Theo một quan chức ở tỉnh Hồ Nam, có ít nhất 7 vụ giết người ở Trung Quốc chỉ trong một tuần qua. Tất cả đều liên quan tới tình trạng thất nghiệp tồi tệ. Theo ước tính của truyền thông, khoảng 100 triệu nông dân Trung Quốc không còn đất đai để trồng cấy. Nếu họ không có việc làm, bạo lực tất yếu bùng phát.
Vision Times trích dẫn nguồn tin từ RFA cho biết, một quan chức họ Liu từ Đào Giang, Hồ Nam nói rằng từ ngày 13 đến ngày 20/2, có bảy vụ giết người hàng loạt ở Trung Quốc. Các vụ án bạo lực này dẫn tới cái chết của ít nhất 12 nạn nhân. Theo quan chức này, chỉ vài nghìn USD (vài chục triệu) cũng có thể gây ra mâu thuẫn và bạo lực đẫm máu.
Theo vị quan chức này, trong chính phủ Trung Quốc, ai cũng hiểu nguyên nhân của các thảm kịch đến từ tình trạng thất nghiệp tồi tệ trong khi tư liệu sản xuất cha ông để lại là đất đai đã biến mất trong quá trình đô thị hoá thần tốc vài chục năm qua. Đất đai hoang phí khi tỉnh nào cũng phát triển các dự án BĐS đô thị bất chấp người dân không còn tiền để mua.
Ngay từ năm 2004, Nhân dân Nhật báo đã công khai chỉ ra rằng tổng số nông dân không có ruộng đất trong cả nước ước tính khoảng 40 triệu người, và con số này đang tăng lên với tốc độ hơn 2 triệu mỗi năm. Vào năm 2020, phương tiện truyền thông nhà nước Nhật báo Thanh niên Trung Quốc trích dẫn thông tin cho biết có 100 triệu nông dân không có đất. Trong khi người nông dân không có đất để trồng cấy, cuộc sống của họ hoàn toàn dựa vào sự phát triển của các khu công nghiệp ô nhiễm.
Tuy nhiên, suy giảm kinh tế, ‘zero-Covid’ dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức kỷ lục. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và dữ liệu liên quan đến việc làm, từ tháng 1 đến tháng 11/2022, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị quốc gia trung bình là 5,6%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị trong quý II năm đó là 6,1%. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên 16-24 tuổi lên tới gần 20%. Không có việc làm và đất đai đã dồn một lượng lớn người trẻ ở Trung Quốc đến bước đường cùng. Bạo lực bùng phát là tất yếu.
Theo quan chức này, nơi bà hiện đang làm việc, cơ hội làm việc ít trong khi thời gian lạ việc kéo dài. Khi quận của bà tuyển 10 chỉ tiêu biên chế giáo viên, có tới 2.800 người nộp đơn ứng tuyển. Bà Liu nói, “ngành công nghiệp trụ cột chính của chúng tôi ở Đào Giang là nhà máy trầu và một số nhà máy sản xuất túi xách. Tiền lương của nhà máy trầu cao hơn một chút, khoảng hai hoặc ba nghìn, và họ phải làm thêm giờ, ít nhất 12 giờ làm việc mỗi ngày”. Mức lương cho mỗi giờ lao động như vậy chỉ 6 nhân dân tệ (CNY).
Trong suốt 3 năm zero-Covid, phong toả khắc nghiệt khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất; các ngành bị ảnh hưởng tồi tệ như BĐS, giáo dục bổ túc, công nghệ, sản xuất,… Chỉ tính riêng số lượng học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề tốt nghiệp không thể tìm được việc làm đã là con số đáng báo động.
Theo báo cáo của Caixin, tuyển dụng tại trường gần như bị cắt giảm một nửa vào mùa thu (mùa sinh viên tốt nghiệp) năm ngoái. Tập đoàn ByteDance cắt giảm một nửa lượng tuyển dụng. Tập đoàn Meituan giảm từ từ 10.000 xuống còn 5.000 nhân viên. Các hãng như Baidu và Tencent không tiết lộ số lượng lao động tuyển dụng thực tế. Có tin đồn rằng Tencent chỉ tuyển dụng thêm 3 nhân viên. Nhiều công ty thậm chí đã từ bỏ các hoạt động tuyển dụng.
Một nhân viên phòng nhân sự của một doanh nghiệp nhà nước ở Sơn Đông tiết lộ rằng có 2.000 vị trí tuyển dụng tại trường nhưng có tới 10.000 ứng cử viên đăng ký. Cơ hội việc làm được các hãng lớn tung ra trong năm 2022 giảm một nửa nhưng có tới 100.000 hồ sơ xin việc. Hồ sơ xin việc đổ về như nước lũ; môt hình ảnh so sánh mà các nhà tuyển dụng nhân sự đưa ra.
Thất nghiệp, không có đất đai để trồng cấy đang thúc đẩy bạo lực, thúc đẩy các cuộc biểu tình khắp Trung Quốc.
T.P