Với quyết định mới nhất từ phía chính phủ Trung Quốc: Đưa VN vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, ngành du lịch kỳ vọng đón cú hích để tự tin đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023.
Lập tức triển khai kế hoạch đón khách
Tối muộn 8.3, Bộ VH-TT-DL thông tin Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại VN thông báo về việc chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa VN vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, bắt đầu từ 15.3.
Ngay sáng hôm sau, Phó tổng trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã cấp tập nhận nhiệm vụ xây dựng gấp kế hoạch đón dòng khách từ thị trường “khổng lồ” này, báo cáo Bộ VH-TT-DL và Chính phủ trong kỳ họp dự kiến sắp tới. Song song, các hãng hàng không trong nước cũng gấp rút họp bàn để nghiên cứu phương án triển khai mạng bay đến Trung Quốc bởi trước đó đã phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5 để chờ các quyết định tiếp theo của nước này về việc cho phép khách du lịch đến VN.
Trước dịch, Trung Quốc là thị trường đưa khách lớn nhất của du lịch VN, chiếm tới 1/3 doanh thu thị phần quốc tế của các hãng. Mỗi tuần, các hãng hàng không VN khai thác khoảng hơn 200 chuyến bay tới nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc. Vì thế, ngay từ khi thị trường này chính thức mở cửa, Hãng hàng không quốc gia VN Vietnam Airlines đã chủ động lên kế hoạch phục hồi hoàn toàn các đường bay Trung Quốc, kỳ vọng đối tượng khách thăm thân, khách lao động, công vụ sẽ nhanh chóng giúp thị trường này phục hồi khoảng 20% sau 1 – 2 tháng và sẽ tiếp tục tăng tốc, phục hồi lên mức 50% của 2019.
Trả lời Thanh Niên sáng sớm 9.3, đại diện Vietnam Airlines cho biết chắc chắn phương án khai thác sẽ có sự thay đổi, nhưng thị trường Trung Quốc có đặc thù, không phải đơn giản cứ mở cửa là sẽ bay ngay được. Cơ quan đại diện của Vietnam Airlines tại Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực đàm phán để triển khai các đường bay đến Trung Quốc trong thời gian sớm nhất có thể.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, hồ hởi đây là tin vui của ngành du lịch VN. Trong bối cảnh các thị trường du lịch xa đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế và các xung đột chính trị, dòng khách Trung Quốc quay trở lại từ 15.3, nếu nhanh chóng phục hồi khoảng 50 – 60% so với giai đoạn trước dịch thì VN đã nắm chắc 3 – 4 triệu khách quốc tế. Cùng với gần 3,7 triệu khách đã đến VN trong 2022, nhiều chính sách thu hút du lịch được triển khai thì mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023 là hoàn toàn tự tin đạt được.
Song, đấy chưa phải ý nghĩa lớn nhất. Theo ông Thành, trước dịch, khách Trung Quốc chiếm tới hơn 70% lượng khách quốc tế của Nha Trang – Khánh Hòa. Mặc dù năm 2022, lượng khách nội địa tăng đột biến và lác đác vài đoàn khách từ Hàn Quốc, Thái Lan, châu Âu nhưng cũng không thấm vào đâu so với số lượng thực tế tới 80.000 – 90.000 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Cũng vì thế, ngay cả khi du lịch nội địa đã phục hồi vượt mức năm 2019 nhưng vẫn có rất nhiều khách sạn, nhà hàng ở Nha Trang – Khánh Hòa chưa hoạt động lại. Chỉ đến khi có thông tin Trung Quốc mở cửa du lịch, hàng loạt khách sạn lớn nhỏ mới bắt đầu tân trang lại, các nhà đầu tư khẩn trương thuê lại các ki ốt, shop house ở khu phố Tây để đón “khách ruột”.
“Khu siêu đô thị VegaCity chuẩn bị khai trương vào tháng 4 với kỳ vọng trở thành thành phố thương mại du lịch tầm vóc Đông Nam Á; khách sạn 5 sao Meliá được quảng bá là tuyệt vời nhất toàn hệ thống ở VN cũng sẵn sàng ra mắt. Nha Trang, Khánh Hòa đã chuẩn bị đầu tư lớn như vậy, nếu khách Trung Quốc không đến thì sẽ rất gay go”, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Tổ chức lại thị trường để đón “khách sộp”
Trước dịch Covid-19, chỉ riêng Trung Quốc đã mang lại doanh thu 200 tỉ USD cho du lịch thế giới. Người Trung Quốc đi khắp nơi theo dạng khách đoàn, số lượng rất lớn. Vì thế, đây là đối tượng tranh giành của tất cả các nền du lịch, nước nào cũng “nhòm vào” miếng bánh siêu lớn này.
Ngay khi Trung Quốc vừa mở cửa du lịch nhưng còn đóng với VN, Thái Lan đã “thừa thắng xông lên”, hút về 1,38 triệu khách Trung Quốc chỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Trước đó, chính phủ Thái Lan dự kiến đón ít nhất 5 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc trong năm nay, nhưng chỉ kỳ vọng đạt khoảng 300.000 lượt khách trong quý đầu tiên. Vậy mà chỉ chưa đầy 1 tháng dịp tết, lượng khách đã vượt mục tiêu gần 5 lần. Malaysia cũng đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc trong năm 2023, tăng gấp rưỡi so với 3,1 triệu lượt vào năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nắm lợi thế lớn về vị trí địa lý, nằm top thị trường truyền thống lớn được người dân Trung Quốc ưa chuộng, giá cả cạnh tranh…, du lịch VN cũng đang rất mong chờ cú hích lớn khi chính thức có thể đón khách Trung từ 15.3. Thế nhưng, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ dự báo dù triển khai nhanh nhất, VN cũng phải mất từ 45 – 60 ngày để thật sự khai thác trở lại được thị trường này. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chúng ta khó đón dòng khách ồ ạt như Thái Lan và Malaysia hồi đầu năm bởi khi đó Trung Quốc mới mở cửa, độ nén nhu cầu du lịch rất lớn và họ đã “bung” hết về các nước mở trước. VN đạt được thỏa thuận với thị trường này hơi chậm, nên đã bỏ lỡ cơ hội “vớt” lượng khách lớn ngay lập tức như Thái Lan, Malaysia.
Nhận định khách đi theo dạng charter sẽ “bật dậy” nhanh hơn, sớm hơn đối tượng khách đi theo các chuyến bay thương mại, ông Nguyễn Quốc Kỳ lưu ý vấn đề của VN hiện nay là phải chuẩn bị các công ty đủ năng lực để tiếp nhận và cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách.
“Khách đi charter thì không gặp nhiều rào cản thủ tục nhưng đòi hỏi năng lực tiếp nhận của các đơn vị nước sở tại. Điểm đến tiếp nhận, đối tác tiếp nhận, từ điều phối tại các sân bay đến hệ thống xuất nhập cảnh, y tế dự phòng, hệ thống khách sạn, nhà hàng…, mọi thứ cần định hướng trước để các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị, tránh giẫm đạp lên nhau hoặc biến tướng thành “tour 0 đồng”. Điều này Thái Lan đã làm rất tốt, chúng ta có thể nhìn sang họ, học tập để tổ chức lại hệ thống đón khách đoàn Trung Quốc bên mình”, ông Kỳ khuyến cáo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng giai đoạn tới đây, khách Trung Quốc sang VN sẽ đi theo đoàn, không rầm rộ khách lẻ như trước dịch. Đây là cơ hội để VN cơ cấu, sắp xếp lại thị trường để đón dòng khách cao cấp, khai thác tốt hơn, triệt để hơn thị trường này. Cụ thể, người Trung Quốc nổi tiếng chi tiêu rất nhiều. Họ không tiếc tiền mua sắm, ăn uống, vui chơi, chọn dịch vụ và sản phẩm cao cấp nhưng đến VN chi tiêu rất ít, có thể ở cả tuần nhưng tiêu xài không bao nhiêu. Nguyên nhân do chúng ta chưa có các sản phẩm đặc sắc, chưa có những khu mua sắm, vui chơi đạt tiêu chuẩn cao đáp ứng nhu cầu của họ. Đã vậy, còn để bị biến tướng thành dòng “tour 0 đồng”, gây thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch.
“Thực trạng này cần được giải quyết triệt để. Từ nguồn nhân lực, lữ hành, hướng dẫn viên cho tới hệ thống lưu trú, nhà hàng, thương mại…, tất cả phải được đầu tư nâng cấp, phối hợp thật tốt, thật tâm để du lịch VN có thể khai thác lâu dài và bền vững thị trường khổng lồ ngay sát bên mình”, chuyên gia Nguyễn Văn Thành nhìn nhận.
Không nguồn nào có thể thay thế được khách Trung Quốc đối với Khánh Hòa. Vì thế, thông tin Trung Quốc sẽ cho phép khách đi tour đến VN từ 15.3, trùng với ngày Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Du lịch toàn quốc về du lịch, đã mang đến sinh khí mới, mở ra nhiều kỳ vọng phục hồi cho thị trường quốc tế của du lịch VN.
T.P