Năm nay, Bắc Kinh đã thể hiện ưu tiên chiến lược rõ ràng, thông qua việc lựa chọn và bổ nhiệm các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 14.
Theo tờ Nikkei Asia, trong số 5.150 đại biểu tham gia Đại hội, gần 100 người là giám đốc điều hành hoặc đại diện từ các công ty Trung Quốc chịu lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ.
Họ bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (hay Tập đoàn Norinco) chuyên sản xuất vũ khí; Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc; và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho quân đội. Tất cả đều là các công ty công nghiệp quân sự thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, bị Washington đưa vào danh sách đen.
Ấn phẩm cho rằng, điều này phản ánh tham vọng nắm giữ công nghệ toàn quốc của Bắc Kinh, trên con đường trở thành một siêu cường công nghệ.
Mặt khác, mặc dù những gã khổng lồ internet Trung Quốc hầu như đã biến mất khỏi cuộc họp quốc hội năm nay, đại diện của các công ty bán dẫn và trí tuệ nhân tạo lại có mặt khá nhiều.
Họ cũng đến từ các công ty bị Hoa Kỳ nhắm đến, chẳng hạn như nhà phát triển chip Cambricon Technologies và Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (gọi tắt là SMIC). Đây là lần đầu tiên Công ty công nghệ Cambricon tham gia các cuộc họp chính trị, trong khi SMIC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc.
Tờ Bloomberg trước đây đã nhận xét, sự vắng mặt của những gã khổng lồ internet cho thấy, Bắc Kinh không sẵn sàng nới lỏng hạn chế đối với lĩnh vực này sau hai năm đàn áp.
Tương tự như vậy, trí tuệ nhân tạo là một ngành công nghiệp đang phát triển mà ĐCSTQ tự coi mình là kẻ dẫn đầu thế giới. Bên cạnh đó, chip bán dẫn vẫn là một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc muốn trở nên tự chủ. Khát vọng đó đã bị cản trở nghiêm trọng bởi các biện pháp hạn chế chưa từng có của Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Theo tờ Nikkei Asia, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất khoảng 20% đến 30% nguồn cung của mình. Các đại biểu dự kiến sẽ thảo luận về cách Trung Quốc có thể quản lý tăng trưởng mà không cần phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Ngoài các công ty quân sự tham gia vào Đại hội kể trên, có cả công ty nhận dạng khuôn mặt SenseTime và công ty nhận dạng giọng nói iFlytek. Cả hai đều bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì cáo buộc hỗ trợ Bắc Kinh đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
T.P