Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu TQ có xả nước cứu sông Mekong

Liệu TQ có xả nước cứu sông Mekong

Sau khi VN gửi công hàm nêu rõ nguy cơ bị hạn hán tại ĐBSCL, Trung Quốc nói sẽ lên phương án xả nước hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn.

Dân Việt đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, sẽ làm việc ngay với các cơ quan liên quan để sớm có phương án xả nước hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn dòng sông này nhằm giúp Việt Nam đối phó với hạn hán.

Ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cũng cho biết: “Tôi đã xin chỉ đạo của Thủ tướng, cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ TN&MT về việc thúc đẩy nhanh phía Trung Quốc phối hợp xả nước hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía nước này”.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết thêm: “Trong 2015 chúng ta đã chứng kiến hạn hạn rất kỷ lục ở các tỉnh Nam Trung bộ và một số vùng ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, một số vùng ở ĐBSCL.

Nhưng bước sang năm 2016 tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, khốc liệt hơn. Mùa mưa kết thúc sớm, khiến mực nước sông Mê Kông thấp ở mức kỷ lục trong hơn 90 năm qua.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến ĐBSCL và các khu vực khác trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt”.

Liên quan đến việc xả nước các hồ thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông, trao đổi với báo chí, TS Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết: “Dự kiến Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tiến hành làm việc với 4 nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar trong 3 ngày từ 15 đến 17/3.

Đây là thời điểm diễn ra Phiên họp lần thứ 43 Ủy ban Liên hợp Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế. Tại phiên họp này phía Việt Nam sẽ làm việc với các nước này để có giải pháp điều tiết nước cho vùng ĐBSCL”.

Trước đó, ngày 7/3, sau khi nghe thực trạng diện tích lúa ở ĐBSCL đã thiệt hại gần 139.000 ha. Kèm theo đó, ngoài ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino kéo dài lịch sử gây nắng hạn, mưa ít thì hiện nay dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL đang rất thấp và có những diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương có công hàm gửi đến các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL.

Trao đổi với Đất Việt, trước chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, TS Đào Trọng Tứ – cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cũng đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hạn hán cũng do nhiều yếu tố, trong đó có sự tác động của thượng nguồn vùng Trung Quốc, cụ thể là đập Xayabury.

Bên cạnh đó, nơi đây có một loạt hồ chứa lớn, nhiều dòng nhánh cắt dòng, nhiều đập, hiện nay đã có hơn 40 dự án được triển khai.

Trong khi, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần phải điều tra, lượng nước tại các hồ chứa thượng nguồn ra sao, nếu dư nước thì phải xả nước, nếu không sẽ đưa ra tòa án quốc tế.

Cụ thể, cần phải tổ chức một đoàn đi khảo sát các đập trên thượng nguồn, xem có giữ nước quá nhiều, có số liệu đàng hoàng mới bắt buộc họ xả đập được, chứ còn kêu gọi kiểu “rủ lòng thương” hay “nể tình” thì vô cùng khó.

Chung nhận định, TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trường Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Chúng ta vẫn phải chấp nhận thế bị động, vì nằm cuối cùng vùng hạ lưu, đấu tranh ngoại giao chỉ là một phần, hạn chế những thiệt hại. Qua đây, chúng ta phải rút ra bài học thiệt hại ra sao, nếu hạn hán cộng với nguy cơ khác thì tình trạng như thế nào.

Nhưng thay vì đưa ra các giải pháp tình thế, chữa cháy như hiện nay, phải phân tích, đánh giá để có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Khôi phục lại hồ chứa tự nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giáp Long Xuyên, để giữ trọn nguồn nước”.

RELATED ARTICLES

Tin mới