Trước tình trạng dịch COVID-19 lây lan mạnh ở Trung Quốc trong khi thiếu thuốc điều trị, thuốc uống Paxlovid hiện đã trở thành món quà biếu giá trị nhất thay thế rượu Mao Đài truyền thống, thuốc giả bán tràn lan.
Ngày 16/1 dẫn nguồn Reuters đưa tin, thuốc uống chống SARS-CoV-2 Paxlovid của hãng dược Mỹ Pfizer được chính phủ Trung Quốc chính thức phê duyệt vào tháng 2/2022 đã trở thành loại thuốc “hot” chống lại làn sóng dịch. Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla tuần trước cho biết, hàng nghìn hộp Paxlovid đã được cung cấp cho thị trường Trung Quốc vào năm ngoái và hàng triệu hộp Paxlovid cũng đã được giao trong năm nay, nhưng vẫn không thể đáp ứng thị trường đông dân nhất thế giới này. Một loại thuốc uống khác là Molnupiravir được hãng Merck Pharmaceuticals cũng của Mỹ phát triển, đã được phê duyệt để bán ở Trung Quốc, nhưng hiệu quả trong việc giảm chứng nặng không bằng được Paxlovid của Pfizer.
Ngoài ra, do chính phủ Trung Quốc không cung cấp một kênh mua bán và kê đơn minh bạch cho Paxlovid, khiến những người được chẩn đoán nhiễm bệnh COVID-19 chỉ có thể dựa vào các tin tức trên truyền thông hoặc thông tin truyền miệng, thậm chí buộc phải dựa vào chợ đen thuốc nhập khẩu từ nước ngoài của tư nhân. Ngoài ra, việc thổi giá thuốc Paxlovid cũng trở thành một vấn đề lớn. Tờ Nhật báo Quảng Châu đưa tin rằng một bệnh viện địa phương ở tỉnh Quảng Đông đã thiết lập “ngưỡng” 6.000 NDT (20 triệu VND) cho việc khám sức khỏe, để được mua Paxlovid tại bệnh viện với giá 2.300 NDT/hộp (8 triệu VND).
Công ty dữ liệu y tế Airfinity tháng 12/2022 ước tính rằng Trung Quốc sẽ cần tới 49 triệu hộp thuốc uống để điều trị COVID-19 trong 5 tháng tới và chỉ riêng trong tháng 1/2023 sẽ cần hơn 22 triệu hộp. Một người họ Trần ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn của Reuters đã tiết lộ, vào đầu năm qua giới thiệu ông đã mua 2 hộp Paxlovid từ Hồng Kông cho bố mẹ già bị ung thư với giá 20.000 NDT (70 triệu VND). Trần nhấn mạnh: “Một khi có nhu cầu thực sự thì dù đắt hơn nữa cũng thấy rẻ, còn hơn để bệnh nặng phải nhập viện”. Ông tiết lộ, có người ông quen còn phải mua với giá 20 ngàn NDT/hộp Paxlovid.
Một nhà phân tích chứng khoán yêu cầu giấu tên tiết lộ, ông chủ của ông ta hiện đã đến Hồng Kông để mua Paxlovid tích trữ và đang sử dụng nó như một món quà biếu Tết, bởi vì tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay đã khiến Paxlovid có giá trị hơn so với rượu Moutai, vốn là món quà được ưa chuộng vào dịp Tết ở Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận qua thực nghiệm lâm sàng thuốc uống Paxlovid chống COVID-19 của Pfizer có thể giảm tới 90% các trường hợp bị bệnh nặng nhưng hiện loại thuốc này cung không đủ cầu; thậm chí ngay cả trong các doanh nghiệp, thuốc uống Paxlovid cũng đã thay thế rượu Mao Đài (Moutai) truyền thống, trở thành “món quà biếu Tết” giá trị nhất.
Theo trang tin Trung Quốc Zhihu, Paxlovid là loại thuốc uống điều trị COVID-19 đầu tiên được cơ quan quản lý Trung Quốc phê duyệt, giá thanh toán bảo hiểm y tế hiện tại đã giảm từ 2.300 NDT/hộp xuống còn 1.890 NDT/hộp.
Mặc dù người tiêu dùng Trung Quốc hiện có thể mua thuốc uống nội địa Azvudine và thuốc uống Molnupiravir của hãng dược Mỹ Merck đã được phê duyệt, nhưng Paxlovid của Pfizer vẫn là tâm điểm chú ý của công chúng.
So với viên nén Azvudine có giá khoảng 300 NDT/lọ, Paxlovid nhập khẩu đắt hơn. Tuy nhiên, do thiếu các loại thuốc đặc hiệu thực sự mới cho người nhiễm bệnh, Paxlovid tương đối hiệu quả hơn đã đáp ứng được kỳ vọng của đa số bệnh nhân và trở thành “thuốc cứu mạng”, thậm chí là “thần dược” trong mắt nhiều người!
Do nguồn cung khan hiếm và hạn chế nghiêm ngặt về kê đơn thuốc, mức giá 2.300 NDT/hộp Paxlovid đã tăng vọt ở các kênh không chính thức và được thổi lên thành “giá cao ngất trời”.
Một số kẻ đầu cơ thậm chí còn đưa ra mức giá 48.000 NDT/hộp và nói rằng đã bán với giá rẻ cho những người có nhu cầu, “không làm giàu khi đất nước lâm nạn”.
Tờ Financial Times của Anh trước đó đã đăng một bài cho biết sự khan hiếm của Paxlovid khiến nó trở thành món quà được những người nổi tiếng Trung Quốc hoan nghênh, và giới thượng lưu cũng dự trữ một lượng lớn Paxlovid để tặng cho các đối tác kinh doanh.
Nếu trước đây, điện thoại di động và máy tính Apple là lựa chọn hàng đầu cho quà tặng cao cấp trong dịp Tết Nguyên đán; nay Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần, cộng với tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn, chắc chắn Paxlovid sẽ vượt mặt các sản phẩm của Apple, trở thành món quà Tết được ưa chuộng. Thậm chí, có người còn cho biết Tết năm nay sẽ không nhận quà mà chỉ nhận Paxlovid!
Trong khi đó, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 17/1, với sự gia tăng nhanh chóng số lượng các trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Trung Quốc Đại Lục, mọi người đang đổ xô đi mua loại thuốc uống Paxlovid và các sản phẩm thay thế nó, trong đó phổ biến nhất là các loại thuốc generic (phỏng chế, làm nhái) của Ấn Độ. Truyền thông trong nước của Trung Quốc hôm thứ Hai (16/1) đưa tin rằng 90% thuốc generic của các hãng dược Ấn Độ làm nhái Paxlovid hiện đang lưu hành trên thị trường Trung Quốc là thuốc giả. Một số loại thuốc generic giả được đóng gói giống y như thuốc thật khiến người tiêu dùng khó nhận biết và phân biệt với thuốc thật.
Nirmatrelvir là thuốc có chứa thành phần hoạt chất trong Paxlovid có thể ức chế sự sinh sôi của virus một cách hiệu quả. Cơ quan kiểm định “Xinbodi” có trụ sở tại Thượng Hải từ giữa tháng trước đã phân tích một số mẫu thuốc generic và phát hiện ra rằng hầu hết các loại thuốc này không chứa Nirmatrelvir mà thay vào đó chứa các thành phần không hiệu quả như tinh bột và canxi cacbonat.
Theo những người trong ngành, do khó kiếm được nguyên liệu Nirmatrelvir, các công ty dược phẩm Ấn Độ đã ngay lập tức sử dụng thuốc trị cúm Oseltamivir làm thành phần chính thay thế Nirmatrelvir để sản xuất thuốc generic. Ngoài ra, phiên bản generic của loại thuốc uống chữa COVID-19 Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ sản xuất cũng bị nghi ngờ là thuốc giả, người tiêu dùng được cảnh báo cần thận trọng khi mua hàng.
T.P