Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tỏ ra hoài nghi trước ý kiến cho rằng Trung Quốc sắp tấn công Đài Loan, dù các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan gần đây khá căng thẳng.
Theo ông Austin, Trung Quốc đang muốn tạo ra một “mức bình thường mới” xét về sự hiện diện quân sự.
“Chúng tôi đã thấy các hoạt động trên không đang gia tăng ở eo biển, thấy hoạt động của tàu xung quanh Đài Loan”, Hãng tin Reuters dẫn lời bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói ngày 12-1.
Tuy vậy, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng đây chưa chắc là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc sắp tấn công Đài Loan.
Ông nói thêm: “Nhưng các anh biết đấy, về việc đây có đồng nghĩa sắp có một cuộc tấn công hay không, tôi lại đang thật sự hoài nghi”.
Đây không phải lần đầu tiên giới chức quốc phòng Mỹ công khai bình luận về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Năm ngoái, một tướng Mỹ còn cho biết phía Mỹ lo sợ Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Ngược lại, Bộ trưởng Austin lại có xu hướng cho rằng khó có chuyện Trung Quốc sẽ sớm tấn công Đài Loan.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 10 năm ngoái, ông Austin cũng đưa ra các ý kiến tương tự phát biểu mới nhất nêu trên.
Ông cho rằng Trung Quốc muốn duy trì sự hiện diện quân sự quanh đảo Đài Loan, có các biểu hiện đáng lo ngại, nhưng nhấn mạnh: “Tôi không thấy sẽ sớm có xâm lược”.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Nhật Bản lo ngại vì tình hình Đài Loan
Ông Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa qua đã dự cuộc họp “2+2” cùng những người đồng cấp Nhật Bản.
Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh. Điều này được cho xuất phát từ mối lo ngại của Mỹ và Nhật Bản đối với việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Hôm 11-1, Mỹ tuyên bố các cuộc tấn công trong không gian sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ của họ và Nhật Bản. Washington cũng công bố việc triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến mới trên lãnh thổ đồng minh.
Hồi tháng 12 vừa qua, Nhật Bản đã công bố kế hoạch quốc phòng 320 tỉ USD. Đây là gói ngân sách lớn nhất kể từ Thế chiến II, được hiểu nhằm hiện đại hóa quân đội và sẵn sàng cho các cuộc xung đột kéo dài.
Tình hình Đài Loan là một trong những lý do khiến Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng. Suốt nửa năm nay, eo biển Đài Loan đã căng thẳng về mặt quân sự, đặc biệt sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ghé thăm đảo Đài Loan.