Đài Loan đã nhận thấy một vấn đề nghiêm trọng trong kế hoạch phòng thủ của nước này. Nó phức tạp hơn nhiều so với việc tăng ngân sách để mua thêm khí tài.
Quốc đảo dân chủ với 23,5 triệu dân này đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng trong việc tuyển dụng đủ nam thanh niên để đáp ứng các mục tiêu quân sự. Bộ Nội vụ cho rằng vấn đề là do tỷ lệ sinh thấp kéo dài.
Bộ này cho biết Dân số Đài Loan lần đầu tiên giảm vào năm 2020, họ đã đã cảnh báo vào đầu năm nay rằng số lượng nhập ngũ năm 2022 sẽ thấp nhất trong một thập kỷ qua và việc dân số trẻ tiếp tục giảm sẽ đặt ra một “thách thức lớn” cho Đài Loan trong tương lai.
Đó là tin xấu vào thời điểm Đài Loan đang phải vật lộn củng cố lực lượng của mình để ngăn chặn các cuộc xâm lược tiềm ẩn từ phía Trung Quốc. Đảng CSTQ ngày càng lộ rõ quyết tâm “thống nhất” hòn đảo tự trị bằng vũ lực nếu cần thiết. Cần nói thêm rằng ĐCSTQ chưa bao giờ nắm quyền kiểm soát quốc đảo này.
Và triển vọng càng trở nên không mấy tốt đẹp khi Hội đồng Phát triển Quốc gia Đài Loan công bố một báo cáo dự đoán rằng đến năm 2035, hòn đảo này có thể sẽ có ít hơn khoảng 20.000 ca sinh mỗi năm so với con số 153.820 ca được ghi nhận vào năm 2021. Đến năm 2035, Đài Loan cũng sẽ vượt Hàn Quốc để trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Những dự đoán như vậy đang gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu chính phủ có nên tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc mà những thanh niên đủ điều kiện phải thực hiện hay không. Hiện tại, hòn đảo có một lực lượng quân sự chuyên nghiệp gồm 162.000 người (tính đến tháng 6 năm nay) – ít hơn 7.000 so với mục tiêu, theo báo cáo của Viện Lập pháp. Ngoài con số đó, tất cả những người đàn ông đủ điều kiện phải phục vụ bốn tháng huấn luyện với tư cách là quân nhân dự bị.
Thay đổi yêu cầu nghĩa vụ bắt buộc sẽ là một bước tiến lớn đối với Đài Loan, vốn trước đây đã cố gắng cắt giảm nghĩa vụ quân sự và rút ngắn nghĩa vụ bắt buộc từ 12 tháng vào năm 2018. Nhưng vào thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan, Khâu Quốc Chính cho biết những kế hoạch như vậy sẽ được công bố trước cuối năm nay.
Tin tức đó đã vấp phải sự phản đối của một số sinh viên trẻ ở Đài Loan, những người đã bày tỏ sự thất vọng của họ trên PTT, phiên bản Reddit của Đài Loan, ngay cả khi công chúng ủng hộ động thái này.
Một cuộc thăm dò của Tổ chức Dư luận Đài Loan vào tháng 3 năm nay cho thấy hầu hết người Đài Loan đồng ý với đề xuất kéo dài thời gian phục vụ nghĩa vụ quân sự. Cuộc thăm dò cho thấy rằng 75,9% số người được hỏi cho rằng việc kéo dài thời hạn lên một năm là hợp lý; chỉ có 17,8% phản đối.
Nhiều chuyên gia cho rằng đơn giản là không có lựa chọn nào khác.
Ông Tô Tử Vân, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, cho biết trước năm 2016, nhóm nam giới đủ điều kiện gia nhập quân đội – với tư cách là quân nhân chuyên nghiệp hoặc quân nhân dự bị – là khoảng 110.000 người. Ông cho biết kể từ đó, con số này đã giảm đi hàng năm và tổng số có thể sẽ xuống mức thấp nhất là 74.000 vào năm 2025.
Và trong thập kỷ tới, ông Tô cho biết, số lượng thanh niên sẵn sàng cho quân đội Đài Loan tuyển dụng có thể giảm tới một phần ba.
Ông nói “Đây là một vấn đề an ninh quốc gia đối với chúng tôi. Nhóm dân số này đang giảm, vì vậy chúng tôi đang tích cực xem xét liệu có nên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ để đáp ứng nhu cầu quân sự hay không”.
“Chúng tôi hiện đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng (từ Trung Quốc), và chúng tôi cần có thêm hỏa lực và nhân lực”.
Vấn đề chính!
Tỷ lệ sinh thấp của Đài Loan – 0,98 – thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định, nhưng nó không phải là ngoại lệ ở Đông Á.
Vào tháng 11, Hàn Quốc đã phá kỷ lục thế giới của chính mình khi tỷ lệ sinh giảm xuống 0,79, trong khi Nhật Bản giảm xuống 1,3 và Trung Quốc đại lục là 1,15.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng xu hướng này đặt ra một vấn đề đặc biệt đối với quân đội Đài Loan, do quy mô tương đối của hòn đảo và các mối đe dọa mà nó phải đối mặt.
Trung Quốc đã tạo ra động thái gây hấn đối với hòn đảo này kể từ tháng 8, khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc. Không lâu sau khi bà cập bến Đài Loan, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh hòn đảo.
Kể từ đó, nhip độ vẫn ở mức cao – đặc biệt là khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản vào tháng 10 rằng “thống nhất” là không thể tránh khỏi và ông bảo lưu lựa chọn thực hiện “mọi biện pháp cần thiết”.
Chang Yan-ting, cựu phó chỉ huy lực lượng không quân của Đài Loan, nói rằng trong khi tỷ lệ sinh thấp phổ biến ở Đông Á, thì “tình hình ở Đài Loan rất khác” khi hòn đảo này đang phải đối mặt với “ngày càng nhiều áp lực (từ Trung Quốc) và tình hình sẽ trở nên gay gắt hơn.”
Ông nói thêm “Mỹ có các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Singapore không phải đối mặt với mối đe dọa quân sự nghiêm trọng từ các nước láng giềng. Đài Loan phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất và tỷ lệ sinh giảm sẽ khiến tình hình này trở nên nghiêm trọng hơn”.
Roy Lee, phó giám đốc điều hành tại Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa của Đài Loan, đồng ý rằng các mối đe dọa an ninh mà Đài Loan phải đối mặt lớn hơn các mối đe dọa ở phần còn lại của khu vực.
Ông cũng nhấn mạnh “Tình hình khó khăn hơn đối với Đài Loan, vì cơ sở dân số của chúng tôi nhỏ hơn so với các quốc gia khác đang đối mặt với các vấn đề tương tự”.
Dân số Đài Loan là 23,5 triệu, so với 52 triệu của Hàn Quốc, 126 triệu của Nhật Bản và 1,4 tỷ của Trung Quốc.
Không chỉ là vấn đề quân số
Bên cạnh nguồn chiêu mộ ngày càng thu hẹp, sự sụt giảm dân số trẻ cũng có thể đe dọa lâu dài đến nền kinh tế Đài Loan – vốn là trụ cột phòng thủ của hòn đảo.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh có trụ sở tại London, Đài Loan là nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới và có GDP là 668,51 tỷ USD vào năm ngoái.
Phần lớn sức mạnh kinh tế của nó đến từ vai trò dẫn đầu trong việc cung cấp chip bán dẫn, đóng vai trò không thể thiếu trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến máy tính.
TSMC, gã khổng lồ bán dẫn nội địa của Đài Loan, được coi là rất có giá trị đối với nền kinh tế toàn cầu – cũng như đối với Trung Quốc – đến nỗi đôi khi nó được coi là “lá chắn silicon” chống lại một cuộc xâm lược quân sự tiềm tàng của Bắc Kinh, vì sự hiện diện của nó sẽ mang lại một động lực mạnh mẽ để phương Tây can thiệp.
Lee lưu ý rằng dân số có mối liên hệ chặt chẽ với tổng sản phẩm quốc nội, một thước đo rộng rãi của hoạt động kinh tế. Ông nói, dân số giảm 200.000 người có thể dẫn đến giảm 0,4% GDP, khi tất cả các yếu tố khác đều như nhau.
“Tăng GDP thêm 0,4% là rất khó, phải nỗ lực rất nhiều. Vì vậy, thực tế là dân số giảm có thể lấy đi mức tăng trưởng đó là rất lớn,” ông nói.
Biện pháp nào?
Chính phủ Đài Loan đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm khuyến khích người dân sinh con, nhưng thành công vẫn hạn chế.
Nhà nước chi trả cho cha mẹ khoản trợ cấp hàng tháng là 5.000 đô la Đài Loan (161 đô la Mỹ) cho đứa con đầu lòng của họ và số tiền cao hơn cho mỗi đứa con tiếp theo.
Kể từ năm ngoái, phụ nữ mang thai đã đủ điều kiện được nghỉ bảy ngày để kiểm tra sản khoa trước khi sinh.
Ngoài quân đội, nhà nước cũng khuyến khích người lao động nhập cư nhằm tuyển dụng các vị trí lao động cho một nền kinh tế rộng lớn.
Thống kê từ Hội đồng Phát triển Quốc gia cho thấy khoảng 670.000 lao động nhập cư đã ở Đài Loan vào cuối năm ngoái – chiếm khoảng 3% dân số.
Hội đồng cho biết hầu hết lao động nhập cư được tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất, phần lớn trong số họ đến từ Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Lee cho biết về lâu dài, chính phủ Đài Loan có thể sẽ phải cải cách chính sách nhập cư để thu hút nhiều lao động hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những người nói rằng tỷ lệ sinh thấp của Đài Loan không có lý do gì để hoảng sợ.
Alice Cheng, phó giáo sư xã hội học tại Academia Sinica của Đài Loan, cảnh báo không nên nhận định quá sâu vào các xu hướng dân số vì chúng bị tác động bởi rất nhiều yếu tố.
Bà chỉ ra rằng chỉ vài thập kỷ trước, nhiều nhà nhân khẩu học đã cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực do bùng nổ dân số.
Và bà cho biết ngay cả khi tỷ lệ sinh thấp kéo dài, đó cũng không phải là điều xấu, vì thực ra điều này phản ánh sự cải thiện về quyền của phụ nữ.
Bà nói thêm “Việc mở rộng giáo dục diễn ra vào những năm 70 và 80 ở Đông Á đã thay đổi đáng kể địa vị của phụ nữ. Điều này thực sự khiến phụ nữ được giải phóng, họ có tri thức, học vấn và triển vọng nghề nghiệp”.
“Điều tiếp theo bạn thấy trên toàn cầu là khi trình độ học vấn của phụ nữ được cải thiện, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm.”
“Tất cả các quốc gia Đông Á này đang thực sự vò đầu bứt tai và cố gắng suy nghĩ về các chính sách và biện pháp can thiệp để tăng tỷ lệ sinh. Nhưng nếu sinh đẻ là điều mà phụ nữ nước này không muốn, thì liệu chúng ta có thể khiến họ làm như vậy không?”.
T.P