Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSáng kiến an ninh toàn cầu của TQ và những hệ lụy...

Sáng kiến an ninh toàn cầu của TQ và những hệ lụy đối với Biển Đông

Phát biểu qua video tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, tỉnh Hải Nam hôm 21/4/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra Sáng kiến An ninh toàn cầu mới. Trong đó ông Tập đề cao “nguyên tắc an ninh không thể tách rời, xây dựng cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời phản đối một nước xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh cho các nước khác”.

Đáng chú ý, ông Tập nhấn mạnh thế giới nên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, đồng thời chú ý tới những quan ngại “chính đáng” về an ninh của tất cả các nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc không đề cập chi tiết cách thức thực hiện sáng kiến an ninh này.

Giới phân tích chỉ ra rằng nguyên tắc “an ninh không thể tách rời” thường được hiểu là an ninh của một quốc gia không thể tách biệt với các nước khác trong khu vực. Khái niệm này từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn khi phản đối NATO mở rộng về phía đông để phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine. Đây là lần đầu Trung Quốc đề cập tới “an ninh không thể tách rời” bên ngoài bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, dường như nhằm ám chỉ các hoạt động của Mỹ tại châu Á.

Tháng 7/2022, tại Jakarta, trong khuôn khổ chuyến công du một số nước Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu giới thiệu Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI). Ông Vương Nghị bày tỏ Bắc Kinh sẽ làm việc với các nước ASEAN để thực hiện hợp tác GSI trong các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải chung, quản lý thiên tai và chống tội phạm xuyên quốc gia, qua đó nâng cao hợp tác an ninh giữa Trung Quốc-ASEAN. Kể từ khi Tập Cận Bình chính thức đưa ra sàng kiến này, đâu là lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đưa ra những giải thích về GSI với các nước Đông Nam Á. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách tranh thủ ASEAN trong việc thúc đẩy sàng kiến này.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra những sáng kiến mang tính bao trùm lên khu vực và toàn cầu. Ngay từ những năm 1990, Trung Quốc đã đưa ra Khái niệm An ninh mới nhằm thâm nhập có chọn lọc tại từng quốc gia Đông Nam Á. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra khắp các châu lục. Mỗi khi đưa ra các sáng kiến, các giới chức Bắc Kinh đều đưa ra những lời giải thích “mỹ miều” nhằm thể hiện cái gọi là “tinh thần hợp tác thiện chí” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, trên thực tế không phải vậy, sáng kiến “Vành đai, Con đường” đã trở thành “bẫy nợ” đối với nhiều quốc gia, thậm chí đã đưa một số nước trở thành “thuộc địa kiểu mới” của Trung Quốc. Sáng kiến An ninh toàn cầu mà Tập Cận Bình đưa ra cũng có cùng mục tiêu là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu của Trung Quốc chính là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh toàn cầu, đồng thời cảnh báo rằng thế giới đừng tin vào những gì Trung Quốc nói mà hãy xem họ làm những gì.

Một là, Trung Quốc thường “nói một đằng làm một nẻo”. Trong một động thái hướng tới chủ nghĩa toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo, ông Tập nói rằng thế giới nên “chấp nhận một triết lý quản trị toàn cầu” và các quốc gia phải “bảo vệ vững chắc hệ thống quốc tế với cốt lõi là Liên hợp quốc và trật tự quốc tế với nền tảng là luật pháp quốc tế”. Thế nhưng Bắc Kinh lại chính là kẻ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế khi sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974; gây ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 và tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm 6 cấu trúc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Đặc biệt, thường xuyên uy hiếp đe dọa sử dụng vũ lực đánh chiếm Đài Loan.

Tập Cận Bình nói về việc ủng hộ Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nhưng Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hoặc cuộc đảo chính ở Myanmar đã lật đổ người đạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi. Khi đề cập an ninh toàn cầu và cải cách “hệ thống quản trị an ninh của thế giới”, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng cụm từ “toàn vẹn lãnh thổ”, song chính Bắc Kinh là kẻ không tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ với các nước láng giềng khi đã từng xâm lấn, gây ra tranh chấp, xung đột với hầu hết các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, thậm chí đã phát động chiến tranh xâm phạm lãnh thổ và vùng biển của các nước láng giềng.

Nói về tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo vệ Liên hợp quốc, song chính Trung Quốc là kẻ phá hoại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 khi xuyên tạc, bóp méo những nội dung của UNCLOS; không chấp nhận các cơ chế giải quyết tranh chấp của Liên hợp quốc; phản đối phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Một số chuyên gia cho rằng xét cục diện ở Biển Đông thì Trung Quốc lại chính là kẻ phạm luật pháp quốc tế nhiều, thậm chí trà đạp lên luật pháp quốc tế.

Hai là, thông qua Sáng kiến này, Trung Quốc tham vọng thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình một cách toàn diện hơn. Điều này đã và đang thách thức cấu trúc an ninh toàn cầu do Mỹ và các đồng minh thiết lập từ nhiều năm nay. Giới phân tích nhận định trong tương lai, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ ngày càng được xác định rõ ràng hơn bằng sự khẳng định lợi ích của nước này và khám phá những con đường mới dẫn đến sức mạnh toàn cầu, vượt qua được các điểm nghẽn do phương Tây kiểm soát.

Trong khi không tiếc lời đổ lỗi cho Mỹ về hầu hết các tệ nạn trên thế giới, bao gồm cả những ‘thói xấu’ mà Trung Quốc mắc phải, Bắc Kinh không ngừng ca ngợi Sáng kiến An ninh toàn cầu của Tập. Trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Bác Ngao và các tuyên bố sau đó được đăng tải trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc không ngượng ngùng ca ngợi về Sáng kiến ​​An ninh toàn cầu khi nói rằng “sáng kiến ​​này đóng góp trí tuệ của Trung Quốc để bù đắp cho thâm hụt hòa bình hiện nay”.

Vào hùa với những giọng điệu đó, truyền thông Trung Quốc còn lớn tiếng nói rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ tuyên bố quyền bá chủ, tìm kiếm sự bành trướng hoặc phạm vi ảnh hưởng, cũng như không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang”. Thế nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tục có những hành vi xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông, uy hiếp đe dọa tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông, ngăn cản các hoạt động thăm dó khai thác dầu khí hợp pháp của các nước ở Biển Đông.

Ba là, Trung Quốc tăng mạnh ngân sách quốc phòng với tham vọng đưa Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc thành lực lượng mạnh hàng đầu thế giới phải chăng là để thúc đẩy Sáng kiến An ninh toàn cầu như ông Tập Cận Bình đề ra? Giới chuyên gia quân sự đều cho rằng mục tiêu hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội của Trung Quốc, nhất là lực lượng hải quân là nhằm phục vụ cho cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” do chính ông Tập đề ra, tiến tới thống trị toàn cầu, đưa Trung Quốc trở thành “trung tâm của thế giới.

Giới quan sát cho rằng thực chất Sáng kiến An ninh toàn cầu của Tập Cận Bình không có gì mới mẻ và rất mơ hồ. Ông Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế ở Washington, cho rằng Sáng kiến mới này của ông Tập có thể là nỗ lực quảng bá chính sách đối ngoại của Bắc Kinh như một giải pháp cho bất ổn toàn cầu hiện nay để ngụy biện cho những toan tính bá quyền, đaị hán của giới cầm quyền ở Bắc Kinh.

Với Biển Đông, việc đẩy mạnh quân sự hóa của Trung Quốc đồng thời tìm cách đẩy Mỹ và các nước khác ra khỏi Biển Đông không phải là để đảm bảo an ninh cho khu vực mà là để Bắc Kinh dễ bề hoành hành bắt nạt, cưỡng ép các nước nhỏ bé trong khu vực. Giới phân tích cảnh báo với Sáng kiến An ninh toàn cầu mà ông Tập đưa ra, Bắc Kinh có thể theo gót Moscow viện dẫn cái gọi là “an ninh không thể tách rời” để phát động chiến dịch quân sự ở Biển Đông. Ông Li Mingjiang, phó giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nói rằng “Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ và đồng minh phớt lờ quan ngại an ninh của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông, họ có thể viện dẫn khái niệm ‘an ninh không thể tách rời’ để tìm biện pháp đáp trả”. Do vậy, có thể thấy Sáng kiến An ninh toàn cầu đang tạo ra mối đe dọa đối với an ninh ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới