Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tái khẳng định các cam kết của Mỹ về bảo vệ Philippines – Thông tin được phát ra từ một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ.
Vị quan chức này còn cho biết: trong chuyến thăm, bà Harris cũng sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 với nội dung bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên hầu khắp Biển Đông
Bà Harris là nhà lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền tổng thống Biden thăm Philippines.
Sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte và ông Trump, quan hệ hai nước từng có lúc ông chẳng bà chuộc. Lóa mắt trước những lời hứa hẹn viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh, Manila thậm chí có lúc còn ngảnh mặt lạnh nhạt với đồng minh Mỹ. Quan hệ giữa hai bên xuống tới mức, Philippines định hủy Hiệp định Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ – văn kiện được hai bên ký từ năm 1998, có hiệu lực sau đó 1 năm – cơ sở để hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines tham gia các cuộc tập trận quân sự cũng như các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, rồi cũng đến lúc Manila cũng choàng tỉnh nhận ra sự thật.
Sự thật về món viện trợ 24 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) để vực dậy nền kinh tế Philippines đang khó khăn, chỉ là cái bánh vẽ.
Sự thật về tương lai nghiêm trọng của việc thực hiện cái gọi là dự án “phát triển tài nguyên chung với Trung Quốc trên Biển Đông”.
Sự thật về việc Trung Quốc như kẻ “miệng phật tâm xà”, chẳng hề bớt hung hãn, sẵn sàng đâm húc các tàu cá của ngư dân Philippines khi họ đang hành nghề trên các ngư trường truyền thống, trong đó, “vụ Cỏ Rong” xảy ra tháng 6/2019 khiến 22 ngư dân Philippines suýt thiệt mạng, là thí dụ điển hình…
Nhờ nhận ra sự thật đó, thay vì đơn phương phá hủy VFA bất chấp sự giận dữ của ông Trump – tổng thống Mỹ khi đó – Philippines đã chính thức khôi phục lại hiệp định này vào tháng 7/2021.
Trở lại chuyến thăm của bà Kamala Harris. Chủ động đưa ra thông tin nêu trên trước khi bắt đầu chuyến công du 3 ngày tới Philippines, vẻ như bà Kamala Harris muốn thể hiện cho Manila thấy rằng, “mặc ai nói ngả nói nghiêng”, Mỹ trước sau không chỉ là một đồng minh có trách nhiệm mà còn đầy thiện chí, chẳng thù lâu, cũng chẳng hơi đâu chấp nhặt cách ứng xử không phải phép của Manila dưới thời ông Duterte…
Những người quan tâm tới quan hệ Mỹ với đồng minh Đông Nam Á là Philippines, thời điểm này, đang rộn lên các phỏng đoán về việc Manila sẽ nghĩ gì về những thông điệp thiện chí trước chuyến thăm của bà Harris? Họ cũng cố tìm hiểu liệu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr có phấn khởi, vồ vập những hứa hẹn của Washington, khi đã có một bài học nhỡn do đặt quá nhiều niềm tin vào các lời hứa hẹn cũng thiện chí không kém như thế, từ Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng đoán, nhiều người hiện đang nghiêng về khả năng ông Ferdinand Marcos Jr, rút kinh nghiệm người tiền nhiệm là ông Duterte, sẽ giữ thái độ vừa phải, thậm chí, có thể ông chỉ sẽ tiếp nhận thịnh tình của bà Harris một cách dè dặt.
Dè dặt là bởi, với Mỹ, Philippines cũng từng nếm trải một bài học cay đắng. Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines – Mỹ (MDT) đối với Biển Đông đã có từ năm 1951, tính tới nay đã 70 năm. Vậy mà tháng 6 năm 2012, khi Trung Quốc dùng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough/đảo Hoàng Nham, nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc, Washington đã chơi bài lờ, để cho Bắc Kinh được nước?
T.V