Làn sóng dịch bệnh lần này ở Trung Quốc vô cùng khốc liệt và rất khác với tính chất lây lan của biến chủng Omicron mà các quốc gia khác đã trải qua. Quy mô của đợt dịch này rất lớn, nhưng điều khiến thế giới lo lắng nhất chính là ĐCSTQ đã che giấu những số liệu về dịch bệnh.
Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới đã học được bài học này từ ĐCSTQ, nhưng những lời nói dối của ĐCSTQ vẫn chưa dừng lại. ĐCSTQ đang đối đầu với cả thế giới, tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan trên phương diện ngoại giao.
Vào ngày 6/1, trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của ĐCSTQ thông báo rằng từ 0h đến 24h ngày 5/1, đã có 9.308 trường hợp nhiễm mới và 5 trường hợp tử vong; tổng số người tử vong do dịch bệnh là 5.264 và tổng số trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus là 471.373. Những con số này khác hẳn với 6,7 triệu ca tử vong và 663 triệu ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán vào cuối năm 2019, theo dữ liệu từ trang web của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia của ĐCSTQ có 4.634 ca tử vong vào năm 2020; 2 ca tử vong vào năm 2021; 613 ca tử vong vào năm 2022; và 15 ca tử vong tính từ đầu năm 2023.
Ông Mike Rui, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO nói với giới truyền thông vào ngày 4/1 rằng: “Chúng tôi tin rằng những số liệu mới nhất do ĐCSTQ công bố đã đánh giá quá thấp tác động thực sự của virus SARS-CoV-2 về tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ các ca bệnh nặng và đặc biệt là số liệu về các ca tử vong”.
WHO cũng cho biết Trung Quốc báo cáo có 218.019 trường hợp nhiễm mới trong năm nay, và tổ chức này đang kêu gọi Trung Quốc “cung cấp kịp thời những dữ liệu đáng tin cậy về số ca nhập viện và tử vong”. Hoa Kỳ và Châu Âu đã nhiều lần yêu cầu ĐCSTQ phải có sự minh bạch đối với các số liệu về dịch bệnh.
Đồng thời, hàng chục quốc gia đã yêu cầu những du khách nhập cảnh từ Trung Quốc phải có giấy chứng nhận xét nghiệm virus âm tính. Những quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.
Hôm thứ Sáu ngày 6/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh một lần nữa đưa ra lập luận rằng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc là “có thể dự đoán và kiểm soát được” và Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa “có đi có lại” với các quốc gia áp đặt lệnh hạn chế với Trung Quốc. Bà cũng cho biết vào hôm thứ Năm, ngày 5/1 rằng Trung Quốc đã “chia sẻ thông tin và những dữ liệu liên quan” với WHO một cách “kịp thời” dựa trên các nguyên tắc “công khai và minh bạch”.
Tại sao WHO không tin tưởng ĐCSTQ?
Dữ liệu do ĐCSTQ công bố khác với những điều do người dân tiết lộ. Hầu hết các bệnh viện trên khắp Trung Quốc đều đã quá tải, những chiếc xe tang chở thi thể xếp hàng dài trước các nhà tang lễ. Gần đây một phóng viên của The Epoch Times đã thực hiện phỏng vấn và biết được rằng số thi thể tồn đọng tại các nhà tang lễ rất nhiều, không thể hỏa thiêu kịp. Họ tìm nơi để chứa thi thể và mở rộng thêm nhiều lò hỏa thiêu lộ thiên lớn. Tại Thượng Hải và Bắc Kinh, những thành phố lớn có điều kiện y tế tốt nhất Trung Quốc cũng diễn ra thảm cảnh tương tự.
Một nhân viên của nhà tang lễ ở Thượng Hải nói với tờ The Epoch Times rằng nhà tang lễ Bảo Hưng là lớn nhất Thượng Hải, trước đây chỉ xử lý khoảng 90 thi thể mỗi ngày. Nhưng hiện tại nhà tang lễ này phải xử lý từ 400 đến 500 thi thể mỗi ngày. Ngoài ra nhà tang lễ Long Hoa cũng phải xử lý 400 thi thể mỗi ngày.
Theo thông tin được công khai, có 15 lò hỏa táng ở Thượng Hải. Những lò hỏa táng này có thể xử lý khoảng 100.000 thi thể mỗi năm. Theo số liệu này, sẽ có 274 thi thể được hỏa táng mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng hỏa táng mỗi ngày ở các lò hỏa táng của Thượng Hải đang tăng khoảng hai lần số lượng thi thể được hỏa táng bình thường trong một ngày.
Gần đây cư dân mạng đã đăng nhiều video cho thấy tình trạng quá tải ở các bệnh viện tại nhiều nơi.
Đoạn video cho thấy một nhà tang lễ ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, có rất nhiều thi thể của những người chết vì dịch bệnh.
Một cư dân mạng đã đăng một đoạn video quay lại quang cảnh một bệnh viện ở Trung Quốc đại lục và nói rằng: Đây là những thi thể hay là chất thải y tế?
Một đoạn video đăng trên Internet cho thấy tại Bắc Kinh, người ta đã gấp rút xây dựng những lò đốt xác đơn giản. “Chuẩn bị đốt, đốt tất cả… hãy nhìn những gì họ đã xây dựng…” người quay phim nói.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Vương Hách đã nói với The Epoch Times vào ngày 5/12 rằng: “Dịch bệnh ở Trung Quốc rất khốc liệt. Điều này thật kỳ lạ. Dịch bệnh đã lây nhiễm cho khoảng 100 triệu người ở Hoa Kỳ, chưa tới ⅓ dân số. Ở Hồng Kông, tỷ lệ này cũng là khoảng 1/3. Ngay cả tỷ lệ nhiễm bệnh ở các quốc gia đông dân cư của Ấn Độ, Indonesia cũng không cao lắm”.
Còn tại Trung Quốc, các chuyên gia đã nhận định tỷ lệ lây nhiễm ở Bắc Kinh có thể vượt quá 80%; Biên bản từ một cuộc họp nội bộ của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia cho thấy số người nhiễm bệnh ở Trung Quốc đã lên đến 248 triệu người trong 20 ngày đầu của tháng 12.
Theo ước tính mới nhất từ công ty phân tích dữ liệu Airfinity của Anh, số người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào tháng 1 năm 2023, với khoảng 25.000 ca tử vong mỗi ngày vào lúc cao điểm và ước tính đến cuối tháng 4 năm 2023 sẽ có 1,7 triệu người chết vì dịch bệnh tại quốc gia này.
“Điều này cho thấy diễn tiến của chúng virus ở Trung Quốc rất khác so với chủng Omicron ở các quốc gia khác trên thế giới. Thứ nhất, tốc độ lây nhiễm cực cao. Thứ hai, số ca nặng và tử vong trong đợt bùng phát ở Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với số liệu của ĐCSTQ. Tuy nhiên ĐCSTQ chỉ công nhận ý đầu tiên”, Vương Hách nói.
Thứ Tư, ngày 4/1, “Thời báo Sức khỏe” thuộc cơ quan truyền thông chính thức của ĐSCTQ “Nhân dân Nhật báo” cũng đưa tin rằng các thành phố như Bắc Kinh, Quảng Châu, Trùng Khánh, Chiết Giang và Tứ Xuyên đã vượt qua đỉnh dịch và thách thức tiếp theo đối với công tác phòng chống dịch nằm ở khu vực nông thôn. Ước tính rằng đỉnh lây nhiễm ở khu vực nông thôn sẽ xuất hiện vào giữa hoặc cuối tháng này.
Vương Hách cho rằng thông tin đỉnh dịch đầu tiên đã qua không có đủ dữ liệu để chứng minh và chúng đều là những lời nói của ĐCSTQ.
Sau ba năm thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid”, ĐCSTQ đã ban hành “Chính sách 10 điểm” vào đầu tháng 12 năm 2022, đổi tên từ “viêm phổi do coronavirus mới” thành “nhiễm coronavirus mới”, hạ cấp độ phòng dịch thành cấp độ B, và thay đổi định nghĩa tử vong do Covid-19. Định nghĩa về cái chết do dịch bệnh, việc hủy bỏ các biện pháp kiểm soát dịch cho người nhập cảnh,.v.v.. ĐCSTQ đã đột ngột từ bỏ chính sách “Zero Covid”.
Việc quay ngoắt 180 độ của ĐCSTQ đã khiến dịch bệnh bùng phát mạnh, đồng thời thả một quả bom làm chấn động thế giới. Vì sao chỉ có Trung Quốc nhiễm virus Omicron nghiêm trọng như vậy? Nhiều nhà phân tích cho rằng ba năm phong tỏa nghiêm ngặt của ĐCSTQ đã làm suy yếu khả năng miễn dịch của người dân Trung Quốc đồng thời hiệu quả của loại vaccine do Trung Quốc sản xuất cũng rất thấp.
Cho dù thế nào, Vương Hách vẫn cho rằng tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải có thái độ nghiêm túc đối với ĐCSTQ. Hoa Kỳ và WHO không nên bỏ qua cho sự thiếu minh bạch trong việc chia sẻ số liệu dịch bệnh của ĐCSTQ
Những lời dối trá của ĐCSTQ vẫn không dừng lại
So với lần đầu tiên dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, nhận thức của cộng đồng quốc tế đã có thay đổi.
Mặc dù Hoa Kỳ và các nước châu Âu không có dữ liệu thô trực tiếp về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, nhưng thế giới bên ngoài có thể nhìn thấy xu hướng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc do lượng lớn thông tin mạng ở Trung Quốc.
Vương Hách cho biết ĐCSTQ vẫn khăng khăng rằng “dịch bệnh tại Trung Quốc có thể kiểm soát được”, nhưng “bất kỳ ai có con mắt sáng suốt đều sẽ thấy điều đó không đúng. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những dữ liệu này rõ ràng là được bịa đặt một cách có hệ thống”.
Vương Hách phân tích: “Mỹ và các nước châu Âu đã rút ra được bài học từ những tháng đầu tiên bùng phát dịch bệnh tại Vũ Hán vào năm 2020. Khi đó, nếu ĐCSTQ công khai tình hình dịch bệnh, báo cáo tình hình một cách trung thực và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, thì dịch bệnh sẽ được kiểm soát và không lan rộng khắp thế giới”.
ĐCSTQ đã không còn lối thoát. Vương Hách tin rằng dịch bệnh trong ba năm qua “chất chồng những lời nói dối”. “Để che đậy những lời nói dối, họ đã tiếp tục nói dối. Nếu thừa nhận những lời nói dối trước đây, họ sẽ tự chuốc lấy thất bại. Khi đó cộng đồng quốc tế sẽ tiến hành truy tìm nguồn gốc dịch bệnh, buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm”.
Vương Hách nói rằng ĐCSTQ chỉ có thể duy trì như hiện tại. So với năm 2020, các nước Âu Mỹ và WHO đã có những tiến bộ:
“Thứ nhất, dịch bệnh hiện tại của ĐCSTQ là quá nghiêm trọng. ĐCTSQ nói rằng không có ai chết hoặc chỉ có một vài người chết nhưng các lò hỏa táng phải làm việc không ngưng nghỉ mỗi ngày. Điều này thật vô lý.
Thứ hai, Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới không có kinh nghiệm trong năm 2020, nhưng bây giờ họ đã rút ra được một bài học, “ĐCSTQ sẽ vẫn dùng những thông tin không đáng tin cậy và cần phải xác minh. Đừng nói lại những gì các bạn đã nói trong quá khứ, chúng tôi đã từng tin, nhưng bây giờ thì khác, chúng tôi không tin các bạn, vì toàn bộ dữ liệu các bạn đưa ra có thể là bịa đặt, và tôi phải kiểm tra, xác minh”.
“Thứ ba, Hoa Kỳ cũng đã học được một bài học. Nước này sẽ tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo và chú ý hơn đến dịch bệnh, điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với các chính sách hiện tại của ĐCSTQ”, Vương Hách nói.
ĐCSTQ vi phạm các chuẩn mực quốc tế và chống lại thế giới văn minh
Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia thông báo rằng những người đến từ Trung Quốc sẽ phải cung cấp giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus. Các quốc gia này lo ngại sự thiếu minh bạch về số liệu lây nhiễm ở Trung Quốc và sự xuất hiện của các biến thể virus mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng: “một số quốc gia áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc là điều hoàn toàn không có cơ sở khoa học và những hành vi này là không thể chấp nhận được”.
Vương Hách cho hay vấn đề ở đây chính là các thông tin về dịch bệnh của Trung Quốc không được minh bạch, nhưng người dân lại được phép xuất cảnh. Đây mới chính là nguyên nhân khiến các nước lo lắng.
Vương Hách cho biết, ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu, về cơ bản dịch bệnh là một vấn đề y tế và các quy trình y tế phải được áp dụng để ứng phó với dịch bệnh theo các tiêu chuẩn đồng thuận và thông lệ quốc tế. Điều này đã được thực hiện trên khắp thế giới trong hơn 100 năm qua và đã là một hệ thống hoàn chỉnh.
“Tuy nhiên, ĐCSTQ đang muốn vi phạm hệ thống hợp tác y tế công cộng này và thiết lập một hệ thống khác. ĐCSTQ đã sử dụng phương pháp tuyên truyền ở trong nước, điều này sẽ dẫn đến sự đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như giữa Trung Quốc và thế giới. Ngày nào dịch bệnh ở Trung Quốc còn chưa biến mất, thì cuộc đối đầu này vẫn sẽ còn được tiếp tục và kéo dài” ông nói.
Vương Hách tin rằng vấn đề này rất nguy hiểm. Chỉ cần quan sát xu hướng của dịch bệnh tại Trung Quốc. Nếu dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát sẽ không chỉ gây ra sự rối loạn về chính trị, kinh tế và xã hội trong nước của Trung Quốc, mà mối quan hệ của Trung Quốc với các nước khác trên thế giới cũng sẽ rơi vào tình trạng đối đầu.
Hiện WHO đang xúc tiến ký kết hiệp ước quốc tế mới về “đại dịch”, dự kiến sẽ đàm phán trên cơ sở dự thảo ban đầu vào ngày 27/2/2023. WHO dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng có tính ràng buộc pháp lý vào tháng 5/2024.
Vương Hách tin rằng Hiệp ước mới về đại dịch “đang đàm phán với cốt lõi chính là vấn đề minh bạch dữ liệu về dịch bệnh và trách nhiệm giải trình với cộng đồng quốc tế. Về điểm này, ĐCSTQ hiện đang rất bị động”.
“Vì vậy, ĐCSTQ không chỉ làm hại người dân Trung Quốc mà còn làm hại cả thế giới. Vấn đề bây giờ là mọi người đã trở lại với lẽ thường và lý trí. Giờ đây, điều này đã trở thành trọng tâm trong các cuộc đàm phán ngoại giao của ĐCSTQ với WHO và Hoa Kỳ” Vương Hách nói.
T.P