Cuộc khẩu chiến không ngừng nghỉ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp diễn. Và xem ra hai cường quốc “ném đá” nhau khá là mất bình tĩnh. Theo quan sát của các nhà phân tích, bắt đầu từ các mảnh vỡ khinh khí cầu mà rạn vỡ mối quan hệ Mỹ-Trung đang được hai bên cố công hàn gắn.
Thế giới ngày nay thật nhiều bất trắc. Các cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng và diễn biến khó lường. Cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách “dạy khôn” cho Nga và Ukraine tìm đến đàm phán, chấm dứt cuộc chiến tranh điên rồ đã kéo dài gần một năm nay. Thế nhưng, đó là bàn chuyện người, còn chuyện nhà thì bất đồng lớn giữa hai nước lại không thể giải quyết được.
Sự kiện ồn ào suốt mấy hôm nay về chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ được nối dài bởi những phản ứng lúng túng và thiếu chuyên nghiệp và thiện chí của cả hai bên. Vẫn là điệp khúc “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Hai anh nhà giàu choảng nhau, còn hàng xóm thì có vẻ như đang giữ im lặng. Thôi thì “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Một mai cái khinh khí cầu “to bằng ba cái xe buýt” của ông Bắc Kinh kia lượn đến bầu trời nhà mình thì hẵng hay (!).
Những phản ứng nối dài sự kiện ấy là: Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố hoãn chuyến thăm Trung Quốc vô thời hạn; Bắc Kinh từ chối đáp ứng đề nghị của Washington về một cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa; cơ quan chức năng Mỹ nỗ lực thu gom mảnh vỡ từ khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn rơi và dự định sẽ gửi những mảnh vỡ này đến FBI để điều tra; Trung Quốc tổng xỉ vả Mỹ, gửi Công hàm phản đối và yêu cầu phía Mỹ trả lại các mảnh vỡ và thiết bị của chiếc khinh khí cầu bị bắn hạ.
Xem ra cuộc ăn miếng trả miếng giữa hai “ông lớn” chưa dễ dừng lại. Các tổ chức đa phương quốc tế cũng không muốn làm trọng tài khi chưa đủ tài liệu điều tra. Thế cho nên, cuộc chiến thông tin đang phát huy thế mạnh bằng những thông tin được đưa ra thiếu kiểm chứng và những lý lẽ khi mập mờ, lúc áp đặt.
Chẳng hạn, bà Mao Ninh – Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình”, nhưng vẫn vớt vát khi kêu gọi Mỹ cùng với Trung Quốc “đưa quan hệ song phương trở lại con đường phát triển lành mạnh và ổn định”.
Còn Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc thì viết: “Một chiếc khinh khí cầu bay lạc đã khiến Mỹ – một siêu cường phô trương sức mạnh quân sự trên khắp thế giới – phản ứng như thể phải đối mặt với một kẻ thù đáng gờm. Đây là khinh khí cầu dân sự hoàn toàn vô hại dùng để nghiên cứu khí tượng, bị gió thổi và vô tình đi vào không phận Mỹ… Điều này vạch trần Mỹ là một con hổ giấy”.
Phía Mỹ, đích thân Tổng thống Joe Biden trong bài diễn văn về Tình trạng Liên bang trước Quốc hội lưỡng viện đã rất cứng rắn. Ông tuyên bố: “Mỹ sẽ không để Trung Quốc hù dọa! Mỹ đang trong thế mạnh nhất từ nhiều thập niên qua để cạnh tranh với Trung Quốc, hoặc với bất kỳ quốc gia nào khác”. Thế nhưng Tổng thống Mỹ cũng mềm giọng một chút khi nói thêm, Washington chỉ cạnh tranh chứ không muốn có xung đột với Bắc Kinh.
Tức là cả Mỹ và Trung Quốc vẫn muốn hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước. Hai “Ông lớn” đã chán trò chơi “Tổng bằng 0”, nghĩa “bạn thua và tôi thắng hay bạn thịnh vượng và tôi suy tàn”. Phải làm sao đây để hai bên cùng thắng.
Đấy là lý thuyết về thời kỳ cạnh tranh trong hòa bình. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là lý thuyết. “Vụ khinh khí cầu” không dừng lại ở nhận xét “giọt nước tràn li” mà qua những hành xử vừa rồi cho thấy, cả hai bên đã vô tình đập vỡ cái li. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên thuộc về Trung Quốc. Họ đưa thiết bị khoa học đến “nghiên cứu khí tượng”, hay là nhằm điều tra năng lực phòng không của đối phương, sâu xa hơn là phép thử phản ứng của Mỹ?
Nhà cầm quyền Bắc Kinh không trực tiếp lên tiếng như Tổng thống Mỹ. Mọi lý lẽ mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Thời báo Hoàn Cầu đưa ra chỉ là ngụy biện.
H.Đ