạch, ông Kerry có mặt ở Trung Quốc cuối ngày thứ Ba và được trông đợi sẽ có thể thúc đẩy Bắc Kinh kiềm chế Triều Tiên hơn sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân vừa qua và khẳng định lại quan ngại của Mỹ về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

2) Ấn Độ xây dựng trạm giám sát vệ tinh ở Việt Nam nhằm để mắt đến Trung Quốc

Trước sự quyết đoán ngày một mạnh mẽ và rõ ràng của Trung Quốc thông qua một loạt các hành động khiêu khích của Trung Quốc gần và hoạt động xây đắp tôn tạo đảo vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, không chỉ các quốc gia trong khu vực mà ngay cả các nước ngoài khu vực có lợi ích liên quan cũng đã bắt đầu có những bước đi mạnh dạn hơn để đối phó với một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến. Bài viết “Ấn Độ xây dựng trạm giám sát vệ tinh ở Việt Nam với mục đích để mắt đến Trung Quốc” đăng trên tạp chí New York Times ngày 25/1cho biết Ấn Độ đã công khai kế hoạch xây dựng trung tâm theo dõi qua vệ tinh và phân tích hình ảnh ở miền Nam Việt Nam, cho phép Hà Nội tiếp cận được với các hình ảnh của các khu vực do hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Ấn Độ cung cấp, bao gồm cả Trung Quốc và khu vực Biển Đông, mà không cần phải xin phép Ấn Độ. Tổ chức nghiên cứu không gian (ISRO) của chính phủ Ấn Độ sẽ tài trợ kinh phí khoảng 23 triệu USD để xây dựng trung tâm theo dõi vệ tinh và tiếp nhận dữ liệu này. Các cơ sở hải quân, trạm đồn trú, đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông sẽ là những mục tiêu quan sát mà phía Việt Nam quan tâm.

Các quan chức quốc phòng cho rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ thể hiện đã sẵn sàng để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các nước như Việt Nam, bất chấp quan ngại cho rằng những hành động như thế sẽ làm Trung Quốc tức giận. Cả Ấn Độ và Việt Nam cùng đang hiện đại hóa quân đội do phải đối mặt với thái độ ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh. Học giả người Úc Carl Thayer, đã từng nghiên cứu về quân sự Việt Nam kể từ cuối những năm 60 bày tỏ thái độ hoàn toàn ủng hộ, cho rằng cơ sở theo dõi qua vệ tinh đặt ở Việt Nam thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ an ninh của cả hai bên khi mà lợi ích của họ hiện đang đồng nhất trong vấn đề Biển Đông và với Trung Quốc” của cả hai bên. Còn theo Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore cũng đồng tình rằng về mặt quân sự, động thái này khá quan trọng, như một bước đi để đôi bên cùng có lợi. Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ một mối quan ngại là những xung đột đã có từ lâu với Trung Quốc. Việt Nam cần công nghệ tân tiến để theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông trong khi Ấn Độ cần có một hệ thống vận hành tại châu Á mà trạm ở miền Nam Việt Nam là trung tâm thứ năm bên cạnh các trạm ở đảo Anmadan trên Ấn Độ Dương, đảo Nocobar ở Brunei, đảo Biak ở miền Đông Indonesia và quốc đảo Maurice tại Ấn Độ Dương.

Theo PTI ngày 25/1, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết trong chuyến thăm Ấn Độ hồi năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi và ông đã nhất trí một tầm nhìn chung cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là “bắt nguồn từ lợi ích chung của chúng ta trong khu vực hòa bình và thịnh vượng, nơi tất cả các nước tuân thủ các quy định chung, phù hợp với luật pháp và các nguyên tắc quốc tế, trong đó có tự do hàng hải”. Mỹ cũng thừa nhận Ấn Độ có thể góp phần làm ổn định khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và hoan nghênh mối quan hệ ngày càng gia tăng của Ấn Độ với khu vực.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trấn an dư luận bằng việc đưa ra phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Bắc Kinh hy vọng trung tâm này sẽ có những đóng góp tích cực tiến tới sự hợp tác thích hợp trong khu vực. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì nói trạm theo dõi dự kiến xây dựng không phải vấn đề quân sự.

Ấn Độ chưa ấn định thời gian khi nào trung tâm hoạt động, quan chức Ấn Độ nói “đây mới là giai đoạn mở đầu, chúng tôi vẫn đang đối thoại với các quan chức Việt Nam”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới