Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 13.1 đã cam kết phát triển khả năng phòng thủ của quốc gia Đông Bắc Á này và ra một tuyên bố chung bao gồm tình hình liên quan Đài Loan.
Trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 13.1 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida cũng đã đồng ý rằng hai nước sẽ tăng cường quan hệ an ninh và hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn nhằm đối phó ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, theo Kyodo News.
Tại Nhà Trắng, Thủ tướng Kishida nói với Tổng thống Biden rằng Nhật Bản và Mỹ đang đối mặt với một “môi trường an ninh phức tạp”, và sự thay đổi chính sách quốc phòng mới nhất của Tokyo sẽ góp phần tăng cường “sự răn đe” cùng với Washington.
Trong tháng trước, Nhật đã quyết định tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới và xây dựng khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù để ngăn chặn các cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình, trong bối cảnh “các mối đe dọa ngày càng tăng” từ các nước láng giềng Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, theo Kyodo News.
Tổng thống Biden đã ca ngợi quyết định của Nhật tăng cường năng lực phòng thủ, nói với Thủ tướng Kishida ngay từ đầu cuộc hội đàm rằng đó là quyết định “lịch sử” và Mỹ “hoàn toàn” tận tâm với liên minh an ninh song phương này.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ, hai nhà lãnh đạo cho hay: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng lập trường cơ bản của chúng tôi đối với Đài Loan không thay đổi”. Hai ông Kishida và Biden “nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế”.
Vấn đề Đài Loan vẫn sẽ là trung tâm căng thẳng Mỹ-Trung Quốc vào năm 2023
Hiện quan ngại đang gia tăng về việc Đài Loan có thể trở thành một điểm nóng quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai gần, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo này.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida còn tái khẳng định sự hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, một tầm nhìn được cho là nhằm phản ứng trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.