Đàm phán của các thành viên ASEAN với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là câu chuyện được bàn đi bàn lại đã hàng chục năm nay. Nhưng càng bàn thì càng rơi vào bế tắc. Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các lý do trì hoãn.
Hơn hai năm qua, Trung Quốc lấy lý do đại dịch Covid-19 hoành hành nên không thể tiến hành đàm phán. Bước vào năm 2023, đại dịch về cơ bản đã được khống chế. Để rồi xem Bắc Kinh còn nại ra cớ nào khác?
Hôm qua, 4/2, sau cuộc họp kéo dài hai ngày tại thủ đô Jakarta của Indonesia, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhằm ngăn ngừa xung đột tại vùng biển tranh chấp này.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, trong có 5 nước, 6 bên tranh chấp về chủ quyền với quần đảo Trường Sa là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaixia, Brunei và Đài Loan. Còn tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chỉ liên quan Việt Nam và Trung Quốc.
Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã nhiều lần mở các cuộc đàm phán về COC, bao gồm các chuẩn mực và các quy định để ngăn ngừa nổ ra xung đột tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thế nhưng không có sự đồng thuận.
Tại phiên họp đầu năm, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi tuyên bố là Indonesia, với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2023, sẵn sàng chủ trì các vòng đàm phán kế tiếp về COC. Vòng đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3. Các nước thành viên ASEAN cam kết sẽ kết thúc các cuộc thảo luận “sớm nhất có thể được”, đồng thời cam kết thúc đẩy việc thực hiện Bản tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Lý do Trung Quốc dây dưa trong việc đàm phán COC là do “Mỹ cố tình cản trở”. Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Washington can thiệp vào điều mà họ gọi là tranh chấp riêng giữa các nước châu Á. Cụ thể, Lầu năm góc thường xuyên điều chiến hạm và chiến đấu cơ đến Biển Đông để tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này. Thực chất, theo Bắc Kinh, “trò hề” này quá lố và quá cũ (!).
Năm nay nước chủ nhà Indonesia tuy không nằm trong số các quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, nhưng vẫn kịch liệt phản đối việc Bắc Kinh đòi chủ quyền trên một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực phía bắc quần đảo Natuna.
Theo các nhà phân tích, dù dịch Covid-19 đã tạm lui, song không vì thế mà tiến trình đàm phán COC sẽ được thúc đẩy. Ngược lại, nó sẽ tiếp tục bị trì hoãn do các tranh chấp chưa được giải quyết, cũng như sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Điều đáng lo ngại là, một khi các cuộc đàm phán đi vào thực chất, việc thương lượng sẽ trở nên căng thẳng hơn và sự can thiệp từ Mỹ và các cường quốc khác ngoài khu vực sẽ khiến cho việc đạt được đồng thuận càng trở nên khó khăn.
Trong mấy năm qua, các chuyên gia Trung Quốc và “chuyên gia quốc tế” bị Bắc Kinh mua chuộc đã có những bài viết xuyên tạc sự thật, đổi trắng thay đen, cho rằng tình hình bất ổn ở Biển Đông chủ yếu là do sự can dự và các hoạt động quân sự của Mỹ.
Với lập luận như vậy, Bắc Kinh đã chối bỏ trách nhiệm về việc gia tăng quân sự hóa, xây dựng hạ tầng, triển khai vũ khí và điều động lực lượng gây rối, chèn ép các nước yếu thế hơn ở Biển Đông.
Những tưởng đàm phán đã kết thúc vào năm 2017. Khi đó, ASEAN và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận dự thảo khung của COC. Thế nhưng, người châu Á có câu “Ba mươi chưa phải Tết”. Khi đó, Bắc Kinh đã phá đám bằng cách “móc” thêm ràng buộc qua lời phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị, rằng việc thúc đẩy COC phải đi kèm với “sự ổn định và không có can thiệp từ bên ngoài”, ám chỉ Mỹ.
Cú né này là cách để Bắc Kinh lấy cớ việc Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, tập trận…để trì hoãn quá trình đàm phán COC.
Trong khi lên án Mỹ, Trung Quốc liên tục đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Biển Đông. Bằng chứng rõ ràng nhất là, điều động hai nhóm tác chiến tàu sân bay là Sơn Đông và Liêu Ninh tập trận riêng biệt ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Đáng chú ý là, tàu sân bay Sơn Đông đã rời cảng nhà ở Tam Á, tỉnh Hải Nam để tham gia “các cuộc tập trận định hướng chiến đấu” ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc phô diễn tàu sân bay ở Biển Đông và các vùng biển lân cận nhằm thể hiện sức mạnh tàu sân bay với các bên trong khu vực cũng như dằn mặt Mỹ. Với những động thái nêu trên, có thể thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ sử dụng sức mạnh quân sự mang tính răn đe ở Biển Đông.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những gì nước này thường đề cập về “thiện ý” đối với COC. Cho nên ASEAN chớ nên hi vọng gì ở việc đàm phán, nó sẽ còn kéo dài. Bởi COC có thể là cái thòng lọng tự thít vào cổ Bắc Kinh.
H.Đ