Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN thường niên lần thứ 10 vừa diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, có nhiều sự kiện quan trọng. Có người cho rằng, nổi bật trong đó là sự kiện ông Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN thống nhất sẽ nâng quan hệ Mỹ – ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Cứ nhìn ông Binden, ông Hun Sen và các nhà lãnh đạo ASEAN tươi tắn, rạng rỡ, đủ thấy sự hanh thông, suôn sẻ của của những gì nằm trong chương trình nghị sự của sự kiện quan trọng này, vừa được tổ chức tại Phnom Penh. Và trong các điều làm nên phấn chấn đó, hẳn việc thống nhất nâng quan hệ Mỹ – ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện cần được tính đến đầu tiên.
Chẳng phải tự nhiên mà thành. Nên nhớ, trước đó, từ ý tưởng đến quá trình vận động hiện thực hóa ý tưởng cũng gian truân lắm. Nội bộ 10 nước ASEAN đã khó, thậm chí, có lúc phân tán. Phân tán vì mỗi bên có khi theo đuổi một mục tiêu riêng về mặt ngoại giao, nên phải cân đong, đo đếm tứ bề.
Thống nhất được với Mỹ còn khó hơn. Lại còn chưa kể, đằng sau mỗi câu chuyện đều có những tiếng chì tiếng bấc của nước lớn láng giềng Trung Quốc. Bắc Kinh cũng muốn và đã đạt được nhất trí với ASEAN nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 24 diễn ra vào tháng 10 năm 2021.
Từ đó tới nay, mỗi khi có cơ hội, là Bắc Kinh lại đôn đáo câu chuyện để nó thành thực chất; và sâu sa hơn, họ muốn đi trước Nhà trắng một bước trong việc lôi kéo ASEAN về mình.
Éo le thay, chính cái sự đi trước đầy toan tính chiến lược đó của đối thủ Bắc Kinh khiến Washington giật mình và sốt ruột. Thế nên, họ cũng hối hả triển khai điều tương tự hẳn đã được ấp ủ từ lâu: nâng cấp quan hệ song phương với ASEAN lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều đó thể hiện rõ nhất là từ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ tổ chức tại Washington, do Mỹ chủ trì, vào tháng 5 năm nay.
Lần đó, tuy chưa công khai câu chuyện, nhưng hẳn nó phải được bàn nội bộ. Sau đó, những tuyên bố hào sảng của ông Binden, của cấp phó là bà Kamala Harris, cùng việc Washington hòa phóng “bắn” ngay 150 triệu USD hỗ trợ ASEAN trong các lĩnh vực như hạ tầng, an ninh và phòng dịch…, đã nói lên kết quả các thỏa thuận (nội bộ) đạt được giữa hai bên thành công đến mức độ nào.
Tới hội nghị Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 10 tổ chức tại Campuchia, sự việc coi như đã chính thức được khẳng định bởi những nhà lãnh đạo có tiếng nói quyết định nhất trong mỗi quốc gia thành viên.
Có thể “đọc” được gì qua các sự kiện đó?
Nhiều vấn đề, trong đó, dễ thấy nhất, là tình cảnh của ASEAN. Nói cho cùng, trong cuộc so đọ, 10 nước ASEAN, dẫu có chụm lại, cũng chẳng là gì so với Trung Quốc và Mỹ về sức mạnh kinh tế và quân sự. Nhưng vị trí địa chiến lược khiến một số quốc gia nói riêng và tổ chức ASEAN nói chung, hóa thành quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ và Trung Quốc – hai cường quốc, thời điểm này, hằm hè nhau từng tý trong cuộc tranh giành ảnh hưởng.
Với Trung Quốc, cho dù khó chịu về sự bướng bỉnh của một số nước trong vấn đề Biển Đông, nhưng xét về toàn cục, ASEAN không chỉ là một đối tác thương mại lớn, mà quan trọng hơn, còn là điều kiện để họ tiến xuống Biển Đông, làm bàn đạp vươn dài, bành trướng ra các đại dương vốn lâu nay chịu lép vế trước áp đảo của Mỹ.
Với Mỹ, ASEAN, ngoài ý nghĩa là đối tác kinh tế, còn là điều kiện để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc…
Nói cách khác, trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt đó, ASEAN ví như nạn nhân trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ. Có điều, nếu cao tay, khéo ứng xử, khai thác được lợi thế, gạt bỏ các tính toán kiểu “khôn lỏi” để đặt lợi ích cộng đồng chung lên trên, ASEAN có thể sẽ là một “nạn nhân được chiều chuộng”, gặt hái được nhiều lợi ích.
T.V