Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngÔng Kim Jong-un và Biển Đông

Ông Kim Jong-un và Biển Đông

Dường như Trung Quốc sẵn sàng “nhịn cái nhục nhỏ, để được lợi to”. Cái lợi to ở đây có thể là lợi thế so sánh, mặc cả với Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông.

Hãng thông tấn AP ngày 24/2 đưa tin, đàm phán cấp Ngoại trưởng Mỹ – Trung đã thất bại trong việc xoa dịu căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông, nhưng lại có “tiến bộ” trong vấn đề thỏa thuận xử lý vụ CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân đầu năm nay.

Biển Đông nóng lên, khủng hoảng Triều Tiên lắng xuống

Trên Biển Đông, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng sẽ giảm bớt sau hội đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Vương Nghị. Thậm chí Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ Harry Harris còn cảnh báo trước Quốc hội, Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông nhanh chóng.

Ngoài thực địa, Trung Quốc tiếp tục kéo chiến đấu cơ JH-7, J-11 ra đồn trú (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) sau khi lắp đặt (bất hợp pháp) tên lửa HQ-9.

Đồng thời nước này còn đang gấp rút xây dựng (trái phép) hệ thống ra đa quân sự quy mô lớn ở đá Châu Viên và có thể là cả Tư Nghĩa và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Trong khi đó Mỹ cũng đang tính toán phương án điều động pháo binh di động đến Biển Đông để đối phó.

Nhưng hai nước đã có những tiến bộ trên lĩnh vực khác. Ngoại trưởng John Kerry và ông Vương Nghị cho biết, họ đã tiến gần một thỏa thuận về nghị quyết của Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử “bom nhiệt hạch” và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng gần đây.

Trước đó Trung Quốc luôn tỏ ra miễn cưỡng trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Bình Nhưỡng, mặc dù thái độ phớt lờ Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ cũng làm Bắc Kinh không ít lần nóng mặt.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên theo AP, còn gây căng thẳng đối với quan hệ Trung – Mỹ phổ biến hơn khi so sánh với khủng hoảng quân sự ở Biển Đông.

Căng thẳng Trung – Mỹ trên Biển Đông nóng hơn từ tuần trước, khi Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) tên lửa đất đối không HQ-9 ở Phú Lâm, Hoàng Sa. Ngày Thứ Hai 22/2, giới học giả Mỹ cho hay Trung Quốc đã xây dựng ít nhất một trạm ra đa quân sự quy mô lớn (bất hợp pháp) ở đá Châu Viên, Trường Sa.

Trung Quốc đang dùng “con bài” Triều Tiên với Mỹ ở Biển Đông

Cá nhân người viết cho rằng, có lẽ không phải ngẫu nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc chịu ngậm bồ hòn trước những phát biểu và hành vi “vuốt mặt không nể mũi” của CHDCND Triều Tiên đối với Trung Nam Hải. Dường như Trung Quốc sẵn sàng “nhịn cái nhục nhỏ, để được lợi to”. Cái lợi to ở đây có thể là lợi thế so sánh, mặc cả với Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, một “biến số” trong phương trình quan hệ Trung – Mỹ. Ảnh: Yonhap.

Nhìn lại kết quả hội đàm giữa ông John Kerry và ông Vương Nghị có thể thấy điều này. Thứ nhất, phải đến khi Trung Quốc tiến hành một loạt hành vi leo thang căng thẳng trên Biển Đông khiến khu vực và Hoa Kỳ đứng ngồi không yên, Bắc Kinh mới chịu lôi câu chuyện Triều Tiên ra để đàm phán với Hoa Kỳ.

Trong lúc đó ngay sau khi Bình Nhưỡng thử “bom nhiệt hạch” hôm 6/1 hay tên lửa tầm xa hôm 7/2, bất chấp mọi kêu gọi từ Washington, Seoul và Tokyo, thậm chí ở cấp độ cao nhất, Bắc Kinh vẫn cứ án binh bất động một cách đầy bí ẩn.

Mặc dù bản thân Trung Quốc không muốn điều này xảy ra, đặc biệt là khi nó có thể kích thích Hoa Kỳ và Hàn Quốc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa THAAD trên bán. Động thái này bị Bắc Kinh cho là uy hiếp trực tiếp tới an ninh của mình. Nhưng Bắc Kinh vẫn án binh bất động với mọi kêu gọi, nỗ lực từ phía Mỹ – Nhật – Hàn.

Thứ hai, ngay cả khi quan hệ Trung – Hàn đã phát triển nồng ấm chưa từng có trước đó cũng nhanh chóng bị ảnh hưởng tiêu cực khi ông Tập Cận Bình, ông Thường Vạn Toàn không thèm trả lời điện thoại của người đồng cấp Hàn Quốc khi xảy ra các vụ thử hạt nhân miền bắc bán đảo Triều Tiên. Đó là một sự “im lặng chiến lược” có tính toán.

Đến giờ này có thể thấy, hành vi im lặng của Trung Quốc là có chủ đích, nhằm nâng cao giá trị cho quân bài Triều Tiên, để mặc cả với Hoa Kỳ trên bàn đàm phán.

Thứ ba, Bắc Kinh vẫn tiếp tục leo thang quân sự hóa Biển Đông đến giới hạn cuối cùng có thể. Và giới hạn đó có lẽ vẫn chưa đến, khi Washington còn cần tiếng nói của Bắc Kinh trong vấn đề kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng và các vấn đề khu vực, quốc tế khác.

Hơn nữa, thực chất thỏa thuận mà ông Vương Nghị chìa ra cho ông John Kerry về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn mang nặng tính nước đôi, trong đó đòi hỏi cả phía Mỹ phải nhân nhượng: Tiến hành đàm phán song song vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo với việc ký hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

Vấn đề còn lại là làm sao Bắc Kinh ép được ông Kim Jong-un theo ý mình mà tránh được khả năng Triều Tiên qua mặt, đàm phán trực tiếp, tay đôi với Hoa Kỳ. Nói gì thì nói, Bắc Kinh vẫn cần Triều Tiên làm “phên dậu” cho mình chống lại liên minh Mỹ – Nhật – Hàn đang ở ngay trước cửa.

Tuy nhiên với những gì nhà lãnh đạo này thể hiện kể từ khi lên nắm quyền đến nay có thể thấy, Trung Nam Hải không dễ gì khuất phục được ông Kim Jong-un, dù Triều Tiên phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc về kinh tế thương mại, từ năng lượng cho đến lương thực thực phẩm hàng ngày.

Không phải người Mỹ không nhận thấy điều này, nhưng có lẽ họ vẫn còn chút hy vọng vào vai trò của Trung Quốc đang “khống chế dạ dày” của Bình Nhưỡng.

Những gì ông Kim Jong-un đã nói và làm cho thấy Bắc Kinh muốn thực hiện ý đồ này cũng không phải chuyện dễ dàng. Quyết sách của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong thời gian tới sẽ là một “biến số” trong phương trình quan hệ Trung – Mỹ cũng như cục diện ở Biển Đông.

Bởi vậy người viết cho rằng, cục diện bán đảo Triều Tiên sẽ còn liên quan mật thiết đến tình hình Biển Đông, Bắc Kinh sẽ còn leo thang tiếp tục đến khi nào “chạm ngưỡng chịu đựng” của Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng sẽ vẫn là một quân cờ lợi hại để Bắc Kinh đem ra mặc cả, dẫn dắt Washington trên bàn đàm phán.

RELATED ARTICLES

Tin mới