Tuesday, November 26, 2024
Trang chủQuân sựTrận chiến khốc liệt tại Bakhmut: Nga tạo thế gọng kìm, Ukraine...

Trận chiến khốc liệt tại Bakhmut: Nga tạo thế gọng kìm, Ukraine quyết cố thủ

Việc bổ nhiệm vị tướng cứng rắn này là chỉ dấu cho thấy sự hiếu chiến gia tăng của điện Kremlin.

Tướng Sergei Surovikin (giữa).

Ngày 10/10/2022, một đợt không kích dữ dội nhất kể từ lúc chiến tranh nổ ra đã giáng xuống hơn 300 làng xã và thành phố khắp Ukraine. Đó là một cách kinh hoàng để đánh dấu việc bổ nhiệm Sergei Surovikin làm Tổng chỉ huy mới của các lực lượng Nga tại Ukraine. Được đồng đội đặt biệt danh là “General Armageddon” (Tướng Ngày tận thế), danh tiếng đáng sợ của vị tướng này đã được minh chứng qua nhiều thập kỷ. Có người cho rằng Surovikin đã chỉ huy từ nhiều tháng nay, nhưng việc bổ nhiệm chính thức vào ngày 8/10 báo hiệu một chương mới khốc liệt hơn. Sergei Surovikin là ai? Và việc thăng chức của ông ta cho thấy điều gì về cuộc xâm lược của Nga?

Sinh năm 1966 tại thành phố Novosibirsk thuộc vùng Siberia, tướng Surovikin bắt đầu sự nghiệp quân sự của mình vào những năm 1980 trong lực lượng Liên Xô tại Afghanistan. Khi những người theo đường lối cứng rắn chuẩn bị một cuộc đảo chính tại Nga năm 1991, ông là một trong số ít các sĩ quan tuân lệnh tấn công những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Vị tướng này đã từng phải ngồi tù 6 tháng khi ra lệnh cho những người lính của mình giết chết 3 thường dân; các tội danh này cuối cùng đã bị xóa bỏ.

Mặc cho quá khứ rắc rối, sự thăng tiến của Surovikin được lý giải bởi tinh thần sẵn sàng thi hành mệnh lệnh. Ông ta nổi danh về sự tàn nhẫn trong hai trận đánh ở Chechnya khi được cho là đã hứa sẽ giết 3 người Chechnya cho mỗi lính Nga thiệt mạng. Đóng góp trong cuộc chiến tại Syria đã mang về cho Surovikin huân chương Anh hùng Liên bang Nga – danh hiệu cao quý nhất của nước này – và được tiến cử vào vị trí chỉ huy lực lượng không quân năm 2017 dù có ít kinh nghiệm trong lực lượng này. Hai năm sau, Surovikin chỉ huy lực lượng Nga trong cuộc chiếm đóng đẫm máu ở tỉnh Idlib tây bắc Syria. Theo số liệu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chiến dịch đã lấy đi mạng sống của 1.600 dân thường và khiến 1,4 triệu người phải di tản. Kinh nghiệm trong cuộc chiến ở Syria – nơi Nga liên minh với chế độ Syria vốn dùng vũ khí hóa học tấn công người dân, cũng khiến ông ta có quan hệ gần gũi với Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner vốn cũng tham gia trong cuộc chiến. Những tháng gần đây, Prigozhin đã vận động hành lang để Surovikin được bổ nhiệm làm tư lệnh tối cao trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Tướng Surovikin đã chỉ huy mặt trận phía Nam hồi tháng 6 và đóng góp vào một số thắng lợi quan trọng của Nga. Nhưng đến nay ông đã thất bại trong việc giữ vững khu vực Kherson, nơi quân đội Ukraine giành lại hơn 1.170km vuông lãnh thổ trong cuộc phản công từ cuối tháng 8. Nigel Gould-Davies tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng việc đề bạt Surovikin là một “lời đáp trả đối với thất bại đó”. Về mặt chính thức, ông là tổng chỉ huy đầu tiên của cuộc chiến. Với sự bổ nhiệm này, Nga dường như đang cố gắng tạo ra một nhà lãnh đạo cho đội quân đang mất tinh thần. “Quân đội cần hình tượng một nhà lãnh đạo tối cao có thể dẫn dắt họ xông pha vào chiến trường”, theo lời Dmitry Adamsky, giáo sư tại Đại học Reichman. Ông tin rằng tướng Surovikin có thể mang lại hình ảnh đó.

Việc bổ nhiệm này cũng nhằm xoa dịu một lượng người cứng rắn đang chỉ trích Kremlin quá mềm yếu đối với Ukraine. Ngoài Prigozhin, Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo của Chechnya, cũng hoan nghênh Surovikin. Cả hai đổ trách nhiệm cho những thất bại của Nga tại Ukraine lên Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Về hình thức, Surovikin được bổ nhiệm bởi Shoigu, nhưng chính Putin mới là người đưa ra quyết định. Bộ quốc phòng Anh dùng từ “tàn nhẫn và tham nhũng” để nói về Surovikin. “Điều này, kết hợp với lòng trung thành tuyệt đối, đã biến Surovikin trở thành hiện thân cho sự suy đồi của chế độ Putin”, theo lời Gould-Davies. Nếu không tạo được dấu ấn riêng, vị trí của vị tướng này có thể chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn như hai lãnh đạo trước đó, Alexander Dvornikov và Gennady Zhidko. Còn nếu thành công, Surovikin có thể nhắm tới vị trí cao nhất trong quân đội Nga: Tổng tham mưu trưởng.

Bất chấp lệnh điều động một phần của Putin, quân đội Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và trang thiết bị, chưa kể đến vấn đề tinh thần chiến đấu. Kỹ năng quản lý của tướng Surovikin vì vậy có ý nghĩa quan trọng không kém những quyết định chiến lược của ông. Vị tướng này có thể áp đặt những hình phạt khắc nghiệt hơn lên những người bất đồng và khủng bố người Ukraine để buộc họ phải phục tùng. Nhưng dù có tàn bạo thế nào đi chăng nữa, việc bổ nhiệm Surovikin cũng khó có thể giúp Nga đảo ngược được tình thế trên chiến trường.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới