Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiGiẫm đạp, ăn cắp hoa: Người Hà Nội nghĩ gì

Giẫm đạp, ăn cắp hoa: Người Hà Nội nghĩ gì

Tất cả những hành vi xấu của người dân đều xuất phát từ cơ chế thị trường, tăng thu giảm chi, làm mất đi hình ảnh người Hà Nội thanh lịch.

Bản thân đã từng sống và làm việc tại Hà Nội hơn 50 năm, nên ông Vương Duy Bảo – Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) vô cùng buồn khi trao đổi với Đất Việt về câu chuyện liên quan đến nét thanh lịch của người Hà Nội hiện nay.

Đang có sự xuống cấp về văn hóa

PV:- Dù đã nỗ lực nhiều trong các chương trình trang trí đón Tết cụ thể như việc trồng hoa và đặt chậu hoa, vườn hoa Tết bên bờ hồ Gươm vẫn xơ xác chỉ sau 1 đêm giao thừa. Trước đó, dư luận cũng đã vô cùng bức xúc trước hiện tượng những chậu hoa bị mất cắp.

Từ góc độ phía nhà quản lý, ông nhìn nhận ra sao trước hiện tượng trên? Nguyên nhân nào dẫn đến những hiện tượng trên?

Ông Vương Duy Bảo: – Tôi rất buồn và xấu hổ vì không hiểu tại sao lại có những người thiếu ý thức văn hóa, thậm chí vô văn hóa như vậy. Thực trạng này xuất phát từ trong cơ chế thị trường, tăng thu giảm chi, chỉ thích thu chứ không thích chi.

Ví dụ như chậu hoa đỗ quyên từ Đà Lạt mang ra giá trị cũng chỉ vài trăm nghìn, nhưng vẫn bị mất cắp. Đó là việc làm thể hiện sự tham lam. Mà những việc làm này, người Hà Nội xưa không bao giờ có.

Còn riêng về việc hoa trang trí tại bờ Hồ bị xơ xác sau đêm giao thừa, theo tôi cũng không thể tránh khỏi, vì đất chật người đông khó tránh khỏi việc giẫm đạp, có thể chia sẻ được, vì đây là vô ý.

Như vậy, theo tôi, hành vi lấy trộm hoa mang về rất đáng trách, đáng phê phán, khó chấp nhận. Nhưng đây không phải là số nhiều, chỉ là một bộ phận vô cùng nhỏ.

Về nguyên nhân cũng rất khó nói. Chúng ta không thể nói đó là trách nhiệm của xã hội. Nếu như chúng ta vẫn dạy mỗi con người phải có tư tưởng “mình vì mọi người mọi người về mình”, tình làng nghĩa xóm, thì vấn đề giáo dục đạo đức gia đình cũng vậy.

Đây chỉ là những cá biệt chậm tiến trong xã hội, “con sâu bỏ rầu nồi canh” làm xấu mặt xã hội, còn bản chất xã hội ta rất tốt đẹp.

Vì thế cần phải lên án, phê phán mong rằng mọi người nhìn thấy, cùng chung tiếng nói cảnh báo để lần sau không tái phạm.

PV:- Không chỉ trộm hoa, giẫm hoa, trong những ngày nghỉ Tết, còn ghi nhận rất nhiều trường hợp đánh nhau phải nhập viện, ngộ độc rượu phải đi cấp cứu… Phải lý giải thế nào khi những thói xấu của người Việt lại bùng phát mạnh mẽ trong dịp này?

Ông Vương Duy Bảo: –  Riêng việc uống rượu, say rượu thì phải giáo dục về văn hóa uống rượu, uống thế nào là đủ, thế nào là vừa chứ đừng để rượu uống người.

Trong khi, những người sản xuất rượu để bán thì toàn làm rượu giả để kiếm lợi nhuận, rượu không đảm bảo chất lượng, nên người uống khi say sẽ không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến tai nạn giao thông, đánh nhau.

Chung quy chúng ta phải giáo dục đạo đức của mỗi người trong từng gia đình. Rõ ràng gia đình văn hóa là rất quan trọng.

Cũng không khó để lý giải cho việc người Việt cứ đến những dịp nghỉ lễ lại nhiều thói hư tật xấu bùng phát. Bởi vì, ngày nghỉ lễ là dịp mọi người được nghỉ ngơi. Chính ra những lúc nghỉ ngơi thì phải có nhiều hoạt động văn hóa, nhiều trò chơi, nhiều điểm vui chơi để người dân đến.

Cũng như tôi đã nói hệ thống thiết chế của văn hóa, các trung tâm văn hóa của các tỉnh thành, quận, huyện phải trở thành các cung điện văn hóa để dụ người dân đến chứ không phải các công trình văn hóa trở thành trung tâm hành chính.

RELATED ARTICLES

Tin mới