Đài Loan lại ngang nhiên tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong khi Việt Nam cũng như các quốc gia khác luôn tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, muốn xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, hà cớ gì Đài Bắc liên tục gây căng thẳng?
Ngày 2/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan thông báo tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bà Hằng đã trả lời dứt khoát: Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ hoạt động tập trận bắn đạn thật ở Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và không tái diễn vi phạm tương tự. Bà nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển chung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của đất nước chúng tôi đối với quần đảo này; đe dọa hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Dư luận hoan nghênh, đánh giá cao cách trả lời dứt khoát, thái độ rõ ràng, đàng hoàng của chính quyền Hà Nội, kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép này và không tái diễn vi phạm tương tự.
Vì sao người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có thể đàng hoàng phát biểu như vậy? Nói một cách giản dị, cái gì hợp lý thì nó tồn tại, “nói phải củ cải cũng nghe”. Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam có cơ sở pháp lý từ thời xa xưa. Đài Loan chỉ bắt đầu cưỡng chiếm vào quãng giữa thế kỷ 20 và sang đầu thế kỷ 21 mới ráo riết tiến hành các hoạt động quân sự hóa.
Cụ thể là, năm 1946, trong khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang tập trung đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra thì Trung Hoa Dân Quốc đã bất ngờ cho bốn chiến hạm xuất phát từ cảng Ngô Tùng tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây ngày 29/11. Lúc này Trung Quốc còn gọi Hoàng Sa là Đoàn Sa, (chưa mang tên Nam Sa như hiện nay).
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Việt Nam được công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Trong Hiệp định, Điều 1 quy định rõ: Đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (vĩ tuyến 17). Đường ranh này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của Hiệp định.
Theo đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chính của phía Chính quyền quản lý miền Nam. Lúc ấy hai quần đảo chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp.
Ngày 1/6/1956, Ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế rồi hai tháng sau, vào ngày 22/8, lực lượng hải quân của chính quyền Việt Nam cộng hòa đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng một cột đá và trương cờ.
Trong lúc lực lượng của Việt Nam cộng hòa còn mỏng và yếu, Trung Quốc và Đài Loan đã nhìn thấy miếng mồi béo bở và nhanh chóng xua quân ăn cướp. Ngay trong tháng 10/1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Bình (đảo lớn nhất trong quần đảo này); hải quânTrung Quốc chiếm đảo Phú Lâm.
Ngày 30/3/1974, Việt Nam Cộng hòa tuyên bố khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Việt Nam cộng hòa công bố Sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.
Biết chưa phải thời cơ cưỡng chiếm, phải gần 50 năm sau sự kiện này, Đài Loan mới tiến hành một hành động trắng trợn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Vào ngày 21/1/2008, lần đầu tiên Đài Loan đã cho máy bay quân sự C-130 Hercules hạ cánh xuống đường băng vừa xây xong trên đảo Ba Bình.
Đảo Ba Bình có độ cao chừng 4m, (thấp hơn Nam Yết), diện tích 489.600m2 (gần 50ha). Điều kiện sinh hoạt trên đảo khá tốt, đất đai màu mỡ, trồng được khoai mì, rau cải, chuối… Chung quanh có san hô, mặt nước khá yên tĩnh, tàu nhỏ có thể cập bến khá tốt.
Cư dân Đài Loan sinh sống tại đây như những người ngụ cư bất hợp pháp. Việt Nam đã nhiều lần phản đối hành động cưỡng chiếm đảo Ba Bình của Đài Bắc và yêu cầu không để những hoạt động quân sự căng thẳng tái diễn.
Đòi lại Ba Bình cũng như Phú Lâm, Gạc Ma và một số đảo khác là vấn đề lâu dài và vô cùng phức tạp. Thế nhưng, Việt Nam đã bày tỏ thái độ trước các diễn đàn quốc tế, nêu rõ những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý của Hà Nội khi khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo nói chung và đảo Ba Bình nói riêng.
Đặc biệt trước những hành động vi phạm luật phát quốc tế, vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển-1982, Việt Nam cũng như các nước đang có tranh chấp chủ quyền trong khu vực đã đoàn kết, kiên quyết đấu tranh. Không đấu tranh, im lặng tức là thừa nhận, là “bán rẻ” đất của cha ông. Vì thế cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng là cuộc đấu tranh lâu dài, là nhiệm vụ cao cả trao truyền cho các thế hệ bằng cả tinh thần và lực lượng.
Lớn hơn câu chuyện đòi lại đảo Ba Bình là Hà Nội cần tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết và tỉnh táo trong một chủ trương nhất quán: giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
H.Đ