Theo số liệu điều tra công bố thời gian gần đây, một số tỉnh, thành ở Trung Quốc đã qua đỉnh dịch. Giờ đây, trọng tâm chống dịch ở nước này đã chuyển từ khu vực thành thị sang các vùng nông thôn vốn đang còn nhiều hạn chế về nguồn lực y tế.
Trong thông báo mới nhất ngày 3/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc cho biết, số ca mắc Covid-19 tại đây đã đạt đỉnh.
Thông báo nêu rõ: “Gần đây, số ca mắc Covid-19 của tỉnh đã tăng khoảng 1 triệu trường hợp mỗi ngày, dự kiến dịch sẽ bước vào thời kỳ cao điểm trong tháng Giêng. Khi Tết đang đến gần, việc di chuyển xuyên vùng của người dân sẽ tăng lên đáng kể, khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Ngoài ra, với sự điều chỉnh của chính sách nhập cảnh, nguy cơ du nhập các biến chủng mới từ nước ngoài và nguy cơ lây truyền trong nước cũng sẽ tăng lên đáng kể”.
Trước đó, thành phố Quảng Châu, tỉnh Hải Nam và Tứ Xuyên cũng tuyên bố đạt đỉnh. Ủy ban Y tế Quảng Châu ngày 1/1 cho biết, số bệnh nhân đến các phòng khám sốt trong thành phố đã bắt đầu giảm từ mức cao điểm 50.000-60.000 lượt/ngày xuống còn 19.000 lượt từ ngày 23/12/2022. Số liệu của Ủy ban Y tế tỉnh Hải Nam ngày 30/12 cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm của tỉnh đã đạt 50%. Một cuộc khảo sát online do tỉnh Tứ Xuyên thực hiện ngày 26/12 cũng cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm của những người tham gia đã lên tới 63,52% và hiện đang giảm dần.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu do bà Trần Trại Quyên, Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc và bà Phạm Tiểu Hồng, Giám đốc Trung tâm Lâm sàng Y tế Công cộng Thượng Hải công bố mới đây, đợt dịch do Omicron hiện nay ở Trung Quốc lây nhiễm vào khoảng dịp Tết Dương lịch, hiện đã bước vào giai đoạn cuối ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Trùng Khánh. Với các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, ước tính đỉnh dịch ở khu vực nông thôn và các khu đô thị vừa và nhỏ sẽ xuất hiện vào giữa đến cuối tháng Giêng.
Trong cuộc họp báo ngày 3/1, ông Mễ Phong, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết: “Hiện nay, trọng tâm công tác phòng chống dịch của Trung Quốc đã chuyển từ ‘phòng chống lây nhiễm’ sang ‘bảo vệ sức khỏe và phòng chống ca bệnh nặng’. Nông thôn là khu vực trọng điểm trong phòng chống dịch và bảo đảm dịch vụ y tế. Người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và bệnh nhân mắc các bệnh nền, mãn tính là những nhóm trọng điểm của dịch vụ y tế”,
Cũng theo ông, khu vực nông thôn Trung Quốc cần đảm bảo sự vận hành của hệ thống phòng chống dịch, cung ứng thuốc men, điều trị bệnh nhân nặng, bảo vệ người già và trẻ em, tăng cường các dịch vụ y tế hàng ngày, tập trung quản lý các nhóm trọng điểm, cung cấp dịch vụ y tế theo phân cấp phân loại, đặc biệt là phải phát huy vai trò của y học cổ truyền.
Dịch lan về nông thôn Trung Quốc trong bối cảnh các biến thể phụ của Omicron là BQ.1 và XBB phổ biến ở châu Âu và Mỹ, đồng thời có khả năng trốn miễn dịch cao, đã được phát hiện ở các ca bệnh nhập cảnh tại nhiều tỉnh, thành nước này, gây lo ngại về khả năng một đợt bùng phát khác.
Sự xuất hiện của biến thể mới, với các triệu chứng về đường tiêu hóa, như nôn mửa và tiêu chảy, đã khiến thuốc chống tiêu chảy được bán hết sạch ở các hiệu thuốc chỉ sau một đêm tại nhiều nơi ở Trung Quốc.
T.P