Arlington, Va. – người đứng đầu văn phòng Chương trình Hệ thống Chiến lược của Hải quân Hoa Kỳ khẳng định rằng một trong các nhiệm vụ hiện tại sẽ sớm cho kết quả khả quan – trang bị vũ khí siêu thanh trên tàu khu trục lớp Zumwalt vào năm 2025 và trên tàu ngầm lớp Virginia vào năm 2029, mặc dù vẫn còn nhiều việc cần thực hiện.
Phó văn phòng Adm. Johnny Wolfe cho biết “thời gian rất gấp rút” bởi vì Hải quân phải chạy đua để hoàn thành việc phát triển tên lửa siêu thanh cùng với Lục quân trước năm 2023. Tiếp theo là thiết kế và thử nghiệm sự tích hợp giữa tên lửa này với phần thân và hệ thống chiến đấu của tàu USS Zumwalt trước giai đoạn đóng tàu bắt đầu từ năm 2025, khi mà vũ khí sẽ được trang bị lại cho tàu khu trục lớn. Đồng thời, các kỹ sư phải thực hiện các công việc phục vụ cho việc phóng vũ khí từ dưới biển trước khi chính thức được gắn trên các tàu ngầm lớp Virginia vào năm 2029.
Trước đó Hải quân cho biết các tàu ngầm lớp Virginia sẽ được trang bị vũ khí siêu thanh, loại mà Hải quân đặt tên là Conventional Prompt Strike, vào năm 2028. Kế hoạch giao tàu ngầm chứa tên lửa đầu tiên – Arizona tương lai với Mô dun tải trọng Virginia – sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu; tuy nhiên việc chậm trễ này không phải do vấn đề phát triển tên lửa.
Về vũ khí siêu thanh, Wolfe cho biết Hải quân và Lục quân đang phát triển với tốc độ rất khả quan để sẵn sàng ra mắt Lục quân vào năm tới. Ông Wolfe cũng rất lạc quan về tình hình công việc chung, mặc dù hai chuyến bay thử nghiệm trực tiếp trong năm qua vẫn chưa được như kỳ vọng.
Wolfe tuyên bố thành công hay thất bại là theo quan điểm của từng cá nhân. Cả hai nhiệm vụ đều đã được thêm các mục tiêu cho mỗi lần thử nghiệm tên lửa, vì vậy ngay cả khi một chuyến bay không đạt được như kỳ vọng, thì các kỹ sư vẫn học hỏi và đúc rút kinh nghiệm nhanh hơn nhiều so với một chương trình phát triển và thử nghiệm truyền thống.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân, ông Wolfe nói “Nếu chúng ta đi nhanh, và triển khai hệ thống đã phát triển năm 2018, rồi đặt chúng vào tay những người lính của chúng ta, … thẳng thắn mà nói thì chúng ta vẫn sẽ còn lăn tăn một chút và phải chấp nhận rủi ro”.
Trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 6 mang tên Chiến dịch bay chung-1, các quan chức muốn thử nghiệm hệ thống tăng cường động cơ tên lửa mới do Hải quân phát triển. Các đội phát triển cũng quyết định tích hợp phần thân lượn của vũ khí, đặc điểm này đã được chứng minh trong thử nghiệm trước đó.
Ông Wolfe cho biết hệ thống hoạt động tốt và cả hai giai đoạn đều phóng thành công. Tuy nhiên, ông nói thêm, vũ khí thử nghiệm vẫn chưa được như kỳ vọng do sự cố tích hợp.
“Trong vòng bảy tuần sau chuyến bay đó, chúng tôi đã xác định được vấn đề là gì, chúng tôi đã khắc phục và lần thử nghiệm tiếp theo sẽ tốt,” ông nói.
Trung tướng Robert Rasch, người điều hành Văn phòng công nghệ quan trọng và năng lực phản ứng nhanh của Lục quân, trước đây đã tiết lộ với Defense News rằng “nếu tất cả những gì chúng tôi làm chỉ là bắn lên một vài quả tên lửa, thì điều đó là 100% thành công. Nhưng vì đó là những cuộc thử nghiệm hiếm được thực hiện, nên mục tiêu của chúng tôi không chỉ giới hạn ở đó, chúng tôi còn có nhiều hơn thế”.
Wolfe cũng đã đề cập đến một cuộc thử nghiệm vào tháng 10 năm 2021, Flight Test-3. Ông cho biết Lục quân muốn có thêm dữ liệu để bổ sung cho một chuyến bay thử nghiệm riêng biệt và quyết định kết nối phần thân lượn của máy bay siêu âm với một hệ thống đẩy cũ đã được thiết lập trước đó. Hệ thống đẩy này đã gặp trục trặc và khiến cuộc thử nghiệm không thành công, nhưng Wolfe cho biết Quân đội đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của chương trình.
Lục quân sẽ khai thác vũ khí này vào năm tới bằng cách sử dụng phương pháp phóng nóng từ các bệ phóng trên mặt đất: động cơ tên lửa sẽ được khởi động ngay lập tức, điều này tạo ra một đám khí nóng trên mặt đất.
Bởi vì phương thức phóng nóng đó không phù hợp với các tàu Hải quân, nên một nỗ lực quan trọng trước năm 2025 là thực hiện một lượt phóng từ trên không cho tên lửa siêu thanh ở tàu khu trục Zumwalt. Không khí được điều áp sẽ đẩy tên lửa khỏi ống chứa lên một độ cao nhất định đủ lớn để khai phóng mà không làm tổn thương con tàu.
Wolfe cho biết trong quá trình thử nghiệm Hải quân tiết lộ rằng khả năng đạt được điều này là rất cao.
Phóng từ dưới biển thậm chí còn phức tạp hơn: tên lửa phải thoát ra khỏi ống chứa của tàu ngầm, bắn lên bề mặt nước và lên không, rồi khai phóng bay lên.
Wolfe cho biết Hải quân đang xây dựng cơ sở thử nghiệm phóng dưới nước ở Crane, Ind., Điều này sẽ giúp đội phát triển hiểu được thủy động lực học của tên lửa đẩy qua bệ phóng và mặt nước. Phó đô đốc lưu ý rằng một cơ chế tương tự đã được áp dụng cho chương trình vũ khí hạt nhân Trident bắn từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tên lửa Tomahawk bắn từ tàu ngầm tên lửa dẫn đường, vì vậy ông cho biết các nguyên tắc cơ bản hiện có đã đảm bảo cho việc khai phóng dưới nước thành công của Conventional Prompt Strike.
Vào năm tới, Hải quân cũng sẽ phải tìm cách kết hợp hệ thống chiến đấu của vũ khí siêu thanh mà Lục quân sẽ trang bị vào các hệ thống chiến đấu đã có trên các tàu khu trục Zumwalt và tàu ngầm Virginia.
Wolfe nói: “Chúng tôi đang trong quá trình thực hiện vì Quân đội đang cần vào năm tới, và một trong những thử nghiệm của chúng tôi sẽ được thực hiện với việc triển khai cùng một hệ thống tác chiến của Quân đội”.
Từ đó, Hải quân sẽ phải nghiên cứu xem liệu hệ thống đó có thể được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống chiến đấu của tàu hay không hay sẽ phải được giữ như một vũ khí độc lập.
Trong phần tóm tắt về công việc cần phải thực hiện, ông Wolfe cho biết nhiệm vụ không có vấn đề nào đặc biệt khó khăn, mà đơn giản chỉ là có rất nhiều việc cần làm và Hải quân đang có một thời gian biểu cực kỳ khắt khe.
Wolfe kết luận “Tất cả là vấn đề thời gian. Chúng tôi hiểu các ống tải trọng trông như thế nào. … Chúng tôi đang chuẩn bị cho những gì sẽ được đưa vào tàu Virginia và Zumwalt; hiện tại chạy đua với thời gian là cuộc chiến của chúng tôi”.
T.P