Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là chỗ dựa cho nền kinh tế khu vực, song nhu cầu yếu ở Mỹ và EU sẽ là vấn đề đối với các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc và ASEAN.
Giới chuyên gia cho biết, những lo ngại về cuộc suy thoái toàn diện tại Châu Á sẽ được xoa dịu khi tăng trưởng kinh tế của khu vực dự kiến được “thay áo” trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi du lịch và tăng lãi suất trên toàn cầu vẫn chứng kiến những bước đi chậm chạp.
Sau khi IMF nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, một số chuyên gia kinh tế đã có cái nhìn tích cực hơn đối với khu vực. Theo đó, họ đánh giá Châu Á có những bước tiến đáng kể so với Mỹ và EU – những nền kinh tế có khả năng cao bước vào suy thoái trong năm nay.
Trong khi Mỹ và EU được IMF dự báo tăng trưởng lần lượt 1,4% và 0,7% thì một số nước Châu Á có khả năng chứng kiến GDP 5,2%. Trung Quốc mở cửa trở lại tiếp tục mang đến những kết quả tích cực khi du lịch của các nước trong khu vực được phát triển trong điều kiện thuận lợi bất chấp những khó khăn toàn cầu.
“Nhìn chung, kinh tế Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2023 với sự hỗ trợ đáng kể từ Trung Quốc, song, có khả năng một số quốc gia sẽ bị giậm chân tại chỗ, nhưng không quá nhiều” – chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bà Alicia Garcia-Herrero, nhận định
Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng nâng mức dự báo tăng trưởng cho khu vực khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo ông Irfan Qureshi – chuyên gia kinh tế tại ADB: “Châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu với GDP trong khoảng 4,2%. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh chóng có thể gây áp lực lên giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu, cản trở nỗ lực giảm lạm phát của các ngân hàng trung ương trong khu vực”.
Điểm sáng hy vọng từ Trung Quốc cũng không thể cứu vãn mối đe dọa xuất khẩu yếu khi các nền kinh tế phát triển thu hẹp nhu cầu. “Những nền kinh tế ít phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài như Ấn Độ và Philippines sẽ vượt qua “cơn bão” tốt hơn. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Việt Nam có khả năng chịu thiệt hại nhiều hơn một chút” – bà Alicia nói thêm.
Trong bối cảnh lạc quan chung đối với toàn Châu Á, sự yếu kém trong xuất khẩu của khu vực vẫn là mối lo ngại lớn. Khoon Goh – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Châu Á tại ngân hàng ANZ – cho biết: “Chỉ có Indonesia và Malaysia trụ vững trong làn sóng xuất khẩu chậm nhờ giá hàng hóa cao. Chắc chắn rằng xuất khẩu yếu kém sẽ trở thành lực cản chính đối với tăng trưởng trong đầu năm nay”.
Trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch hơn là xuất khẩu. Các nhà kinh tế tại IMA Asia – một diễn đàn dành cho CEO cấp cao của khu vực – cho hay, tốc độ phục hồi du lịch trong năm nay có khả năng vượt quá mong đợi. “Điều này đặc biệt quan trọng đối với Đông Nam Á, nơi du lịch chiếm 10 – 20% nhu cầu trước đại dịch”, IMA cho biết trong Bản tóm tắt điều hành Châu Á – Thái Bình Dương.
IMA Châu Á đã nâng dự báo phát triển của khu vực để phù hợp với IMF, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, Malaysia và Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị từ các cuộc bầu cử bất ổn. Đồng thời, lạm phát giá hàng hóa do xung đột tại Ukraina cũng đang gây nhiều tổn hại cho kinh tế khu vực.
T.P