Những ngày cuối năm 2022, câu chuyện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) một lần nữa được quan tâm trở lại, trước hết là trong giới nghiên cứu quốc tế. Và thời điểm này, coi như cơ hội “sửa sai” của Campuchia đã tắt.
Hơn một năm trước, ngày 28/10/2021, ông Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương quốc Chính phủ Campuchia, đã tiếp nhận búa chủ tịch từ Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah trong Lễ bàn giao chính thức chức Chủ tịch ASEAN 2022, được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Với Campuchia, đây là sự kiện quan trọng cho việc nâng cao hình ảnh đất nước Chùa Tháp trong cộng đồng quốc tế, trước hết là các nước trong khu vực. Các nước ASEAN, ngoài những lời hân hoan có tính ngoại giao, còn kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để Phnom Penh “sửa sai” việc10 năm trước, cũng trong vai trò Chủ tịch ASEAN, nước này đã làm tan tành nỗ lực ra Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 với lý do không thống nhất được quan điểm về vấn đề Biển Đông.
Ấy là Campuchia giải thích thế. Còn lại, chuyện gì đằng sau cái “bất đồng” đó, bàn tay của Bắc Kinh nắm tay Phnom Penh như thế nào, hứa hẹn những gì, người thường còn biết, huống hồ các nhà ngoại giao lọc lõi.
Người ta càng hy vọng hơn khi trong buổi họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ngày 29/12/2021, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2022, người đứng đầu đoàn ngoại giao Campuchia là ông Prak Sokhon, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế, đã long trọng tuyên bố, chính phủ nước này sẽ tìm cách tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề địa chính trị mới nổi và xung đột chiến lược nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Đặc biệt, khi đề cập các ưu tiên cho nhiệm kỳ Chủ tịch, ông Prak Sokhon đã khiến nhiều người tràn trề hy vọng với lời nhấn mạnh rằng: việc ký kết và đưa vào sử dụng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là nhu cầu cấp thiết, đồng thời có ý liên hệ COC với dịp niệm 20 năm xây dựng bản Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC).
Tuy nhiên, những người theo sát các động thái, diễn biến câu chuyện COC đều có thể nhận ra một số dấu hiệu khác thường.
Trong khi tuyên bố Tầm nhìn chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ 2022, phát ra ngày 13/5/2022, nội dung thứ 8 mang tên “Thúc đẩy hợp tác biển”, điểm 12, ghi rằng “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Chúng tôi hoan nghênh các tiến triển hướng tới sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”, thì tới Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 25, tổ chức tại Phnom Penh ngày 12/11/2022, với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, dù Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua một số tuyên bố chung, trong đó có Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của DOC đối với hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, nhưng COC lại vắng bóng hoàn toàn trong các bản tin cung cấp cho báo chí.
Trong khi đó, vào tháng 7/2022, trong chuyến công du 5 nước Đông Nam Á, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn khẳng định Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc tham vấn về COC, và làm việc với tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra vùng biển hòa bình và hợp tác.
Trước dấu hiệu không bình thường này, nhiều người buộc phải ngao ngán nhớ lại lời của ông Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Ho vào trung tuần tháng 10/2022, rằng: ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên và đang tiến tới bản dự thảo thứ hai COC.
Ông Vương Nghị nói gì, hứa gì thì dư luận còn có thế hoài nghi. Đằng này, lại là thông tin từ ông Dato Lim Jock Ho – Tổng thư ký ASEAN kia mà? Dư luận sao không thể không hy vọng tới ngày cuối năm được thực chứng kết quả những gì ông này đã thay mặt ASEAN thông báo?
Hy vọng nhiều thì thất vọng có khi nhiều còn nhiều hơn. Câu chuyện đàm phán COC, tới thời điểm này, có thể nói đích thị như thế. Và với nhiều người tỉnh táo, thất vọng sẽ kéo dài còn lâu, một khi Trung Quốc cố tình một mình một kiểu trong việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà họ là một thành viên.
Một khi Trung Quốc đã không muốn, thì Campuchia cũng chẳng thể làm cái việc gọi là “sửa sai” đâu.
T.V