Đài CCTV mới đây ngang nhiên đưa tin Trung Quốc đã mở các siêu thị trên 3 thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp và xây dựng thành đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cụ thể, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 8.2 đưa tin những siêu thị nói trên đã được đặt tại các căn cứ quân sự trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa, theo tờ South China Morning Post ngày 11.2.
Siêu thị đầu tiên được khai trương vào cuối năm 2020 trên đá Chữ Thập, cho phép các binh sĩ Trung Quốc đóng trú phi pháp ở đó mua nhu yếu phẩm hằng ngày, thay vì chờ tàu tiếp tế mỗi tháng.
Siêu thị trên đá Chữ Thập còn có góc đọc sách, quán cà phê, phòng giặt ủi và phòng karaoke, theo PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng 7 thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp trong quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo phi pháp.
Đến năm 2015, Bắc Kinh nói đã ngừng hoạt động bồi đắp đất ở Biển Đông, nhưng đã có báo cáo rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố những thực thể đó bằng các căn cứ quân sự tiên tiến cũng như hệ thống tên lửa, radar, đường băng và máy bay chiến đấu, theo South China Morning Post.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 9.6.2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trước đây không lâu, hồi tháng 7/2022, Trung Quốc cũng đã triển khai trái phép lực lượng cứu hộ tại quần đảo Trường Sa.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc mới đây ra thông cáo đã triển khai lực lượng tìm kiếm và cứu hộ ở khu vực quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ cái gọi là “dịch vụ công ích cho khu vực”.
Đây lại là một bước mới của Trung Quốc nhằm tìm cách kiểm soát trái phép quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo thông cáo, “Đội Cứu hộ Hàng không số hai ở Nam Hải” và “Trung tâm Tìm kiếm và Cứu nạn Hàng hải Nam Sa” vừa qua đã được triển khai đến khu vực quần đảo Trường Sa để “hỗ trợ nhiệm vụ cứu hộ và hàng hải khẩn cấp trong khu vực, đồng thời giám sát an toàn giao thông hàng hải và ô nhiễm tàu biển trong khu vực”.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã cho mở các Văn phòng phụ trách vấn đề hàng hải ở đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử, Chử Bích và Mỹ Tế tiêu). Đây là các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc tuyên bố rằng những nỗ lực chung này có thể giúp đảm bảo an toàn hàng hải cũng như các hoạt động sống và làm việc bình thường của người dân sinh sống trong khu vực; cam kết đây là “dịch vụ công” mà Trung Quốc đang cung cấp cho cộng đồng quốc tế; đồng thời cho thấy nước này đang chủ động thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế. Bộ này còn nhấn mạnh, đây là minh chứng cho “nguyên tắc phát triển hòa bình, chứng tỏ Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở Biển Đông”.
Việc Trung Quốc triển khai trái phép lực lượng cứu hộ tại khu vực quần đảo Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Hơn nữa, động thái này còn giúp Bắc Kinh biến việc triển khai tàu cứu hộ trong khu vực từ việc thực hiện theo yêu cầu thành cơ chế hiện diện thường trực, cho phép Bắc Kinh gia tăng đáng kể sự diện ở các vùng biển tranh chấp, đồng thời giúp cải thiện khả năng giám sát và kiểm soát ở khu vực phía Nam Biển Đông, góp phần phục vụ mưu đồ khống chế vùng biển chiến lược này.
Đó là một chiêu trò của Trung Quốc mà nhiều chuyên gia quốc tế từng cảnh báo. Theo đó, Bắc Kinh tự ban hành các chính sách, quy định hành chính nhằm hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, vốn đã bị Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague bác bỏ.
Như Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Honolulu, Mỹ) từng chỉ ra cách tiếp cận của Trung Quốc pha trộn các yếu tố cưỡng chế với các yếu tố hợp tác, sử dụng sự hợp tác để thu hút và bẫy đối phương vào sự cưỡng chế. Trung Quốc có thể cung cấp các cơ sở của mình trên đảo nhân tạo cho các lợi ích chung trong khu vực, làm bàn đạp cho các hoạt động nhân đạo hay hợp tác nhằm gây sự chú ý cao và lôi kéo các quốc gia khác trong khu vực.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp phục vụ mưu đồ trên, chẳng hạn lệnh cấm đánh bắt cá, quy định an toàn hàng hải, tổ chức các chương trình du lịch phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Trung Quốc cũng tổ chức nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa mà thực chất theo nhiều chuyên gia là nhằm phục vụ ý đồ quân sự.
T.P