Dưới đây là hành trình ghé thăm những địa điểm ít người biết tới, vẫn còn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc ở Vịnh Hạ Long, giúp du khách khám phá kỳ quan thiên nhiên này “đỉnh” như dân bản địa.
Dưới đây là bài viết của Anita Rao Kashi, phóng viên South Morning China Post về chuyến đi của cô cùng bạn bè đến Vịnh đảo nổi tiếng của Việt Nam:
Thuyền của chúng tôi đang nhẹ nhàng lướt trên làn nước ở Vịnh Hạ Long, một địa điểm được rất nhiều du khách ghé thăm. Ngoài tiếng kêu gần như không thể nhận thấy của máy phát điện dưới boong tàu, tất cả những gì xung quanh khiến chúng tôi tưởng chừng như đã “rời xa” cuộc sống hiện đại.
Buổi sớm, những đoàn người chen chúc lên các tàu du lịch đủ kích cỡ. Trước khi đại dịch xảy ra, khoảng 6 triệu khách du lịch đã đến thăm Vịnh Hạ Long hàng năm và có lẽ năm nay cũng sẽ đông đúc như vậy.
Một con tàu nhỏ chở tôi và khoảng 10 hành khách khác từ bến tàu tới du thuyền Dragon Legend của công ty du lịch Indochina Junk.
Du thuyền màu trắng với đường viền màu nâu và vàng, gồm ba boong – hai cabin và ở trên là nhà hàng, quầy bar, khu tắm nắng và spa. Nội thất bên trong được thiết kế theo phong cách truyền thống, đậm chất văn hóa Việt Nam. Những chiếc ghế gỗ trang nhã và giường ngủ quay ra cửa sổ lớn, trên bệ cửa có đặt những bức tượng truyền thống. Khu vực phòng tắm với bồn tắm có cửa sổ hướng ra vịnh.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã bắt đầu lên đường đi về phía đông bắc, đến Vịnh Bái Tử Long. Lúc này thời tiết quang đãng và bầu trời như bừng sáng. Những núi đá vôi sừng sững vô cùng ấn tượng. Nhìn gần, các bề mặt đá vôi lởm chởm được bao phủ bởi cây cối rậm rạp. Chim chóc bay lượn phía trên tạo nên vẻ đẹp đầy sống động.
Trải rộng hơn 1.550 km vuông, Vịnh Hạ Long và hơn 2.000 đảo xung quanh đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới vì giá trị thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Vào buổi chiều, chúng tôi dừng chân tại một núi đá vôi lớn với những bậc thang bằng đá quanh co uốn lượn dẫn đến lối vào hang Thiên Cảnh Sơn, một thế giới của những thạch nhũ đá vôi hình thành từ hàng nghìn năm trước. Thiên Cảnh Sơn gồm 3 hang động với nhiều nhũ đá, măng đá, trần hang có thạch nhũ lung linh rủ xuống như những chiếc đèn.
Bầu không khí ở đây rất tĩnh lặng, chỉ nghe được tiếng bước chân của chúng tôi. Hướng dẫn viên cũng kể lại những truyền thuyết liên quan đến hang động, các núi đá vôi và lý do vì sao lại có cái tên “Vịnh Hạ Long”.
Bước ra khỏi hang, tôi ngỡ ngàng khi thấy một bãi cát trắng mịn, những con sóng vỗ rì rào và làn nước biển trong vắt với những chú cá nhỏ tung tăng bơi lội. Ở đây không khí thật trong lành. Chúng tôi nằm dài trên bãi cát mềm, tận hưởng làn gió mát lành và ngắm nhìn những núi đá vôi hình con sóng .
Khi mặt trời lặn, chúng tôi trở lại thuyền để thưởng thức một bữa thịnh soạn với các món ăn từ hải sản và cùng nhau chơi trò chơi, thú vị hơn nữa là các thành viên của thủy thủ đoàn cũng cùng tham gia.
Màn đêm buông xuống, xung quanh tĩnh lặng và tối đen như mực, con thuyền tiến sâu hơn vào vịnh và thả neo. Mặt trăng như mọc lên từ phía sau núi, phản chiếu hình trăng khuyết lên mặt nước lấp lánh.
Một cơn gió lạnh thổi qua boong tàu, tôi rúc sâu hơn vào chiếc áo khoác của mình. Ngắm nhìn khung cảnh tĩnh lặng xung quanh khiến tâm hồn như được “gột rửa” và trở nên bình yên hơn. Thời gian dường như đứng yên và rồi một đám mây trôi ngang qua mặt trăng khiến tôi choàng tỉnh.
Sáng hôm sau khi thức dậy, thuyền đã đi tới gần Vung Viêng, một làng chài nhỏ nổi trên mặt nước mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị.
Sau bữa sáng chúng tôi ghé thăm một ngôi làng cổ. Dân làng chèo thuyền đưa chúng tôi tới những ngôi nhà nổi trên mặt nước, người dân ở đây chủ yếu làm công việc nuôi trồng thủy sản, như đánh bắt mực và nuôi ngọc trai.
Khi mặt trời lên cao, chúng tôi khám phá các hòn đảo nhỏ xung quanh và quan sát sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây.
Sau hai ngày khám phá Vịnh Hạ Long, chúng tôi trở lại bến tàu. Dù đã quay về với nhịp sống hối hả, nhộn nhịp nhưng tâm hồn tôi vẫn vương vấn tiếng sóng vỗ rì rào và ánh nắng lung linh trên mặt biển.
T.P