Một sự kiện vừa xảy ra trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự kiện “xấu xí” do Trung Quốc gây ra hòng tiếp tục “nâng cao sức mạnh chiến đấu” của quân đội nước này.
Qua các hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy, một cơ sở phòng không của Trung Quốc vừa được đặt tại quần đảo Hoàng Sa. Theo các nhà quan sát, Quân đội Trung Quốc đã có tên lửa đất đối không sẵn sàng đặt ở mức cố định tại cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông.
Lại thêm một căn cứ xác đáng chứng minh việc Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa các hòn đảo mà họ chiếm giữ bất hợp pháp trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang ở biển Đông.
Cách đây 7 năm, vào tháng 2/2016, Trung Quốc đã bất ngờ xây dựng cùng lúc 8 bệ phóng tên lửa đất đối không, cùng một hệ thống radar cũng trên đảo Phú Lâm – đảo lớn nhất ở Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa).
Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm giữ và quản lý là khu vực tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo này từ Việt Nam sau một cuộc hải chiến hồi năm 1974. Thế nhưng, họ luôn đưa ra những “bằng chứng ma” và nói rằng, đây là quần đảo thuộc về Trung Quốc từ “thời thượng cổ” (!).
Trên đảo Phú Lâm có bốn toà nhà với mái có thể tháo rời. Một trong số các toà nhà này có mái mở bán phần cho thấy các giàn phóng tên lửa đất đối không (SAM) ở bên trong.
Một công ty về thông tin tình báo không gian (ImageSat International) đã phát hiện lần đầu sự xuất hiện của các giàn phóng tên lửa HQ-9 SAM trên đảo Phú Lâm hồi năm 2016.
Ngay từ thời đó cho đến nay, chính quyền Hà Nội luôn khẳng định: động thái quân sự hóa ở quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Trung Quốc tìm kiếm lợi ích gì trong việc đưa vũ khí tối tân ra đảo? Phải chăng đây là cuộc “mặc cả lợi ích”? Họ sẽ khẳng định rằng, toàn bộ diện tích lãnh thổ tranh chấp Trung Quốc là nước thật sự chiếm giữ. Đồng thời, khẳng định sức mạnh quân sự của nước này trong đối sánh với sức mạnh quân sự của đối phương.
Khi một quốc gia nhận thấy, vị thế của đối phương trong tranh chấp tăng lên, có nghĩa là vị thế của họ ngày càng suy giảm. Và quốc gia đó sẽ tiến hành biện pháp quân sự để khôi phục vị thế của mình, tăng cường quân sự hóa với mục đích kiểm soát toàn bộ khu vực.
Nhiều năm qua, nhất là từ năm 2016, sau khi thua kiện Philippines tại Tòa án quốc tế Liên hợp quốc, Bắc Kinh không chỉ lờ tít việc tuân thủ phán quyết của Tòa mà còn tăng cường đe dọa vũ lực, từ chối đàm phán và giải quyết bởi tòa án quốc tế. Thật là một hành động xấu xa, trơ trẽn của một quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Vì lẽ đó Trung Quốc ngày càng mất đi phẩm giá hình ảnh một cường quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Không thể “trỗi dậy hòa bình”, không thể thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” bằng những chiêu trò đe dọa hoà bình, an ninh khu vực như thế!
H.Đ