Trong đoạn video đăng trên Internet cho thấy, khi ông Lý Khắc Cường chia tay các nhân viên của Quốc vụ viện, ông đã thốt lên câu nói, vốn rất tín Thần trong văn hoá truyền thống của Trung Hoa: “Người đang làm, Trời đang nhìn”; một câu nói như cảnh báo cho những người ở lại hay như để nhắc nhở chính ông?
Vào ngày 5/3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khai mạc tại Bắc Kinh, ông Lý Khắc Cường, người sắp từ chức Thủ tướng Quốc vụ viện, đã gửi báo cáo công tác của chính phủ cho Đại hội.
Sau cuộc họp khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ động tiến đến bắt tay Thủ tướng Lý Khắc Cường. Sau cuộc họp, ông Lý Khắc Cường đã có khoảnh khắc chia tay với các nhân viên Quốc vụ viện dưới quyền ông.
Trong một video đăng tải khoảnh khắc chia tay này, ông Lý Khắc Cường đã thốt lên một câu tục ngữ hết sức tín Thần: “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Một câu nói ngụ ý rằng con người có thể lừa dối thế nhân chứ không qua được mắt Thần. Câu nói cổ xưa của người Trung Hoa với niềm tin hữu Thần rằng “trên đầu 3 thước có Thần linh”. Niềm tin vào Thần của người Trung Quốc không thể mất chỉ vì thuyết vô thần của ĐCSTQ; bởi đó là văn hoá truyền thống, trong đó có yếu tố Thần truyền, truyền qua các thế hệ. Người Trung Quốc tin rằng mỗi tư, mỗi niệm của con người đều được Thần ghi chép; hết thẩy theo Luật Nhân quả mà triển hiện; người bất thiện, ắt bị Trời [là các chính Thần] trừng phạt.
Câu nói tín Thần của Thủ tướng Lý Khắc Cường trước khi rời nhiệm sở không hoàn toàn là một lời cảm thán, nó như một lời cảnh cáo cho người ở lại và lời nhắc nhở cho chính bản thân mình.
Trong báo cáo cuối cùng, ông Lý Khắc Cường đưa ra 8 đề xuất công việc cho năm 2023, chỉ nói về kinh tế và sinh kế của người dân, không nói về tôn giáo, dân tộc hay ổn định xã hội và quản trị; những thành tựu mới trong nền kinh tế, đặt ra một mục tiêu mới về tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm ngoái không đạt mục tiêu, GDP chỉ tăng 3%, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay được đặt ra là khoảng 5%; đây là mức thấp nhất trong mục tiêu phát triển mà chính phủ Trung Quốc đặt ra trong hơn 20 năm qua. Nhưng ông Lý Khắc Cường mô tả rằng sự phát triển này là không dễ dàng.
Theo Nhật báo Sing Tao, vào ngày 5/3, sau cuộc họp khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ động đi đến gần Thủ tướng Lý Khắc Cường, bắt tay ông, sau đó quay đi và gật đầu chào đám đông.
Một trong số các video về khoảnh khắc ông Lý Khắc Cường từ nhiệm, chia tay với cán bộ nhân viên của mình, có video ông thốt lên: “phương Bắc vẫn đang là mùa đông, hôm nay lại nắng chói chang như mùa xuân. Người ta thường nói “người đang làm, Trời đang nhìn, ông Trời có mắt”.
Câu nói này của ông Lý Khắc Cường đã thu hút sự chú ý của dư luận. Có rất nhiều nguyên nhân khiến ông Lý Khắc Cường thốt lên câu này; ít nhất có thể phân tích nó từ quyền lực Chính quyền thời ông lãnh đạo.
Đánh mất quyền lực Quốc vụ viện do các vị tiền nhiệm đã xây
Cư dân mạng trên Twitter bình luận: “ông Trời đang ghi chép tất thảy những gì con người đang làm. Vài lời này chỉ để bào chữa cho tội lỗi ở vị trí của mình mà để mất chính quyền của mình”.
Thủ tướng Quốc vụ viện là người phụ trách cao nhất trong cơ quan hành chính của ĐCSTQ, gánh vác trọng trách quản lý quốc gia nặng nề và chịu trách nhiệm về mọi mặt đối nội, đối ngoại.
Từ Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo đến Lý Khắc Cường, ba thủ tướng có ba phong cách điều hành khác nhau. Ông Chu Dung Cơ đã thiết lập khuôn khổ và ý tưởng cơ bản cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Dưới khuôn khổ do ông Chu Dung Cơ đặt ra, ông Ôn Gia Bảo đã nắm bắt cơ hội chiến lược để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm của Trung Quốc. Đáng tiếc, ông Lý Khắc Cường là người yếu nhất trong ba thủ tướng. Thời báo The Economist từng nói trong một bài báo có tiêu đề “Một cuộc đảo chính kiểu Trung Quốc” rằng vấn đề của Lý Khắc Cường không phải là bất tài, mà là bất lực.
Nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc Chen Daoyin nói với Free Asia vào ngày 5/3 rằng phần mà ông Lý Khắc Cường không đề cập đến (trong báo cáo của chính phủ) là lời báo trước rằng Quốc vụ viện sẽ bị tước bỏ quyền lực sau khi hoàn thành cải cách thể chế.
Ông Chen Daoyin nói rằng việc ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh vào những thành tựu kinh tế của Trung Quốc trong báo cáo không chỉ để xóa đi cái bóng của dịch bệnh, đạt được hiệu quả thúc đẩy niềm tin vào triển vọng của Trung Quốc trong và ngoài nước, mà còn để đánh bóng thành tích của ông ấy, cho thấy rằng ông rất xứng đáng làm thủ tướng. Khi đánh giá sự nghiệp 10 năm làm thủ tướng của ông Lý Khắc Cường, nhà phân tích chính trị Chen Daoyin mô tả rằng nhiều thủ tướng đã tích lũy quyền lực cho Quốc vụ viện, và tất cả quyền lực họ tích luỹ đều bị tước đoạt trong nhiệm kỳ của ông Lý Khắc Cường.
Ông Chen Daoyin nói: “So với các báo cáo trước đây, báo cáo của ông ấy thiếu rất nhiều thứ. Có thể tóm gọn trong bốn từ, đó là “thất [mất] quyền, nhục quốc”. Quyền lực này là quyền lực hành chính. 30 năm qua đã là quá trình trao trả quyền lực từ đảng cho chính phủ. Với sự phân công lao động giữa đảng và chính phủ, quyền hành pháp dần dần được thực hiện… Sau 30 năm cải cách, từ ông Triệu Tử Dương đến ông Chu Dung Cơ, và sau đó đến ông Ôn Gia Bảo, quyền lực tích lũy của các thế hệ thủ tướng này đã bị đảng thâu tóm trở lại trong 10 năm ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng. Vì thế, người ta gọi là “thất quyền, nhục quốc”.
Lý Khắc Cường thiếu can đảm nói không với Tập Cận Bình
Lý Khắc Cường đã giữ chức Thủ tướng Quốc vụ viện hai nhiệm kỳ liên tiếp, theo Hiến pháp ĐCSTQ, ông chỉ có thể giữ chức Thủ tướng tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp, ông sẽ từ nhiệm Thủ tướng tại “Lưỡng hội” toàn quốc năm nay và rút lui khỏi vị trí lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.
Ông Feng Chongyi, giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, Australia, nói với Free Asia rằng trước khi ông Lý Khắc Cường thoái vị, ông Lý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách và mở cửa, nhưng chỉ trích Lý Khắc Cường không phát huy hết tầm hiểu biết của cá nhân ông về thế giới và nền kinh tế, và chỉ tập trung vào an toàn cá nhân.
Ông Feng Chongyi: “ông Lý Khắc Cường không có can đảm và dũng khí để thách thức ông Tập Cận Bình. Trong báo cáo Chính phủ cuối cùng này, ông ta vẫn nhắc đến thành tích của ông Tập Cận Bình ở mọi nơi dù điều này vi phạm lương tâm và nhận thức cá nhân của ông ấy. Ông Lý tự cho mình là người theo dõi ông Tập Cận Bình, hợp tác với ông Tập Tập Cận Bình, duy trì chế độ độc tài cá nhân của ông Tập Cận Bình, chuyên quyền là để tránh cho con dao chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình khỏi chém xuống đầu mình. Những người trong Quốc vụ viện đều như nhau, mục tiêu lớn nhất không phải là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mà là rút lui và hạ cánh an toàn. Điều này cho thấy toàn bộ nhóm cầm quyền của ĐCSTQ đã sụp đổ”.
T.P