Trong thông báo gửi Quốc hội Mỹ hôm 13.1, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo nước này nhiều khả năng chạm ngưỡng trần nợ 31.400 tỉ USD vào ngày 19.1, buộc bộ phải có “biện pháp đặc biệt” để ngăn nguy cơ vỡ nợ.
Trong thư gửi các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện Mỹ, bà Yellen thông báo Bộ Tài chính sẽ thực thi “những biện pháp đặc biệt” về quản lý tiền mặt để trì hoãn thời gian cho đến khi Quốc hội Mỹ có thể thông qua dự luật cho phép nâng trần nợ công.
Nữ bộ trưởng thúc giục các nghị sĩ hãy nhanh chóng hành động để nâng trần nợ công để tránh đẩy chính phủ đến tình trạng vỡ nợ, mà theo dự báo sẽ rơi vào đầu tháng 6 dù bà Yellen thực thi các biện pháp trì hoãn.
“Thất bại trong việc đáp ứng những cam kết của chính phủ có thể gây ra những tác hại không thể khắc phục cho nền kinh tế Mỹ cũng như sinh kế của tất cả người dân nước này và đẩy tài chính toàn cầu đến tình thế bất ổn”, Reuters hôm 14.1 dẫn lời bà Yellen.
Đảng Cộng hòa, hiện kiểm soát Hạ viện Mỹ, cho biết sẽ sử dụng trần nợ công để buộc đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Joe Biden phải nhượng bộ và cắt giảm các khoản chi của chính phủ.
Trong khi đó, sau lá thư của bà Yellen, Nhà Trắng tuyên bố trần nợ công không phải là chuyện có thể đàm phán, mà cần được thực hiện vô điều kiện. “Chúng tôi sẽ không điều đình về vấn đề này”, người phát ngôn của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết tại buổi họp báo.
Tại buổi họp báo đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Hạ viện, ông Kevin McCarthy cho hay đã trao đổi với ông Biden về khả năng đàm phán liên quan đến trần nợ công. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện cho rằng đã đến lúc chính phủ Mỹ phải thay đổi cách thức chi tiêu.
Trần nợ công là tổng số tiền Washington được phép đi vay để chi trả cho những chi tiêu của chính phủ, trong số này có các khoản An sinh xã hội, bảo hiểm y tế Medicare, tiền lương của quân nhân…
Lần gần đây nhất Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công là vào tháng 12.2021.
T.P