Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựXe tăng hạng nhẹ “lên ngôi” khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài

Xe tăng hạng nhẹ “lên ngôi” khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài

Mặc dù không sở hữu sức mạnh vượt trội và không có lớp giáp bảo vệ dày như xe tăng chiến đấu chủ lực, xe tăng hạng nhẹ vẫn được coi là phương tiện hữu hiệu, nhằm lấp đầy khoảng trống giữa xe tăng chủ lực và xe chiến đấu bộ binh.

Đại diện của General Dynamics giới thiệu về nguyên mẫu xe tăng hạng nhẹ.

Xung đột Nga-Ukraine là cuộc xung đột lớn đầu tiên giữa các quân đội hiện đại trong nhiều thập kỷ qua và một số quốc gia đang phân tích mọi khía cạnh quân sự của cuộc xung đột này để huấn luyện và trang bị tốt hơn cho quân đội của họ.

Mọi sự chú ý tập trung vào xe tăng hạng nhẹ

Một trong những bài học lớn nhất là về xe tăng. Mặc dù chịu tổn thất khá lớn trên chiến trường nhưng xe tăng vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc xung đột hiện đại. Nga hiện có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất phương tiện này, còn Ukraine đang tích cực vận động hành lang để phương Tây tăng cường chuyển giao xe tăng cho quân đội nước này.

Những nỗ lực của phương Tây nhằm đưa xe tăng và các phương tiện bọc thép đến Ukraine đã thu hút sự chú ý đối với vai trò của xe tăng hạng nhẹ – loại xe tăng phần lớn không còn được ưa chuộng sau Thế chiến II. Mặc dù không sở hữu sức mạnh vượt trội và không có lớp giáp bảo vệ dày như xe tăng chiến đấu chủ lực, xe tăng hạng nhẹ vẫn được coi là phương tiện lấp đầy khoảng trống giữa xe tăng chủ lực và xe chiến đấu bộ binh.

Ngay cả trước thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, một số quốc gia đã đầu tư vào xe tăng hạng nhẹ để tăng cường lực lượng thiết giáp trên chiến trường trong trường hợp giao tranh xảy ra.

Thuật ngữ xe tăng hạng nhẹ ra đời khi các cường quốc quân sự vẫn đang xây dựng học thuyết xe tăng vào đầu thế kỷ 20. Ở thời điểm đó, vai trò của xe tăng là chủ đề gây tranh cãi. Thiết kế của chúng chủ yếu dựa trên ba yếu tố: tính cơ động, lớp giáp và hỏa lực. Xe tăng hạng nhẹ chủ yếu tập trung phát triển tính cơ động. Chúng có kích thước nhỏ hơn, có lớp giáp nhẹ hơn và hỏa lực kém hơn so với xe tăng chiến đấu chủ lực.

Nếu như xe tăng hạng nặng và hạng trung chủ yếu được sử dụng để chống lại thiết giáp và công sự của đối phương thì xe tăng hạng nhẹ được dùng để đối đầu với bộ binh và các loại thiết giáp hạng nhẹ khác. Ngoài ra, chúng cũng đảm nhiệm các vai trò khác như giám sát lực lượng đối phương, trinh sát – tuần tra bọc thép, hỗ trợ về hỏa lực.

Trong chiến tranh Lạnh, quân đội các nước tiếp tục phát triển xe tăng hạng nhẹ. Mỹ và Liên Xô đã phát triển những xe tăng hạng nhẹ có khả năng “nhảy dù” hoặc đổ bộ. Tuy vậy, các phương tiện này trở nên ít phổ biến hơn vào thế kỷ 20, đặc biệt khi xuất hiện những phương tiện chiến đấu bộ binh linh hoạt và có giá thành rẻ hơn.

Thế nhưng khi những phương tiện chiến đấu bộ binh hiện đại như M2 Bradley hay xe bọc thép bánh lốp Stryker ra đời, người ta nhận thấy có một khoảng cách lớn giữa xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng và những xe chiến đầu bộ binh này. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phát triển một loại phương tiện có thể hỗ trợ bộ binh hiệu quả trong các môi trường khó khăn như núi, rừng, hải đảo, đồng thời phải có đủ hỏa lực để đối phó với boongke, súng máy và xe bọc thép hạng nhẹ. Vấn đề này một lần nữa khơi dậy sự quan tâm đến xe tăng hạng nhẹ.

Chạy đua phát triển xe tăng hạng nhẹ

Trong một thập kỷ qua, quân đội 3 nước Mỹ, Nga, Trung Quốc đã nghiên cứu và cho ra đời những thiết kế xe tăng hạng nhẹ mới, có thể đáp ứng các yêu cầu trên.

Một trong những xe tăng hạng nhẹ được biết đến rộng rãi nhất là Type-15 của Trung Quốc, hay còn gọi là ZTQ-15. Trung Quốc chính thức biên chế mẫu xe tăng này cho quân đội vào năm 2018. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này có khoảng 500 chiếc Type-15 đang hoạt động. Type-15 nặng khoảng 36 tấn, được bọc giáp toàn bộ, trang bị súng 105 mm. Kíp lái gồm 3 người. Phương tiện này hoạt động tốt trong những môi trường có độ cao lớn như dãy Himalaya – nơi có không khí loãng khiến việc vận hành những xe tăng hạng nặng gặp nhiều khó khăn.

Hồi tháng 6/2022, Quân đội Mỹ đã trao cho tập đoàn General Dynamics Land Systems 1,14 tỷ USD chế tạo xe tăng hạng nhẹ MPF (Mobile Protected Firepower – Hỏa lực Thiết giáp Cơ động cao). Đây là một phần của chương trình phát phát triển xe chiến đấu điều khiển từ xa thế hệ mới Next-Generation Combat Vehicle (NGCV) nhằm cung cấp cho các đơn vị chiến đấu bộ binh phương tiện có thể phá hủy công sự và xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương.

MPF nặng khoảng 38 tấn, có khẩu pháo chính 105mm và kíp lái 4 người. Phương tiện này có tầm quan sát rộng với các camera ở phía trước, hai bên và phía sau, đồng thời có hệ thống liên lạc bên ngoài để quân đội có thể trò chuyện trực tiếp với kíp lái. Giống như xe tăng hạng nhẹ Type-15 và Type-16 của Trung Quốc, MPF có thể được gắn thêm giáp bảo vệ trong trường hợp cần thiết.

Tập đoàn General Dynamics Land Systems bắt đầu lắp ráp những chiếc MPF đầu tiên vào tháng 12/2022 và có kế hoạch chuyển giao lô hàng vào cuối năm 2023. Quân đội Mỹ có kế hoạch mua 504 chiếc xe tăng này.

Nga cũng tỏ ra không kém cạnh trong cuộc đua này. Moscow đang có kế hoạch bắt tay sản xuất hàng loạt xe tăng lội nước hạng nhẹ 2S25M Sprut, được lắp đặt pháo 125mm tương tự như xe tăng chiến đấu chủ lực mà họ đã phát triển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới