Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Bóng bay” xô đổ “hàng rào”

“Bóng bay” xô đổ “hàng rào”

Trong thông báo về chuyến thăm Trung Quốc dự kiến diễn ra ngày 5-6/2, ông Blinken từng khẳng định sẽ tận dụng chuyến đi ngăn căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung leo thang thành xung đột toàn diện. Vậy mà lúc này, quan hệ hai cường quốc lại trở nên căng thẳng hơn.

Ông Antony Blinken và ông Vương Nghị.

Nguyên văn ngôn từ của ông Blinken hồi đầu năm nay về chuyến thăm Trung Quốc là ông sẽ “dựng lên một hàng rào nhằm “xây dựng hàng rào bảo vệ” ngăn căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung leo thang thành xung đột toàn diện”. Cách diễn đạt trên cho thấy, nhà ngoại giao Mỹ đã coi trọng chuyến công du tới Bắc Kinh như thế nào.

Nêu thêm để thấy rõ hơn sứ mệnh của ông Blinken, chuyến thăm Trung Quốc của ông này do đích thân tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đấu mối nhân nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 năm ngoái. Nếu hanh thông suôn sẻ, đây cũng sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới Bắc Kinh kể từ năm 2020.

Hanh thông hẳn là điều cả hai bên cùng mong muốn. Là bởi, va chạm, căng thẳng, xung đột về nhiều vấn đề trong suốt gần 3 năm qua hẳn đều đã khiến hai bên mệt mỏi. Thậm chí, ngay cả Mỹ, tiếng là “trên cơ” nhờ sức mạnh vượt trội về kinh tế, công nghệ, quân sự…cũng nào dám leo tới nấc thang căng thẳng nhất để gây nên cái gọi là “già néo đứt dây”. Thất thường, có máu liều lĩnh như ông Trump thời còn “ngự” trong Nhà trắng, vung tay lên, nhưng hễ Trung Quốc ra dấu trả đũa, là “chùng” xuống, khiến dư luận cho rằng: chẳng như thiên hạ nghĩ đâu, ông Trump còn tỉnh chán, đủ để nhận biết trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, ngay cả Mỹ cũng khó có thể thắng hoàn toàn.

Còn Trung Quốc, hiển nhiên rồi: hai năm đóng cửa hoàn toàn thực hiện chính sách “không COVID” cực đoan dẫn đến những thất thiệt khổng lồ về kinh tế, nay là lúc họ muốn lấy lại những gì đã mất. Để làm điều đó, gây sự, đoạn tuyệt với Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – chỉ có dại.

Như vậy, mong muốn, thiện chí, nỗ lực hàn gắn bang giao đều có từ cả hai bên. Tuy nhiên, vụ “khinh khí cầu” đã phá hỏng, nếu chưa phải là tất cả, thì cũng là với chuyến công du tới Bắc Kinh chất chứa bao nhiêu kỳ vọng của ông Blinken.

Ông Blinken thì cho rằng, đó là khinh khí cầu do thám, “hành động vô trách nhiệm”. Cho dù sau tuyên bố “không đến Bắc Kinh vào thứ Sáu”, ông Blinken vẫn để ngỏ khả năng “đến Bắc Kinh khi điều kiện cho phép” (!), nhưng việc ông Blinken chỉ nói chuyện với ông Vương Nghị, chứ không thèm nói chuyện với “cấp dưới” của ông Vương là ngoại trưởng Tần Cương – cho thấy cái giận cái trịch thượng của Nhà trắng trước Bắc Kinh là như thế nào.

Đường đường là bậc lãnh đạo cấp cao của một cường quốc, người ví như “cáo già” ngoại giao họ Vương hẳn phải tức lên tới tận cổ, coi những lời ông Blinken là xóc óc, nhưng vẫn đành bấm bụng ôn tồn giải thích “ đó là có lời “uốn nắn” nhẹ ông Blinken rằng: Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh các bên cần duy trì sự tập trung và tránh đánh giá sai khi xử lý “những tình huống bất ngờ”.

Mềm mỏng thế thôi, chứ ai cũng biết, ông Vương chắc chắn là người đứng sau các giải thích về việc “đi lạc”, “là tình huống bất ngờ, gây ra bởi sự cố bất khả kháng, và sự thật là rất rõ ràng”…, cũng như phát ngôn hàm ý thách thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước việc Washington hoãn chuyến đi của ông Blinken, rằng: “đó là vấn đề của Mỹ và chúng tôi tôn trọng”; công kích “một số chính khách và truyền thông Mỹ lợi dụng vấn đề này để công kích và bôi nhọ Trung Quốc”…

Chưa biết tiếp theo, hai bên còn chao chát những gì; có thêm những động thái nào. Chỉ biết rằng, ông Blinken định “xây dựng hàng rào bảo vệ” ngăn căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung leo thang thành xung đột toàn diện”, thì chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi vừa qua, “cái hàng rào” mới nằm trong ý tưởng đã bị “hai quả bóng bay” – cách gọi hai khinh khí cầu Trung Quốc mà Mỹ phát hiện – xô đổ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới