Wednesday, November 20, 2024

Bán khống là gì?

Bán khống thuộc hàng các nghiệp vụ lâu đời nhất trong giao dịch cổ phiếu. Năm 1602, Công ty Đông Ấn Hà Lan trở thành công ty đầu tiên bán cổ phần ra công chúng. Đến năm 1608, Isaac le Maire, một cựu giám đốc bất mãn của công ty này đã lập ra một nhóm để bán cổ phiếu chưa sở hữu nhưng sẽ được bán trong tương lai, sau đó tung tin đồn về công ty để kéo giá xuống. Khi cổ phiếu đến hạn thanh toán, nhóm này có thể mua chúng từ thị trường với giá thấp hơn giá bán ra, từ đó thu lợi nhuận. Khi biết được việc này, Đông Ấn Hà Lan đã gọi mánh khoé trên là “hành vi thấp hèn” và “có hại cho nhà đầu tư, đặc biệt là các góa phụ và trẻ mồ côi” có cổ phần trong công ty của họ. Vậy bán khống là gì – và nó lợi hay hại?

Ngày nay, bộ công cụ của các tay giao dịch bán khống – những người đặt cược vào giá tài sản giảm – đã thu hẹp đáng kể. Chẳng hạn, hành vi tung tin đồn của Le Maire sẽ bị coi là thao túng thị trường bất hợp pháp, và các quy định được đưa ra sau khủng hoảng tài chính 2007-2009 sẽ buộc ông phải vay cổ phiếu trước khi bán chúng. Để thay đổi chiến lược, các công ty bán khống giờ đi tìm các công ty mà họ tin là được định giá quá cao, có thể vì thị trường quá lạc quan hay lừa đảo trắng trợn. Những nhà bán khống thành công thường mô tả công việc của họ như nhà báo điều tra: hàng tháng hoặc hàng năm tìm kiếm tài liệu và nói chuyện với các nguồn tin để phát hiện ra những hành vi sai trái mà những người khác bỏ sót.

Sau khi đặt cược, họ sẽ công bố các “báo cáo ngắn,” đưa ra bằng chứng để thuyết phục các nhà đầu tư khác bán ra nhằm kéo giá cổ phiếu của con mồi xuống. Một ví dụ điển hình là Hindenburg Research, công ty vào ngày 24 tháng 1 năm 2023 đã cáo buộc Adani Group, một tập đoàn Ấn Độ khổng lồ do một trong những người giàu nhất thế giới điều hành, về hành vi gian lận và thao túng giá cổ phiếu. (Adani phủ nhận các cáo buộc và đưa ra một phản bác dài 413 trang gọi báo cáo của Hindenburg là “toàn dối trá”.) Chỉ trong vòng vài ngày các công ty của tập đoàn đã mất sạch 100 tỷ đô la Mỹ giá trị vốn hóa thị trường. Một trong số chúng thậm chí phải hủy đợt phát hành cổ phần và trả lại 2,5 tỷ đô la cho các nhà đầu tư.

Khó có thể phản đối những người dành cả ngày đi tìm sai phạm của các công ty. Thật vậy, chúng tôi tin rằng bán khống là tốt cho thị trường. Trong lịch sử, bán khống gắn liền với việc phát hiện ra một số vụ lừa đảo lớn nhất của giới kinh doanh. Các sai phạm của Enron, công ty năng lượng khổng lồ của Texas đã phá sản năm 2001, là một ví dụ; ngoài ra còn có sai phạm tại Wirecard, một công ty fintech Đức sụp đổ năm 2020. Nhưng bản thân những người bán khống, giống như Le Maire, thường không được chào đón. Andrew Left, một người bán khống thẳng thắn, đã thông báo vào năm 2021 rằng ông sẽ dừng xuất bản các báo cáo ngắn sau 20 năm trong ngành. Ông cho biết các nhà đầu tư bán lẻ đã chia sẻ thông tin cá nhân của ông lên mạng xã hội và gửi tin nhắn đe dọa đến các con ông. Một nhà quản lý quỹ phòng hộ từng dùng cách chơi chữ để nói, khi bạn xuất bản nghiên cứu tâng bốc các công ty, “thường người ta sẽ thích bạn, bởi vì nhìn chung mọi người đều đầu tư dài hạn (nguyên văn: long). Ai cũng ghét khi bạn bán khống (nguyên văn: short trong short selling).”

Bán khống cũng nổi tiếng là khó kiếm lời. Lợi nhuận bị giới hạn, vì giá cổ phiếu không thể giảm xuống dưới 0. Nhưng nó có thể tăng không ngừng, làm cho tổn thất tiềm năng trở nên vô hạn. Trong khi đó, các quỹ bán khống thường có ít tiền hơn nhiều so với các quỹ “chỉ mua dài hạn” truyền thống, nhằm hạn chế phí quản lý lớn. Nhưng nếu nói chuyện với các tay bán khống, bạn sẽ nhận ra mục tiêu của họ không phải là làm giàu theo cách dễ dàng hơn. Họ muốn tận hưởng cảm giác hồi hộp rượt đuổi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới