Trung Quốc gần đây tuyên bố, trong thời chiến, quân đội nước này có thể thực hiện các chức năng tư pháp như cưỡng chế bắt giữ, lập hồ sơ vụ án, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Các nhà phân tích cho rằng, có thể Bắc Kinh đang chuẩn bị đề phòng nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, hoặc là để đối phó với các cuộc nổi dậy tiềm tàng của quân đội và nhân dân trong nước.
Ngày 24/2, trang web chính thức của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành quyết định về việc, trong thời chiến, quân đội có thể điều chỉnh và áp dụng một số quy định của “Luật Tố tụng Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/2, việc thực hiện cụ thể do Quân ủy Trung ương quy định.
Chuyên gia: ĐCSTQ lo sợ binh lính ‘đào ngũ’ nếu có chiến tranh
Ngay từ ngày 22/12 năm ngoái, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ban hành “Quy định về một số vấn đề liên quan đến việc quân đội thực thi Luật Tố tụng Hình sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Trong đó nêu rõ, điều này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc “đảm bảo sự an toàn và ổn định của quân đội”.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) cho rằng, việc ban hành các quy định và quyết định nêu trên lại là một tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ đang chuẩn bị cho cuộc chiến trên eo biển Đài Loan.
Ông Chu viết trong một bài phân tích đăng ngày 25/2 trên The Epoch Times rằng, các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ không thể loại trừ tình huống binh lính của mình sẽ “đào ngũ, bỏ trốn, chạy sang hàng ngũ địch” nếu có chiến tranh. Ngay từ trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 tới nay, tin đồn nội bộ quân đội Trung Quốc lục đục, không trung thành liên tục xuất hiện.
Ông cho rằng, quân đội ĐCSTQ và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã bắt tay nhau cùng đưa ra các quy định nêu trên, nhằm đảm bảo ngăn chặn cái gọi là “sự phản bội” của quân nhân trong thời chiến và ngăn họ làm rò rỉ tình báo quân sự của ĐCSTQ. Đây cũng được cho là bước chuẩn bị để xử lý tù binh bị bắt trong chiến tranh.
Chuyên gia: ĐCSTQ muốn ngăn chặn ‘các cuộc nổi dậy trong dân chúng’
Ngoài việc ngăn chặn “các cuộc đảo chính quân sự”, ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận thời sự tại Hoa Kỳ, cho rằng việc quân đội ĐCSTQ được phép áp dụng “Luật Tố tụng Hình sự” trong thời chiến cũng là bước trải đường để trấn áp các cuộc đảo chính dân sự tiềm tàng.
“Nói cách khác, trong thời chiến, quân đội có thể nắm trong tay tất cả quyền hạn của các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, và tư pháp, có thể lập tức bỏ qua mọi trình tự. Quân đội có thể tự quyết định sinh tử của một người”, ông Đường nói.
Theo ông, “Một khi ĐCSTQ tuyên bố bước vào trạng thái thời chiến, bất cứ ai phát tán thông tin được cho là tiêu cực trên Internet hoặc ngoài xã hội đều có thể bị quân nhân tìm tới tận cửa nhà và đưa đi, chứ không đơn giản là xóa bài đăng, hủy tài khoản hay bị triệu tập. Và chỉ vài giờ sau, bạn có đang trên một chuyến tàu đến Tân Cương, hoặc một chiếc xe chở tù nhân đến nơi hành quyết”.
Sau ba năm xảy ra dịch bệnh, chính sách Zero Covid cũng như quyết định mở cửa không lộ trình của ĐCSTQ đã dẫn đến cái chết của rất nhiều người dân, nền kinh tế trở nên khó khăn, sự bất mãn sôi sục trong công chúng, chế độ ĐCSTQ đang phải đối mặt với nguy cơ bốn bề.
Ông Đường Tịnh Viễn nói rằng, việc ĐCSTQ sử dụng “Luật Tố tụng Hình sự” trong thời chiến để đối phó với người dân không phải là chuyện gì giật gân hay lạ lẫm, bởi vì “bất cứ khi nào ĐCSTQ gặp phải một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, nó sẽ thỏa sức giết hại dân thường, trước nay chưa từng chùn tay”.
Về việc quân đội sẽ được trao cho những quyền hạn gì trong thời chiến, giới chức ĐCSTQ cho biết việc này sẽ do Quân ủy Trung ương quy định, có nghĩa là cuối cùng nó sẽ do Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình quyết định.
“Trong tương lai, khi nào Trung Quốc bước vào tình trạng quân đội kiểm soát thời chiến, khi nào quân đội tiếp quản toàn bộ quyền tư pháp, về cơ bản sẽ do ông Tập Cận Bình quyết định”, ông Đường nói.
ĐCSTQ tăng ngạch quân dự bị từ tháng 3/2023
Ngoài ra, vào ngày 30/12/2022, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ đã thông qua “Luật Quân nhân Dự bị”.
Luật này quy định rõ rằng, “quân nhân dự bị là thành viên của lực lượng vũ trang quốc gia, là nguồn quan trọng để bổ sung quân nhân cho quân đội tại ngũ trong thời chiến” và “sẵn sàng nhận lệnh triệu tập” bất cứ lúc nào. Tuổi từ 18 đến 60 đều phù hợp với điều kiện chiêu binh, thời gian phục vụ tối thiểu là 4 năm.
“Luật Quân nhân Dự bị” sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.
Đạo luật kể trên cũng được coi là một tín hiệu cho thấy ĐCSTQ đang chuẩn bị cho chiến tranh, và đó là một chiến dịch chiêu mộ binh lính quy mô lớn.
Vài ngày trước, ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá phụ trách tham mưu cho Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, hiện sống ở California, Mỹ nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, tình hình ở eo biển Đài Loan đang căng thẳng, một khi chiến tranh nổ ra, ĐCSTQ sẽ cho phép quân đội kiểm soát trong nước. Ngoài ra, chiêu binh dự bị là để đối phó với người dân bên trong Trung Quốc, chứ không phải là quân đội chính quy của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Đài Loan. Lực lượng này được dùng để đàn áp nhân dân trong nước.
T.P