Ba ngày qua, dư luận thế giới sôi sùng sục. Các nguồn tin chính thống và không chính thống đều bàn ngược bàn xuôi về chuyện khinh khí cầu của Trung Quốc bị không lực Mỹ bắn hạ.
Chuyện khí cầu của Trung Quốc “bỏ xác” ngoài biển khơi thì đã rõ, khỏi cần bàn cãi. Nhưng dư luận sôi sục bởi mấy vấn đề sau đây: Một, đây là khí cầu nghiên cứu khí tượng học hay là khí cầu do thám? Hai, tại sao nó lại bị bắn hạ trước chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ? Ba, quan hệ sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn biến theo hướng nào?
Để độc giả tiện theo dõi, Biendong.net xin nhắc lại đôi chút. Hôm 4/2, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc khi nó đang lượn lờ và dừng lại khá lâu trên vùng trời Myrtle Beach, bang South Carolina. Điều bất bình thường là khí cầu lượn lờ nhiều lần qua không phận phía Tây của Canada, rồi trở lại trời Mỹ. Washington nhận định, sự bất thường này chỉ có thể là hành động do thám.
Lầu Năm Góc có lý khi hoài nghi, hàng loạt địa điểm quan trọng đang bị Trung Quốc công khai do thám, như các căn cứ quân sự, khu vực nhạy cảm và đông dân cư.
Về độ cao của khí cầu, theo các dữ liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, nó bay ở độ cao của máy bay dân dụng, khiến cho nhiều chuyến bay của các hãng hàng không dân dụng phải chậm chuyến và hủy chuyến, thậm chí sân bay tại Billings phải đóng cửa. Khí cầu có kích thước lớn gấp “ba lần chiếc xe bus” – theo các nhân chứng. Không quân Mỹ đã bắn hạ thiết bị này bằng tên lửa, điểm rơi tại Myrtle Beach.
Như vậy sự kiện đã trở nên rất nghiêm trọng. Do vậy, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố hoãn chuyến thăm Bắc Kinh, vì động cơ hàn gắn những rạn nứt giữa hai cường quốc trong thời gian qua. Rõ ràng, theo ông Blinken, cây (Mỹ) muốn lặng nhưng gió (Trung Quốc) chẳng đừng (!). Lỗi hoàn toàn thuộc về nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tại sao lại cho khí cầu “nghiên cứu” về khí tượng vào lúc chuẩn bị đón phái đoàn cấp cao của Nhà trắng? Thực chất đây là hành động nhằm “do thám các địa điểm chiến lược” của Mỹ. Đó là hành động xâm phạm chủ quyền một cách trắng trợn!
Bắc Kinh gửi thông điệp gây hấn với Washington vào lúc này, là một bước đi rất phi lô-gic. Trong khi đó. Trung Quốc có nhiều vệ tinh do thám tiên tiến trên quỹ đạo cùng nhiều phương tiện khác, việc gì phải dùng đến khinh khí cầu là loại mang lại hiệu quả không cao?
Thế nhưng chính quyền Bắc Kinh lờ tịt chuyện này. Họ đổ vấy, chính Washington mới là thứ “gió độc” gây bão. Chính Bắc Kinh muốn giữ hòa khí, muốn lấp đầy hố ngăn cách giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, Washington đã có hành động thái quá và “vi phạm thông lệ quốc tế”. Khí cầu chỉ là thiết bị dân sự “phục vụ mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học”. Bắc Kinh không thừa nhận khí cầu đã chuyển hướng bay mà lấp liếm rằng: Chỉ vì “gió quá lớn” đã khiến khí cầu đi chệch đường di chuyển dự kiến của nó (!).
Sự đôi co giữa chính quyền hai nước đang rất căng thẳng, bất lợi cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Và rõ ràng nó ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự quốc tế, tạo ra những thông lệ xấu về ngoại giao. Thời toàn cầu hóa, việc giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích giữa các quốc gia chỉ nên bằng con đường ngoại giao thông qua đàm phán hòa bình, chứ không nên sử dụng giải pháp quân sự. Ở đây là hành động do thám. Nếu không phải là Mỹ hay Canada, bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ có hành động phản kháng tương tự.
Sắp tới quan hệ giữa hai cường quốc sẽ ra sao? Theo các nhà bình luận quốc tế, “vụ khinh khí cầu” của Trung Quốc rồi cũng sẽ lắng dịu, khi mà Bắc Kinh vẫn chối bai bải: đây là việc nghiên cứu khoa học bình thường. Trước sau gì hai cường quốc vẫn phải tìm cách xích lại gần nhau, tìm cách phân chia lợi ích trước mắt. Còn cái tương lai thoán đoạt ngôi bá chủ thế giới vẫn phải có những bước đi chiến lược, trong đó có vấn đề: Ai sẽ chiếm được Biển Đông, chiếm được Thái Bình Dương? Ai sẽ nắm vai trò chủ soái các liên minh?
Chuyện “Giấc mơ Trung Hoa” hay “Nước Mỹ vĩ đại” sẽ hạ hồi phân giải. Chỉ biết rằng lúc này, hai “Ông lớn” đang lừa nhau từng nước cờ. Đó chỉ là sự cố, chưa phải là dấu hiệu của vực thẳm chiến tranh. Nhưng dù sao nó cũng là hồi chuông thức tỉnh cộng đồng yêu hòa bình thế giới.
H.Đ